Bạn vẽ một vòng tròn theo cách nào? Liệu các nền văn hóa khác nhau có ảnh hưởng tới năng khiếu tự nhiên này của con người?

    htpl,  

    Sau khi nghiên cứu 100,000 bản vẽ tới từ khắp nơi trên thế giới, chúng tôi đã đưa ra được kết luận.

    Hãy trả lời những câu hỏi này trước đã nhé: Bạn vẽ một vòng tròn theo cách nào? Bạn bắt đầu từ phía trên hay dưới? Vẽ theo chiều kim đồng hồ hay chiều ngược lại?

    Câu trả lời của bạn có thể chính là những “manh mối” cho biết nơi bạn được sinh ra và lớn lên đó.

    Vào tháng 11 năm ngoái, Google đã cho ra mắt một tựa game online có tên Quick, Draw!. Người chơi sẽ có tổng cộng 20 giây để vẽ nhanh những hình như “Lạc đà” hay “Máy giặt”. Trải nghiệm mà game đem lại cho người chơi khá là vui nhộn, nhưng thực ra mục đích chính của Google là sử dụng những “bản phác thảo” của người chơi để dạy cho các thuật toán về cách mà con người vẽ. Tính đến Tháng 5 vừa qua, Google đã thu về tổng cộng 50 triệu bức vẽ khác nhau.

    Chúng tôi đã sử dụng dữ liệu từ Quick, Draw! để so sánh cách mà mọi người, từ những nơi khác nhau trên thế giới, vẽ những hình khối cơ bản. Kết quả phân tính cho thấy cách mà một người vẽ một vòng tròn đơn giản có liên quan mật thiết tới nền văn hóa nơi họ sống, bao gồm: chữ viết đã tồn tại từ hàng trăm năm nay, sự phát triển tâm lý và các xu hướng trong giáo dục hiện tại.

    1, Hình tròn – một hình dạng vô cùng cơ bản.

    Được tôn sùng trong Phật giáo Thiền Tông, Phật giáo Tây Tạng và bởi những người Hy Lạp cổ đại, đồng thời cũng là một phần thiết yếu trong nghệ thuật Hồi Giáo, hình tròn là một hình dạng vô cùng cơ bản và phổ thông. Không quan trọng bạn bắt đầu đặt bút tại đâu, về cơ bản chỉ có 2 cách để vẽ một hình tròn. Một nét theo chiều kim đồng hồ hoặc một nét theo chiều ngược lại.

    Kho dữ liệu của Google bao gồm 119,000 các bức vẽ hình tròn từ 148 quốc gia khác nhau. Trong đó có 66 quốc gia là vẽ hơn 100 hình tròn. Sau khi nhập một số dữ liệu cơ bản về hình học cùng với hình vẽ từ 66 quốc gia này vào bộ máy phân tích, chúng tôi nhận ra hướng mà một người chọn để vẽ hình tròn phụ thuộc vào quốc gia nơi mà họ lớn lên.

    Người Mỹ có xu hướng vẽ hình tròn theo chiều ngược kim đồng hồ. 86% trong số 50,000 hình tròn đến từ quốc gia này được vẽ theo hướng đó. Ngược lại, người Nhật lại có xu hướng vẽ hình tròn theo chiều thuận kim đồng hồ. 80% trong số 800 hình tròn đến từ Nhật Bản được vẽ theo hướng này.

    Các nước như Anh, Séc, Úc, Phần Lan, Pháp và Đức đều có xu hướng vẽ giống người Mỹ. Và đặc biệt, 95% người Việt Nam vẽ hình tròn giống như vậy, ngược chiều kim đồng hồ.

    Như có thể thấy qua biểu đồ trên, phần đông dân số thế giới đều vẽ hình tròn theo chiều ngược kim đồng hồ. Chỉ có 2 ngoại lệ là Đài Loan và Nhật Bản.

    2, Ảnh hưởng của Ngôn Ngữ

    Yếu tố thứ 2 tạo ra sự khác biệt chính là ngôn ngữ. Những bộ chữ khác nhau sẽ có những quy tắc khác nhau, đường nét khác nhau, đây chính là mấu chốt của vấn đề.

    Tuy người Mỹ và Châu Âu nói những thứ tiếng khác nhau, nhưng về cơ bản, họ dùng chung một bộ chữ. Mặt khác, ngôn ngữ viết của các nước trong khu vực Châu Á và Trung Đông lại vô cùng phong phú và khác biệt.

    Tham khảo bảng thống kê dưới đây. (Chấm đậm là nơi đặt bút, màu xanh là thuận chiều kim đồng hồ và hồng là ngược lại).

    3. Bộ chữ ảnh hưởng từ Trung Hoa

    Hãy bắt đầu với Tiếng Nhật, có tổng cộng 3 bảng chữ cái trong ngôn ngữ này: Hiragana, Katakana và Kanji. Trong đó, Kanji là bộ chữ có mối liên hệ gần nhất với hệ thống chữ viết của Trung Quốc; còn Hiragana lại gần nhất với bảng chữ cái của người Anh, nó có những nét cong mềm mại, và những nét cong đó được vẽ theo theo chiều kim đồng hồ.

    Chữ あ (phát âm là “a”) trong bộ Hiragana được viết như sau:

    Trong bộ chữ của cả tiếng Nhật và tiếng Trung, người viết cần phải nghiêm chỉnh tuân theo các nguyên tắc về thứ tự nét. Nhìn chung, các nét được viết từ phía trên bên trái xuống phía dưới bên phải. Nếu bạn vẽ một đường kẻ ngang rồi kế tiếp là một kẻ dọc, như khi viết số 7 vậy, thì luật là phải coi 2 nét đó như là 1. Lý do là để khi viết, tay ta tạo được một chuyển động tự nhiên hơn. Và để làm được điều này thì các nét cần phải được lần lượt viết theo chiều kim đồng hồ, ví dụ như chữ “了" này chẳng hạn.

    Đối với những người học ngôn ngữ bị ảnh hưởng bởi chữ Hán, những quy tắc như trên đã ăn sâu vào tâm trí họ từ khi bắt đầu cầm bút. Bởi vậy, do gần như có cùng một hệ thống chữ viết, người Đài Loan và người Nhật có cách vẽ hình tròn rất giống nhau. (Bởi người Trung Quốc không sử dụng Google nên không có thống kê hay phân tích về cách vẽ hình tròn của họ).

    Nói về hình tam giác, 97% dân Đài Loan, 90% dân Nhật và Hàn Quốc vẽ hình này theo hướng ngược chiều kim đồng hồ chỉ với 1 nét. Xem bảng thống kê các nước khác bên dưới.

    Thứ tự nét viết trong các bộ chữ ảnh hưởng bởi chữ Hán ảnh hưởng rất lớn tới điều này. Nó quy định khi viết các nét chéo, như khi vẽ hình tam giác vậy, thì phải viết từ phải sang trái trước rồi mới tới trái sang phải, giống như trong chữ “人”(nhân) vậy.

    3, Các bộ chữ viết từ phải sang trái.

    Còn có một nhóm các quốc gia khác có thể giúp ta hiểu rõ hơn về sự khác biệt trong cách vẽ hình tròn, đó là: Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Israel, Iraq, Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Algeria và Jordan. Nhìn vào biểu đồ bên dưới, ta có thể thấy nhóm các nước này có cùng một xu hướng vẽ hình tròn.

    Tiếng Ả Rập và Hê-brơ (tiếng Do Thái cổ) bao gồm rất nhiều các nét cong, và đặc biệt là cả 2 đều được đọc từ phải sang trái. Trong tiếng Ả Rập, các nét cong được viết theo chiều kim đồng hồ, thuận theo hướng tay và giúp kết nối các chữ cái liên tiếp với nhau, ví dụ như chữ “b” và “n” được viết như sau:

    4, Các bộ chữ viết bao gồm hình tròn

    Bộ chữ Hangul của Hàn Quốc có rất nhiều nét tròn, đồng thời theo luật, các nét này phải được viết ngược chiều kim đồng hồ. Có lẽ cũng bởi vậy mà 72% trong hơn 1500 hình tròn Google thu thập được từ Hàn Quốc được vẽ theo hướng này. Như có thể thấy, người Hàn Quốc có xu hướng vẽ nét tròn theo hướng hoàn toàn ngược lại với người Nhật và người Đài Loan.

    Tương tự, 64% trong số các hình tròn thu thập được từ Thái Lan cũng được viết theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Bảng chữ cái của người Thái có 42 chữ cái, và gần như tất cả trong số đó đều bao gồm nét tròn. Các nét này đôi khi được viết theo chiều kim đồng hồ, đôi khi ngược lại nhưng chủ yếu là thuận theo chiều kim đồng hồ. Hãy cùng xem ví dụ về chữ “m” dưới đây.

    5, Phần đông dân số thế giới vẽ hình tròn ngược chiều kim đồng hồ

    Có khoảng hơn 50 quốc gia mang xu hướng vẽ hình tròn theo chiều ngược kim đồng hồ. Và gần như tất cả các nước này đều sử dụng bảng chữ cái Latin – được đọc từ trái qua phải và không chứa quá nhiều các nét tròn. Trong bộ chữ này cũng có thứ tự các nét viết, nhưng những quy tắc đó không quá cứng nhắc và bắt buộc người viết phải tuân thủ. Dù sao thì có lẽ xu hướng vẽ hình tròn ngược kim đồng hồ của những quốc gia sử dụng bảng chữ cái Latin bắt nguồn từ cách họ viết chữ “c” và “g”.

    Đương nhiên, việc bộ chữ của một nước ảnh hưởng tới cách người dân nước đó vẽ hình tròn là một điều đã quá rõ ràng, nhưng đó không phải là 100% nguyên nhân. Lấy ví dụ, Việt Nam cũng như Mỹ, đều sử dụng bảng chữ cái Latin và 95% người Việt vẽ hình tròn theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Bên cạnh đó người Hồng Kông, với bộ chữ Hán, lại có tới 82% cũng vẽ hình tròn theo hướng này.

    Có lẽ việc thuận tay nào cũng ảnh hưởng tới điều này nữa. Những người thuận tay phải có xu hướng vẽ hình tròn theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, trừ khi bộ chữ nước họ dùng buộc họ phải làm điều ngược lại. Dữ liệu từ Game Quick, Draw! của Google không hề cho biết người chơi thuận tay trái hay phải. Tuy nhiên, điều này cũng không ảnh hưởng lắm tới nghiên cứu của chúng tôi bởi việc thuận tay nào cũng không tạo ra nhiều sự khác biệt đến thế.

    6, Các quy tắc hình thành nên thói quen

    Với tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, chắc hẳn chúng ta đã phần nào quên đi những tháng ngày học tiểu học phải tập viết chữ to trên vở ô ly, với các quy tắc nghiêm ngặt. Chữ viết của chúng ta giờ đây dường như chỉ là một thói quen và đã khác xưa rất nhiều. Tuy nhiên, ở một số nền văn hóa khác, như Nhật Bản và Trung Quốc chẳng hạn, những nguyên tắc ban đầu khi học chữ cần phải được ghi nhớ và tuân theo một cách rất nghiêm chỉnh cho tới mãi về sau. Lý do đơn giản là bởi những nguyên tắc ấy sẽ giúp người viết viết nhanh và đẹp hơn, đôi khi nó còn thể hiện trình độ học vấn của người viết nữa.

    Các quy tắc sử dụng trong tiếng Trung ngày nay “tiến hóa” lên từ những công việc mang tính biên chép, như chép sử chẳng hạn. Từ thời đại nhà Hán, có rất nhiều tài liệu cần phải được ghi chép lại, và việc đó nếu không viết nhanh sẽ tốn thời gian vô cùng. Vậy nên khi người ta cố gắng tìm ra những cách để viết ngày càng nhanh hơn, cũng chính là lúc các quy tắc ra đời. Bên cạnh đó, việc người xưa sử dụng bút lông mềm để viết chữ cũng phần nào ảnh hưởng tới quá trình phát triển của các quy tắc này nữa.

    Chữ viết trong tiếng Nhật dựa trên các quy tắc trong tiếng Trung. Vào năm 1958, Bộ trưởng bộ Giáo dục Nhật Bản chính thức đưa ra quy chuẩn về thứ tự các nét viết nhằm mục đích thống nhất các quy tắc, tránh nhầm lẫn. (ngày nay các luật lệ này đã được nới lỏng đôi chút).

    “Cách mà tôi di chuyển một cây bút lông khi viết thực sự rất hiệu quả, tôi nghĩ vậy, và nó cũng rất đẹp nữa,” Tomoyo Kamimura, người đứng đầu trung tâm ngôn ngữ tại Japan Society (Xã hội Nhật) cho biết. “Có rất nhiều người lớn vẫn đang viết sai thứ tự các nét, và phần lớn thời gian chúng tôi cho rằng họ là những người thiếu giáo dục”.

    7, Dáng hình trong mỗi chúng ta

    Có vô số cách mà trong đó chúng ta đã vô thức thể hiện sự ảnh hưởng của văn hóa tới bản thân mình: khi chúng ta vẽ, khi ta đếm ngón ta hay khi bắt chước những âm thanh của tự nhiên và còn rất nhiều nữa.

    Để kiểm tra những giả thuyết đã đưa ra trong khi nghiên cứu, chúng tôi tới gặp những người đồng nghiệp, những người bạn, người quen mà viết các thứ tiếng khác nhau, từ tiếng Nhật, tiếng Ả Rập, tiếng Trung và cả tiếng Thái. Bằng một cách khá ngớ ngẩn và ngượng ngùng, tôi nhờ họ vẽ cho mình một hình tròn. Thật bất ngờ là họ khá hào hứng trước thí nghiệm của chúng tôi và tất cả đều vui vẻ thực hiện.

    Thế nhưng vẫn còn rất nhiều thứ mà hiện tại chúng tôi chưa biết. Có vẻ như khi nói về tâm lý học, chẳng còn mấy ai quan tâm tới việc một người vẽ một hình cơ bản như thế nào nữa. Và trong thời đại ngày nay, dường như chữ viết tay đang dần mất đi vị trí của mình. Thay vào đó, chúng ta đang vô thức hình thành nên những sự khác biệt trong văn hóa sử dụng các phím gõ.

    Tham khảo Quartz Media.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày