Bạn sẽ làm gì khi thị trường trọng yếu của bạn trở nên khó khăn hơn? Câu trả lời của Tim Cook: đầu tư vào một lĩnh vực tưởng như chẳng liên quan một chút nào hết với miếng ăn chính.
Trong ngày hôm nay, Didi Chuxing, startup đang độc chiếm thị trường chia sẻ hành trình tại Trung Quốc, đã lên tiếng công bố về khoản đầu tư 1 tỷ USD từ Apple.
“Chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ đem lại lợi ích cho nhau, về sản phẩm, về công nghệ và trên nhiều mức độ khác”, chủ tịch Jean Liu của Didi khẳng định. Theo bà Liu, thương vụ này diễn ra nhanh “như tia chớp” chỉ trong vòng chưa đầy một tháng: Didi Chuxing mới chỉ gặp mặt lần đầu tiên với đại diện Apple từ ngày 20/4.
Giải bài toán hình ảnh và vị thế
Điều làm cho thương vụ này trở nên đặc biệt là 2 thông tin quan trọng: trong bản báo cáo tài chính rất gần với thời điểm bắt đầu gặp gỡ Didi, Apple thừa nhận doanh số iPhone trong quý đầu năm 2016 giảm 10 triệu máy so với cùng kỳ 2015, trong đó thị trường Trung Quốc là tội đồ lớn nhất với mức suy giảm tới 26%. Tồi tệ hơn, trước đó chỉ vài ngày, chính quyền Trung Quốc ra lệnh cấm đối với 2 dịch vụ iBooks và iTunes của Apple.
Ý nghĩa đầu tiên của khoản đầu tư 1 tỷ USD vào Didi Chuxing (tên gọi cũ là Didi Kuaidi) được thể hiện rõ ràng trong tình cảnh khó khăn hiện tại: số tiền 1 tỷ USD này sẽ cải thiện vị thế của Apple tại thị trường Trung Quốc. Khi chiếm thị phần lên tới 83% trên một mảng thị trường chắc chắn sẽ được người dân tại đây (và trên toàn thế giới) ưa chuộng, Didi Chuxing không sớm thì muộn cũng sẽ trở thành một gã khổng lồ công nghệ. Apple giờ đã chiếm một phần kiểm soát tại gã khổng lồ mới nổi này.
Nếu Apple đã rót tiền vào một công ty công nghệ cốt lõi của Trung Quốc thì chính quyền tại đây cũng chẳng có lý do gì để không “nới tay” chút đỉnh với Tim Cook. Khi được hỏi về vấn đề này, chủ tịch Liu cho biết: “Các nhà lập pháp tại Trung Quốc giờ đang ngày càng cởi mở. Có cơ sở tốt để nói chúng tôi có thể giúp nhau theo nhiều cách”.
Và người dùng Trung Quốc có lẽ sẽ tiếp tục ưu ái Apple. Bạn chẳng có lý do gì để không ưu ái một công ty nước ngoài đã rót tiền vào một công ty nội địa mới nổi cả. Hãy nhớ rằng Apple đang gần như độc chiếm phân khúc cao cấp tại Trung Quốc, bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ từ Huawei và Xiaomi. Khoản đầu tư 1 tỷ USD vào Didi Chuxing sẽ giúp hình ảnh Apple càng trở nên bóng bẩy trong mắt các fan tại đây.
Hệ sinh thái “Táo Tàu”
Các ông chủ của Didi Chuxing toàn là những người có “máu mặt” trên thị trường Internet Trung Quốc. Thực chất, Didi Kuadi được tạo thành từ vụ sáp nhập giữa Didi Dache (do Tencent hậu thuẫn) và Kuaidi Dache (của Alibaba). Không khó để nhận ra rằng với 1 tỷ USD tiền đầu tư, Apple vừa nắm thóp được một thế lực mới nổi tại Trung Quốc, vừa có cơ sở để làm bạn với Tencent và Alibaba.
Apple có thiệt thòi gì khi tham gia vào thương vụ này hay không? Câu trả lời là “không hề”. Kể cả trong trường hợp chuyến đi sắp tới của Tim Cook không thể giúp iBooks và iTunes trở lại Trung Quốc thì thương vụ với Didi cũng đã giúp cho Apple cải thiện vị thế lớn hơn trên thị trường dịch vụ Internet tại đây.
Cần phải hiểu rõ rằng iBooks, iTunes hay bất kỳ dịch vụ phần mềm nào khác của Apple đều có vai trò bổ trợ cho mảng kinh doanh chính là iPhone và các thiết bị phần cứng khác. Nếu Didi (và Tencent, Alibaba) có thể cùng Apple xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho Trung Quốc thì iPhone, iPad và MacBook thực chất sẽ có thêm một lợi thế cạnh tranh so với Samsung, Huawei và Xiaomi. Apple sẽ lo phần cứng, Tencent và Alibaba hậu thuẫn phần mềm.
Rõ ràng là tất cả các bên cùng có lợi.
“Tát” cả Uber lẫn Google và Microsoft
Dĩ nhiên là thương vụ này của Apple cũng là một cú tát vào Uber. Theo tuyên bố vào đầu năm, chỉ trong năm ngoái Uber đã phải đốt tới 1 tỷ USD để có thể tiếp tục cạnh tranh với Didi Kuaidi.
“Tát” được Uber tức là tát được Google. Từ tận năm 2013, Google Ventures đã tham gia đầu tư vào Uber với khoản tiền lên tới 258 triệu USD – đây là khoản đầu tư có giá trị lớn nhất mà Google từng đưa ra trong suốt lịch sử tồn tại. Vào năm ngoái, Microsoft cũng được đồn đại đã đầu tư khoảng 100 triệu USD vào Uber. Thị trường Trung Quốc dĩ nhiên là một trong những chiến trường Uber quyết tâm xâm chiếm nhất, và khi Apple cho Uber một cái tát đau như vậy, cả Microsoft lẫn Google chắc hẳn là đang nóng mặt.
Ngay bản thân chính Uber cũng có thể là đối thủ của Apple. Trong khi Tesla liên tục đổi mới hình dáng và phương thức hoạt động của chiếc xe thì Apple và Uber lại đang lên kế hoạch thay đổi bản chất của chiếc xe khi ra mắt các nền tảng phần mềm: Uber mang tham vọng biến phần đông dân số thành hành khách thay vì là chủ sở hữu xe, còn Apple thì mang tham vọng triển khai xe tự lái công cộng rồi tùy biến từng chiếc xe tự lái đó cho từng hành khách. Cú tát trị giá 1 tỷ USD của Apple chắc chắn sẽ khiến Uber khó xoay chuyển hơn ở thị trường Trung Quốc trọng yếu, tạo ra lợi thế thời gian không hề nhỏ cho Apple Car của tương lai.
Ôi, cáo già Tim Cook!
Khoản đầu tư 1 tỷ USD chắc chắn là quá nhỏ bé so với những gì Apple đang nắm trong tay. Các mức doanh thu và lợi nhuận suy giảm của quý 1 bỗng dưng trở thành chuyện của quá khứ; cả Phố Wall lẫn Thung lũng Silicon giờ đã chuyển sang bàn tán xôn xao về Didi Chuxing. Chỉ với 1 tỷ USD, Apple đã thay đổi hẳn cục diện trận đấu.
Điều đáng nói là chẳng một vị CEO nào khác nghĩ ra được một chiêu trò tương tự. Microsoft bị "đì" tại Trung Quốc trong suốt 3 năm qua. Google bị cấm hoàn toàn tại Trung Quốc từ lâu và cũng đang mang tham vọng trở lại với sự trợ giúp từ đối tác Huawei. Nhưng, cả Huawei hay các ông lớn khác tại Trung Quốc đều hoạt động độc lập, và dù có hợp tác chặt chẽ với Google hay Microsoft đến thế nào đi chăng nữa thì cũng chỉ là với vai trò đối tác.
Riêng Apple thì đầu tư vào một gã khổng lồ vẫn còn đang khát vốn nhưng lại chắc chắn sẽ hùng mạnh. Mối quan hệ giữa Apple với Didi không chỉ đừng ở mức đối tác mà còn có cả màu sắc chủ-tớ. Khi mới chỉ vừa gặp khó, Apple đã ngay lập tức tìm ra một lối thoát hoàn toàn hợp lý, ít nhất là trên giấy tờ vào thời điểm này.
Có lẽ nhiều người đã bất ngờ khi biết Apple bỗng dưng đầu tư vào lĩnh vực "không liên quan" như ứng dụng chia sẻ hành trình, nhưng khi nhìn lại những lợi ích to lớn này, điều bạn thực sự băn khoăn sẽ là: tại sao không có ai nhanh nhạy như Tim Cook?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng