Bán lẻ hàng điện máy: Tiểu gia 'ngắc ngoải', đại gia sống tốt

    PV,  

    “Các “ông nhỏ” phá sản sẽ là cơ hội phát triển cho các “ông lớn” vì họ có thương hiệu, có nguồn lực tài chính cũng như có những chiến lược kinh doanh khôn ngoan”, ông Liên An Thạch, giám đốc kinh doanh của điện máy Chợ Lớn bày tỏ.

    Không chỉ Chợ Lớn mà nhiều hệ thống bán lẻ lớn khác, dù sức mua thấp, doanh thu giảm, lợi nhuận giảm nhưng nhờ có lượng khách hàng nhiều, nguồn tài chính vững vẫn “nhăm nhe” những địa chỉ đẹp để mở chuỗi, chờ khi kinh tế hưng thịnh...

    “Nếu thấy hợp lý, chúng tôi sẽ mở chuỗi ngay vì chi phí đầu tư hạ tầng năm nay rẻ hơn các năm trước. Mặt khác, do lượng hàng tiêu thụ lớn, nên giá đầu vào rẻ hơn, kéo theo giá bán ra thấp hơn, mới hấp dẫn người mua”, ông Thạch nói.

    Ai đóng cửa mặc ai...

    Hệ thống điện máy Chợ Lớn vừa khai trương siêu thị thứ 22 tại quận 4 (TP.HCM) có diện tích 8.000m2, với số vốn đầu tư khoảng 50 tỉ đồng. Tính đến nay, theo ông Liên An Thạch, hệ thống này đã có 18 siêu thị độc lập và bốn siêu thị theo mô hình “shop in shop”.

    Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, tính đến nay đã có 21 siêu thị bán lẻ. Từ siêu thị đầu tiên ở quận 1 (TP.HCM), đến nay, Nguyễn Kim đã có mặt ở nhiều tỉnh/thành khác trong cả nước, từ Hà Nội, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột cho đến Cà Mau (khai trương hồi tháng 2.2013).

    Cách đây hơn một tuần, chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động đã khai trương siêu thị thứ 210 tại địa chỉ 136 Nguyễn Thái Học (quận 1, TP.HCM). Đây là siêu thị lớn nhất của Thế Giới Di Động tính cho đến thời điểm này. Ông Nguyễn Đức Tài, tổng giám đốc Thế Giới Di Động cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ thêm khoảng 20 siêu thị mới, nâng tổng số siêu thị lên con số 230.

    FPT Retail, năm 2012 chỉ có 50 siêu thị nhưng hiện nay đã có 78 siêu thị, cuối năm nay sẽ nâng lên 100 siêu thị với tổng doanh thu dự kiến là 2.000 tỉ đồng, bà Nguyễn Bạch Điệp, tổng giám đốc FPT Retail, tiết lộ. FPT đã từng có tham vọng áp dụng hình thức mua lại các hệ thống có sẵn nhưng sau khi nghe các hệ thống “hét” đã thụt lại, chọn hình thức tự mở chuỗi, vừa rẻ, vừa không muốn “gây thù” với các đối thủ khi vận dụng chiêu bỏ tiền để thâu tóm.

    Ông Đinh Anh Huân, tổng giám đốc Dienmay.com, cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ mở thêm hai siêu thị, còn hiện nay là 12 điểm, trong đó bốn điểm ở TP.HCM, còn lại là các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng...

    Hiện nay chuỗi Mai Nguyên có năm điểm bán lẻ. Khách mua điện thoại biết đến Mai Nguyên vì đây là hệ thống chuyên bán những chiếc điện thoại cao cấp với những thương hiệu nổi tiếng như: Mobiado, Vertu, Lamborghini… Ông Mai Triều Nguyên, giám đốc Mai Nguyên cho biết, thay vì mở chuỗi như các hệ thống khác, sẽ mở rộng diện tích và nâng cấp chất lượng dịch vụ của các điểm bán lẻ để tạo sự khác biệt với các hệ thống bán lẻ đang có mặt trên thị trường.

    Bán lẻ hàng điện máy: Tiểu gia 'ngắc ngoải', đại gia sống tốt
     

    Làm thế nào để sống?

    Ông Lê Phạm Anh Thy, giám đốc tiếp thị trung tâm mua sắm Sài Gòn – Nguyễn Kim cho rằng, để tồn tại được trong nhóm hàng điện máy, phải hội đủ năm điều kiện: thương hiệu lớn, tài chính mạnh, đủ kinh nghiệm quản lý, chính sách hậu mãi tốt và được sự hỗ trợ của các nhà sản xuất.

    Ông Thy nói thêm: “Với mức lãi gộp trung bình của nhóm hàng điện máy khoảng 10%, chi phí cho hậu mãi đang là một vấn đề đau đầu của các nhà bán lẻ. Khách hàng bây giờ tinh ý lắm, nếu hệ thống nào không chu đáo chuyện hậu mãi (giao hàng, lắp đặt, bảo hành...) họ sẽ không mua hàng”.

    Ông Tài của Thế Giới Di Động cho rằng, không chỉ thương hiệu lớn, vốn lớn mà nhà bán lẻ còn phải biết cách dùng “chiêu độc” để thu hút khách hàng, như cho khách hàng mượn (chỉ cần chứng minh nhân dân) linh phụ kiện trong vòng bảy ngày, thích thì mua, không thích thì trả. Còn với những sản phẩm có giá trị (điện thoại, máy tính bảng), nếu không muốn dùng nữa, có thể trả lại nhà bán lẻ với tỷ lệ khấu trừ 10%.

    Đầu năm 2012, sau khi tái cấu trúc, mô hình FPT Shop mới chính thức tham gia vào thị trường bán lẻ hàng kỹ thuật số. Bà Bạch Điệp nói: “Trong lĩnh vực bán lẻ nếu đầu tư không đúng sẽ chết rất nhanh, nhanh hơn sản xuất. Để tồn tại với những mô hình non trẻ, cần có những quyết định nhanh để tìm khách bằng cách riêng”.

    Theo bà Điệp, ban đầu khi mở siêu thị mới, sợ đối đầu với những tên tuổi lớn, như Thế Giới Di Động, Viễn Thông A… Sau đó, “đứng kế nhau mà bên nào cũng bán hàng”, mới hiểu rằng, nếu có chính sách bán hàng tốt, hậu mãi đàng hoàng sẽ thu hút khách hàng từ các cửa hàng nhỏ. Trong một thống kê gần đây của công ty nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam, hiện có khoảng 15.000 cửa hàng bán các sản phẩm điện thoại di động với khoảng 40% thị phần.

    “Chỉ có những siêu thị tạo lập niềm tin với khách hàng, nguồn vốn mạnh, tích luỹ kinh nghiệm bán hàng tốt mới có thể tồn tại”, ông Huân chia sẻ.

    Theo Gia Vinh
    Sài Gòn tiếp thị

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày