Bằng cách nào, phiên bản Ghost in the Shell năm 1995 đã thay đổi cái nhìn của cả một thế hệ trước công nghệ mới

    Dink,  

    Phiên bản năm cũ hay hơn phiên bản năm mới. Nhiều người đã coi điều này là chân lý không bao giờ thay đổi.

    Rất có thể, bạn chưa biết tới Ghost in the Shell cho tới khi “phiên bản người” của bộ phim anime cùng tên (được làm dựa trên một cuốn manga cùng tên) lên màn ảnh rộng tuần vừa rồi. Rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh bộ phim đình đám được đầu tư công phu này nhưng có lẽ bản thân bộ phim cũng chẳng muốn những điều lằng nhằng ấy, nó muốn đưa khán giả về cái thời điểm kì diệu của năm 1995, khi mà bộ manga và anime này cho thấy mình đã “đi trước thời đại” như thế nào.

    Kể từ khi lần đầu tiên Ghost in the Shell được tại Mỹ ra mắt năm 1995, nó đã lôi kéo được một lượng fan hay thậm chí, có thể gọi là một “hội tôn sùng” đi theo mình. Chưa hết, bản thân bộ phim này cũng truyền cảm hứng cho rất nhiều bộ phim bạn đã xem, và có thể bạn đã không nhận ra những chi tiết ấy.

    Cặp đạo diễn nhà Wachowski đã thẳng thắn thừa nhận rằng chính Ghost in the Shell là nguồn cảm hứng để họ tạo nên Ma Trận – The Matrix. Đạo diễn tài ba James Cameron đã gọi Ghost in the Shell là “một tác phẩm lộng lẫy của những yếu tố giả tưởng suy đoán trước tương lai”. Tác phẩm Avatar của Cameron sau này có yếu tố của công nghệ “con người điều khiển một cơ thể khác từ xa”, chắc hẳn là có điểm giống với Ghost in the Shell.

    Nhưng dù vậy, tuyệt phẩm của cặp đạo diễn nhà Wachowski mới là phim giống Ghost in the Shell nhất. Thậm chí, jack cắm sau gáy của các nhân vật cũng được truyền cảm hứng từ 4 jack cắm sau đầu của Major Motoko Kusanagi – nhân vật chính trong Ghost in the Shell (được biết tới chỉ với cái tên Major trong phiên bản do Scarlett Johansson đóng năm nay). Thậm thậm chí, những dòng code xanh lá cây trong Ma Trận cũng có kí tự tiếng Nhật ở trong đó, như một lời nhắc tới nguồn gốc của bộ phim.

    Những ý tưởng dẫn lối cho bộ phim Ma Trận đã được lấy thẳng ra từ Ghost in the Shell. Trong nguyên bản, đạo diễn Oshii và tác giả của manga, Masamune Shirow cũng đưa ra những câu hỏi đầy tính triết lý về một tương lai xa, nơi mà tiềm năng con người sẽ được đẩy tới giới hạn chưa từng có khi kết hợp với máy móc. Lúc ấy, con người sẽ được cường hóa bởi những tiến bộ công nghệ của loài người và có khả năng truy cập thẳng vào internet thông qua não bộ của ta.

    Trong Ghost in the Shell của 1995, nhân vật chính Major Motoko Kusanagi là một bộ não nằm bên trong một cơ thể titanium, đúng với nghĩa đen “một bản ghost – một hồn ma – ghost” nằm trong một vỏ bọc “một cơ thể robot được cường hóa – một vỏ bọc – shell”. Phần thân thể của Kusanagi là tài sản của chính phủ và hệ thống ấy đảm nhiệm vai trò của một cảnh sát chống khủng bố, cô thuộc một lực lượng mang tên Khu 9 – Section 9.

    Trong một cảnh phim, cô bày tỏ với đồng nghiệp của mình những thắc mắc vốn làm cô trăn trở, đó là cô chính xác là thứ gì, cô đã từng là ai và ý nghĩa gì nằm ẩn giấu trong sự tồn tại của con người? Khi mà não bộ con người được cường hóa mạnh mẽ bằng những thứ công nghệ tiên tiến, liệu con người có thực sự còn là người không?

    Cô bày tỏ rằng cô muốn trở thành một người khác. Bản thân cô cảm thấy bị kìm hãm bởi cơ thể robot của mình, và cô mơ tới một cuộc sống khác, một thứ gì đó lớn lao hơn. Trong lúc ấy, một kẻ khủng bố, một hacker được biết tới với cái tên Puppet Master, một công cụ trí tuệ nhân tạo được tạo ra bởi chính phủ đã nổi loạn, tự tìm hiểu về thế giới xung quanh và đồng thời, tấn công những người khác, “hack” vào não bộ của họ và đưa vào đó những kí ức giả.

    Suốt chiều dài bộ phim là cuộc truy đuổi giữa nhiều phe và nhiều mục đích khác nhau nhưng cuối cùng, khi Ghost in the Shell bước tới hồi kết, nó lại mở ra một câu hỏi sâu hơn về ý nghĩa của sự tồn tại cũng như của bản thân bộ phim. Lúc ấy, Major Kusanagi đã hợp nhất với kẻ thù của mình – Puppet Master, không có một thân thể mà chỉ là một bộ não còn hoạt động trong một vỏ bọc là một con robot đã bị hỏng khác.

    Lúc ấy, Major Kusanagi đã không còn tồn tại nữa và Puppet Master cũng vậy: họ đã cùng nhau tạo ra một bản thể mới, một trí tuệ mới. Trí tuệ hợp nhất đó nhờ sự giúp đỡ của người đồng nghiệp mang tên Batou, đã có một cơ thể mới và vào thời điểm đó, cơ thể mang trí tuệ ấy đã không còn bị ràng buộc bởi thế lực nào, họ tự do khám phá thế giới mà Major Kusanagi gọi là “một mạng lưới rộng lớn và vô tận”.

    Có một thứ khác được gợi lên khi hai từ “rộng lớn” và “vô tận” được nhắc đến phải không? Đó chính là Ma Trận, nơi mà con người sống dưới dạng những phần mềm được lập trình sẵn, khi mà cơ thể thực của họ đang nằm trong một kén dinh dưỡng, có vai trò chẳng khác gì một cục pin cho hệ thống Ma Trận khổng lồ. Trong Ghost in the Shell cũng tương tự vậy, khi mà kí ức đã bị ghi đè lên, thì câu hỏi điều gì là “thực” và điều gì thì “ảo” lại một lần nữa được nhân vật nhắc lại và được người xem gãi cằm suy nghĩ. Điều gì sẽ xảy ra với tương lai còn người, khi mà công nghệ sẽ thay đổi định nghĩa của chúng ta về “con người”?

     Đây là chức năng của con người trong thế giới của Ma Trận - The Matrix: Một cục pin.

    Đây là chức năng của con người trong thế giới của Ma Trận - The Matrix: Một cục pin.

    Cả Ghost in the Shell và The Matrix đã trở thành hai "trung tâm phát tán" ý tưởng về khoa học giả tưởng mang xu hướng "cyperpunk" của những năm 1990. Người ta nhớ tới hai bộ phim ấy với những chiếc áo dài đen chấm mắt cá (đựng cả đống súng bên trong), những khu vực nhà cửa ngổn ngang xen lẫn với những khu vực hiện đại của công nghệ mới, bản thân con người lúc ấy cũng được cường hóa vượt giới hạn thông thường. Tới cuối thời đại ấy, cyberpunk đã thay đổi cách người ta nghĩ về công nghệ và cũng thay đổi luôn cách người ta nhìn vào ý nghĩa việc tồn tại của con người.

    Hãng phim DreamWorks của đạo diễn Steven Spielberg đã mua bản quyền Ghost in the Shell tại Mỹ vào 9 năm trước, và không khó để hiểu tại sao họ lại làm vậy. Bộ phim A.I. của Spielberg năm 2001 không chỉ nhắc tới Ghost in the Shell qua khía cạnh robot-con người, mà nó lại tiếp tục đưa ra câu hỏi: Nếu như ta tạo ra được một con robot biết yêu, liệu tình yêu ấy khác gì với tình yêu của con người? Liệu nó có “thực” hay không?

    Tất nhiên là bản thân Ghost in the Shell của 1995 đã không tự nghĩ ra những câu hỏi này, bởi lẽ những vấn đề hóc búa này đã tồn tại song song với tiến trình phát triển của công nghệ từ xa xưa rồi. Nhưng dù vấn đề trên có cũ kĩ đến mấy, ta vẫn có thể tiếp tục khai thác chủ đề thú vị giữa trí tuệ nhân tạo, tình yêu, thực và ảo, ... này. Bạn có nhớ tới bộ phim Ex Machina của năm 2015, nói về chuyện gì sẽ xảy ra nếu như một cô nàng robot biết nghĩ cho bản thân mình, biết cảm nhận (và thậm chí biết phá hoại) như một con người, một cô nàng bằng xương bằng thịt?

    Bộ phim Ghost in the Shell với diễn viên xinh đẹp Scarlett Johansson thủ vai Major cho ta những hình ảnh kĩ xảo đẹp đẽ, một thế giới công nghệ hiện đại nhưng đáng buồn, lại chỉ là một điểm nhấn yếu ớt tới câu hỏi mà bộ phim năm 1995 đặt ra cho cả một thế hệ. Johansson đã cố gắng để lột tả cái cảm xúc “cô chính xác là thứ gì, cô đã từng là ai và ý nghĩa gì nằm ẩn giấu trong sự tồn tại của con người” nhưng đó những cố gắng ấy, đáng buồn, đều không tới tầm.

    Có thể Ghost in the Shell của 2017 không đủ mạnh mẽ để vươn tới tầm cao của bộ phim hoạt hình cùng tên đã đạt tới hồi năm 1995, không đúng với nguyên bản và không khiến khán giả nhức nhối với những câu hỏi về sự tồn tại của con người hay của chính mình, nhưng ít nhiều cái “mạng lưới rộng lớn và vô tận” kia vẫn còn đó để cho ta cảm thấy mơ hồ về tương lai.

    Tham khảo BusinessInsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày