Bạn đã thực sự hiểu về Autopilot của Tesla chưa? Hãy nghe lái xe Model S "dạy" lại cho bạn!
Sau 3 vụ tai nạn đình đám và vô số gạch đá từ truyền thông phương Tây, một người chủ xe Tesla thực sự hiểu về công nghệ tự lái Autopilot đã lên tiếng "giáo dục" lại cả nước Mỹ về công nghệ này.
Vào tuần trước, tạp chí danh tiếng của nước Mỹ Consumer Reports đã cho đăng tải một bài viết khá lạ lùng yêu cầu Tesla phải ngưng cung cấp phần mềm Autopilot vốn đã được phát hành rộng rãi tới người dùng Model S và Model X từ năm ngoái. Yêu cầu này được đưa ra sau khi các mẫu xe Tesla liên tiếp gặp phải tai nạn trong vòng 1 tháng, trong đó có một vụ tai nạn chết người do hệ thống Autopilot không thể nhận diện được xe tải đang đi từ chiều ngược lại.
Song, với bản chất của Autopilot là một hệ thống chưa hoàn thiện và luôn đòi hỏi con người nắm quyền điều khiển, việc đổ lỗi hoàn toàn cho Tesla trong các vụ tai nạn này là không hợp lý. Đó là còn chưa kể, trong ít nhất là 2 vụ tai nạn, Autopilot đã bị quy kết "oan" vì lái xe tự gây tai nạn nhưng vẫn đổ lỗi cho phần mềm của Tesla.
Nhưng truyền thông luôn luôn thích các vụ scandal, và câu chuyện về Autopilot đang liên tục được đăng tải dưới cái nhìn thiếu thiện cảm dành cho Tesla. Dĩ nhiên, Autopilot vẫn còn cần phải được cải tiến rất nhiều, nhưng việc một tờ tạp chí đưa ra tuyên bố rằng Tesla cần phải hủy bỏ tính năng này là quá thiển cận, nhất là khi chưa một bên liên quan nào có thể đưa ra bằng chứng rằng các hệ thống xe tự lái sẽ khiến giao thông trở nên nguy hiểm hơn trước đây.
Dĩ nhiên, một con người cứng rắn như tỷ phú Elon Musk chắc chắn sẽ không chịu chấp thuận theo yêu cầu vô lý của Consumer Reports. Để đáp trả, Tesla khẳng định sẽ tìm cách giáo dục người dùng của mình tốt hơn về khả năng và các giới hạn của phần mềm Autopilot.
Nhưng chưa cần tới bàn tay của Tesla hay Elon Musk, những người sử dụng AutoPilot đã lên tiếng bảo vệ công nghệ này. Dưới đây là một bài viết chi tiết về công nghệ AutoPilot do một người chủ sở hữu xe Tesla (không có liên hệ với công ty này) thực hiện:
Bài viết dưới đây của một người chủ xe Tesla đã được chính Elon Musk đăng tải lại trên Twitter cá nhân.
Theo định nghĩa, "autopilot" (nói chung) là một hệ thống được sử dụng để điều khiển hướng đi của một phương tiện, bao gồm máy bay, tàu thủy, tàu vũ trụ và xe cộ không đòi hỏi người điều khiển phải liên tục điều khiển trực tiếp bằng tay. Mỗi hệ thống autopilot sẽ được điều khiển phương tiện ở một mức độ khác nhau, ngay cả trên những chiếc máy bay có chế độ này. Tuy vậy, autopilot không đồng nghĩa với autonomous (hoạt động độc lập). Một hệ thống lái ở mức độ autonomous sẽ không đòi hỏi sự can thiệp của con người. Hệ thống dạng này có thể tự lái dựa trên các thông tin thu về từ môi trường, không cần bất cứ thông tin nào từ con người cả.
Hệ thống Autopilot của Tesla là một nhóm tính năng đang phát triển, thỏa mãn yêu cầu về xe tự lái ở cấp độ 2 của Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ NHTSA, khác với xe tự lái của Google hiện đã thỏa mãn yêu cầu về xe tự lái ở cấp độ 3. Như Elon Musk đã khẳng định nhiều lần, xe tự lái (Autopilot) của Tesla đại diện cho những bước chập chững đầu tiên trên hành trình tạo ra những chiếc xe có khả năng hoạt động thực sự độc lập.
Tại thời điểm hiện tại, công nghệ Autopilot của Tesla cho phép bạn đi trên cùng một làn đường, chuyển làn và đỗ xe. Trong khi bạn nên giữ tay trên vô lăng, trên những con đường thẳng có ít phương tiện tham gia, bạn có thể bỏ tay xuống để thư giãn. Tuy vậy, khi đi vào đường vòng, khu vực đang xây dựng, các con đường không phân làn rõ ràng, đường đông, gặp thời tiết xấu như mưa và tuyết hoặc thậm chí là ánh nắng gay gắt, bạn cần phải giữ tay trên vô lăng và sẵn sàng điều khiển xe khi cần.
Hãy nhớ lại xem khi bạn đang ở trên máy bay và phi công chuyển sang chế độ autopilot, bạn sẽ trông chờ gì từ người phi công này? Tôi tin rằng bạn sẽ không muốn anh ta rời bỏ tay lái, xuống khoang sau trò chuyện với hành khách và để kệ cho máy tính tự động điều khiển chuyến bay. Trên những chiếc xe sử dụng Autopilot, bạn cũng không thể làm điều tương tự.
Và cũng đừng làm những việc sau đây:
a) Đi ngủ
b) Đọc truyện, sách, báo
c) Chơi game
d) Xem phim, TV hay bất cứ thứ gì khác
e) Mải nói truyện với các hành khách khác tới mức không để ý tới đường đi
Bạn có nhận thấy rằng các nguyên tắc này cũng áp dụng với việc lái bất cứ một phương tiện nào khác? Tôi hy vọng bạn nhận ra điều quan trọng ở đây: Đây không phải là một phương tiện hoạt động độc lập, bởi vậy nên đừng hành xử như thể chiếc Tesla của bạn có khả năng đó. Các phương tiện hoạt động độc lập hiện KHÔNG được phép lưu hành tại bất cứ đâu trên thế giới. Hãy nhớ rằng Autopilot không phải là một hệ thống lái độc lập mà vẫn đòi hỏi sự điều khiển của bạn. Hệ thống này sẽ trợ giúp bạn chứ không phải là thay thế bạn.
Tôi dám chắc nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi, vậy Autopilot để làm gì? Sau khi di chuyển 18.000 dặm bằng tính năng này, tôi có thể nêu ra các lợi ích như sau:
1. Khả năng giữ vị trí cho xe ở giữa làn đường của Autopilot thực sự tốt hơn con người.
2. Một vài phút mà bạn được quyền ngơi tay sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giảm mức độ mệt mỏi trên những chuyến đi dài.
3. Do bạn có thể được ngơi tay, thoát khỏi vị trí ngồi yên và giảm mệt mỏi, bạn sẽ tỉnh táo hơn và ít khả năng ngủ gật hơn.
4. Cảm biến siêu thanh và radar sẽ phát hiện ra một chiếc xe đang chuẩn bị đi vào làn của bạn (và tự động phanh) nhanh hơn con người. Chúng cũng sẽ cảnh báo bạn nếu như bạn cần chiếm quyền điều khiển và tránh va chạm.
Gửi tới bà MacCleery, phó chủ tịch phụ trách Chính sách Người tiêu dùng và Giao thông của tờ Consumer Reports: chúng tôi, những người trả tiền để sở hữu công nghệ Autopilot không phải là chuột thí nghiệm. Chuột bạch không bỏ ra 2.500 USD để được thí nghiệm. Khi chúng tôi mua tùy chọn Autopilot và bật tính năng này (Tesla yêu cầu bật thủ công), chúng tôi nhận trách nhiệm về việc sử dụng công nghệ đang được phát triển này.
Về các yêu cầu của bà, thứ duy nhất tôi đồng ý là về vấn đề giáo dục lại người tiêu dùng. 3 đề xuất còn lại:
a) Hủy bỏ "Autosteer" (tên gọi mà Consumer Reports muốn áp đặt cho Autopilot) cho tới khi người dùng được yêu cầu phải luôn đặt tay lên vô lăng: dĩ nhiên là KHÔNG. Đây không chỉ là một bước lùi đáng kể cho công nghệ xe tự động mà nó còn làm hỏng ý nghĩa của việc giảm áp lực cho lái xe. Phiên bản hiện tại đảm bảo đủ thời gian nghỉ ngơi để thay đổi tư thế và giảm sự mệt mỏi.
b) Ngừng gọi tính năng này là Autopilot: tính năng Autopilot hiện tại vẫn đáp ứng đủ khái niệm "autopilot" đang được sử dụng rộng rãi, và việc đổi tên sẽ không giúp cho mọi thứ an toàn hơn. Người dùng vẫn sẽ gọi nó là Autopilot, bất kể Tesla thay đổi tên gọi thành cái gì đi chăng nữa.
c) Không phát hành các bản beta và hãy thử nghiệm trong phòng thử nghiệm: Bà có biết tới bất cứ phòng nghiên cứu xe hơi nào có thể giả lập từng điều kiện trên đường đi? Có khả năng tạo ra môi trường giả lập như vậy hay không? Google đã liên tục cố gắng thu thập dữ liệu từ những chiếc xe tự lái cấp độ 3 trên đường đi. Tuy vậy, đó là một quá trình lâu dài, không thu thập đủ dữ liệu và làm giảm đáng kể tác dụng của xe tự lái. Việc tìm những người thử nghiệm beta từ công chúng là hết sức phổ biến trong nhiều ngành nghề, bao gồm cả ngành y tế. Nếu người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho Tesla hoặc bất cứ ai khác nhằm thử nghiệm các công nghệ mới, bà không nên áp đặt suy nghĩ của mình và tước đi quyền lợi của họ.
Lời kêu gọi của tôi tới các cơ quan hành pháp và công ty bảo hiểm:
1. Hãy áp dụng các điều luật để hỗ trợ các công nghệ đang phát triển thay vì phá hoại chúng.
2. Cải thiện và chuẩn hóa các con đường của chúng ta, biến các con đường này trở nên thông minh hơn.
3. Hãy tạo ra cách khuyến khích lái xe sử dụng các công nghệ mới như Autopilot vì chúng giảm tai nạn và tăng mức độ an toàn.
Và với những người cùng lái xe Tesla – hãy giáo dục những người lái xe Tesla khác về Autopilot và giúp chọ sử dụng công nghệ này một cách có trách nhiệm. Hãy lái xe an toàn và có trách nhiệm với Autopilot!
Và cuối cùng, tới Consumer Reports và các trang báo khác: Hãy ngừng lừa phỉnh công chúng. Hãy đăng tải sự thật và đừng bóp méo số liệu chỉ để chứng minh quan điểm của mình!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng