Bàn phím cơ Trung Quốc, của rẻ liệu có phải của ôi?

    ZeroS,  

    Trong thời gian 1 năm trở lại đây, thị trường bàn phím cơ Việt Nam trở nên sôi động hơn với hàng loạt thương hiệu bàn phím cơ Trung Quốc được các thương gia lớn nhỏ nhập về với giá bán cực rẻ. Liệu chất lượng có tương xứng với giá tiền?

    Dạo quanh một loạt các group facebook, các diễn đàn thương mại điện tử có liên quan đến PC có thể thấy sự tràn ngập của các loại bàn phím cơ tới từ Trung Quốc với đủ loại thiết kế, tính năng màu sắc khác nhau. Và giá của loại bàn phím này cũng cực kỳ rẻ, chỉ bằng 1/5 hay thậm chí bằng 1/10 bàn phím của các thương hiệu nổi tiếng khác như Filco, Razer, Leopold,...

    Vậy thực hư chất lượng của những loại bàn phím cơ Trung Quốc này ra sao? Tại sao lại có giá rẻ đến như thế? Mời quý độc giả cùng đọc tiếp.

     1 loạt các loại bàn phím cơ với giá chỉ vài trăm nghìn đồng

    1 loạt các loại bàn phím cơ với giá chỉ vài trăm nghìn đồng

    Đầu tiên hãy bàn đến thành phần của những chiếc bàn phím giá rẻ này

    Điểm nổi bật của bàn phím cơ so với cao su đó là mỗi phím dùng một switch riêng biệt, mà nổi tiếng nhất là Cherry (Đức) - được tất cả các hãng lớn tin dùng. Những chiếc bàn phím cơ Trung Quốc đều sử dụng Switch của các hãng xuất xứ nội địa, phổ biến trên thị trường theo lời rao của các thương gia là Outemu, TTC, Zorro, Long Hua, Kailh, Gateron, và rất nhiều switch không ghi tên hãng sản xuất. Trong số này chỉ có Kailh và Gateron là có tên tuổi và đã được cộng đồng xác nhận về chất lượng như Razer dùng switch Kailh, dân chơi phím cơ Custom thì khá chuộng Gateron vì chất lượng sát với Cherry nguyên bản nhất.

    Vậy còn các switch ít tên tuổi còn lại thì sao? Câu trả lời là những switch như thế chỉ cho trải nghiệm phím cơ ở mức tạo cảm giác "khác" so với phím cao su bởi lực phản hồi hay tiếng tạch tạch của blue switch. Qua trải nghiệm thực tế với 1 chiếc bàn phím cơ giá rẻ sử dụng switch mang thương hiệu Outemu, Blue Switch thì trải nghiệm còn thua xa Cherry Blue Switch, đặc biệt là về độ mượt và tiếng kêu khi nhấn. Rõ ràng là tuy có kết cấu gần như giống Cherry nhưng vật liệu cấu thành và chất lượng gia công không bằng nhau nên không thể nào giống hoàn toàn được.

    Hầu hết các hãng phím cơ giá rẻ hiện nay bán ở Việt Nam đều dùng Outemu và với số lượng đặt hàng nhiều thì giá thành mỗi switch có giá rẻ không tưởng.

    Đó là về switch, tiếp theo là về bo mạch.

    Chất lượng bo mạch không đồng đều là điều tất yếu với giá thành siêu rẻ như thế này, có loại có bo mạch rất gọn đẹp, sạch sẽ nhưng cũng có những chiếc bo mạch hàn xấu và lởm khởm. Tất nhiên là sẽ ảnh hưởng đến độ bền của phím.

     Cùng tầm giá với nhau nhưng mạch của mỗi hãng, mỗi chiếc phím cơ Trung Quốc đều có sự chênh lệch về chất lượng khác nhau khá xa, chiếc tốt chiếc xấu.

    Cùng tầm giá với nhau nhưng mạch của mỗi hãng, mỗi chiếc phím cơ Trung Quốc đều có sự chênh lệch về chất lượng khác nhau khá xa, chiếc tốt chiếc xấu.

    Chất liệu cấu thành

    Hầu hết là từ nhựa, một số chiếc có bề mặt bằng nhôm với đủ các thể loại cách điệu màu mè.

    Ưu và nhược của bàn phím cơ Trung Quốc

    Ưu điểm của tất cả các loại bàn phím này là giá thành rẻ và đem lại trải nghiệm phím cơ khác biệt so với bàn phím cao su ở mức cơ bản nhất. Ít nhất thì nó cũng giúp người dùng gõ lâu mỏi tay hơn gõ phím cao su vì có lò xo đàn hồi ở mỗi switch.

    Nhược điểm thì có thể kể đến là chất lượng không ổn định, rất nhiều hãng, xài chung nhiều linh kiện với nhau nhưng không phải hãng nào cũng như hãng nào, có những hãng làm độ bền rất kém. Tiếp nữa là khả năng phát sinh lỗi cao hơn do quá trình sản xuất không nghiêm ngặt như các hãng có tên tuổi.

    Vậy có nên mua loại bàn phím này không? Và cách chọn mua sao cho hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất?

    Nếu hầu bao có hạn, thích tiếng kêu của blue switch hay đơn giản là muốn trải nghiệm cảm giác phím cơ là như nào thì bạn vẫn có thể mua loại bàn phím cơ tới từ Trung Quốc này. Nhưng hãy cẩn trọng vì dễ vớ phải hàng lởm.

    Nên chọn loại có chất lượng gia công bên ngoài tốt, cái này có thể nhìn bằng mắt. Các viền, chỗ bắt ốc, chân gạt phía sau phải thật liền lạc và không có dấu hiệu gia công nham nhở. Nếu bàn phím sử dụng switch ít tên tuổi ngoài Kailh và Gateron thì phải gõ thử trực tiếp. Qua trải nghiệm của người viết thì những switch kém tên tuổi này, có những cái rất kém, gõ còn thua cả gõ phím cao su, nhưng cũng có loại đáp ứng được thế nào gọi là "cơ".

    Cuối cùng là nên mua từ các thương gia có tên tuổi để tránh bị "dụ khị" mua phải những chiếc bàn phím không giống như dự định ban đầu.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày