Bằng Surface Laptop, Microsoft đã đưa ngành công nghiệp PC trở lại ánh hào quang xưa
Surface Laptop không phải thiết bị 300 USD dành cho mảng giáo dục như chúng ta mong đợi, nhưng nó thể hiện vai trò của Microsoft trong ngành công nghiệp PC.
Hơn một thập kỷ sống chật vật trong ánh hào quang của iPhone và điện thoại thông minh, máy tính trở nên nhạt nhòa và thiếu đột phá. Các nhà sản xuất đau đầu tìm bài toán mới cho dòng thiết bị truyền thống.
Thật khó để khiến người dùng hồ hởi đón chờ những chiếc laptop như họ vẫn làm khi xếp hàng mua iPhone. Microsoft phó mặc cho đối tác về thiết kế phần cứng. Bởi thế, khi nguồn lực tài chính dồn hết vào thị trường smartphone thì các OEM thiếu động lực để tạo nên những kiệt tác nghệ thuật trong ngành PC.
Lỗi phần lớn thuộc về Microsoft. Gã khổng lồ phần mềm xây dựng hệ điều hành Windows và chuyển cho các OEM sử dụng tùy vào thiết bị của họ. Hãng gần như nằm ngoài thị trường phần cứng, vì thế tất nhiên phần thiết kế do chính nhà sản xuất máy tính nắm giữ. Dù bản thân gã khổng lồ xứ Redmond muốn điều gì đó tốt đẹp hơn.
Trong khi, Steve Jobs và sau này là Tim Cook đã đưa thế giới vào kỷ nguyên hậu PC ngay cả khi Apple vẫn sản xuất và bán máy tính cá nhân của riêng mình.
Trung thực mà nói, ngành công nghiệp PC mà cụ thể hơn là máy tính truyền thống như sống trong cảnh thoi thóp. Chẳng thấy dấu hiệu của sự hồi sinh phần cứng ở bất kỳ nhà sản xuất hàng đầu nào.
Microsoft đã phải ngồi lại với các đối tác vốn nắm giữ vận mệnh của toàn ngành công nghiệp PC Windows để tìm hướng giải quyết. Hãng chỉ ra đường đi sắp tới về những chiếc máy tính tuyệt đẹp với đầy đủ tính năng. Yếu tố thẩm mỹ có thể làm thay đổi tất cả.
Đó là lý do vì sao Microsoft bắt đầu xây dựng dòng Surface cách đây 5 năm, mẫu máy tính lai chuyển đổi linh hoạt giữa tablet và thiết bị dùng chuột, bàn phím. Và cực điểm là mẫu Surface Laptop, chiếc máy tính thiết kế dạng vỏ sò đầu tiên của Microsoft được công bố hôm thứ Ba tại thành phố New York, đi kèm hệ điều hành Windows 10 S.
Giống những chiếc máy tính Surface trước đó như Pro, Book hay Studio, Surface Laptop với mức giá 999 USD như định nghĩa lại một dòng máy tính cùng với lựa chọn thiết kế mới, gồm màn hình cảm ứng mỏng 3,6 mm hay bề mặt bàn phím được phủ lớp vải đầy tinh tế.
Giới công nghệ đã phân tích lý do vì sao Microsoft bán Surface Laptop với mức giá cả nghìn đô chứ không phải mẫu máy tính 300 USD cho mảng giáo dục mà hệ điều hành Windows S vốn nhắm tới. Đó là một chiến thắng của Microsoft nếu nhìn lại những gì hãng đã làm.
Thiết kế và tính năng
Kế hoạch với thương hiệu Surface không phải câu chuyện một sớm một chiều và cũng chẳng để lập lại trật tự trong ngành PC. Mẫu Surface Studio “tất cả trong một” chỉ mới ra mắt năm ngoái, trong khi hãng phải mất nhiều năm để thiết kế chiếc laptop đầu tiên (không thể chuyển sang tablet).
Microsoft không phải tạo ra những cỗ máy làm chuẩn mực về công nghệ. Như Surface Book với bản lề khác thường được thiết kế để cân bằng hệ thống trong việc sử dụng pin và đồ họa, CPU thành 2 phần cho mỗi dạng thiết bị (tablet hoặc laptop).
Ngoại hình của Surface cho thấy Microsoft tập trung phần lớn vào thiết kế công nghiệp giống Apple trong mỗi phiên bản iPhone. Một trong những lý do của việc làm đó là chứng minh cho người dùng và đối tác phần cứng về khả năng phát triển của PC. Nhưng quan trọng hơn, Surface dùng để truyền cảm hứng vực dậy ngành công nghiệp máy tính.
Microsoft gần như không gặp khó khăn trong việc định hình thương hiệu hệ điều hành Windows. Nhiều người biết đến và sử dụng nền tảng này. Nhưng hãng chưa tạo dựng được thương hiệu phần cứng xứng tầm trước khi đưa ra chiến lược về Surface.
Giờ đây, cái tên Surface nổi tiếng ngang hàng với những ông lớn như Dell, Acer và Asus. Nhưng cũng giống như thương hiệu Apple, nó phải thể hiện được nét đặc sắc riêng. Dù nhắm tới thị trường giáo dục với mức giá sản phẩm trung bình 300 USD, Microsoft vẫn cho ra mắt chiếc Surface Laptop 1.000 USD. Đó là bởi công ty không muốn làm tổn hại tới thương hiệu cao cấp đã dày công gây dựng và làm lung lay vị trí lãnh đạo về thiết kế mà gã khổng lồ Redmond đang tạo lập.
Phần ấn tượng nhất ở chiếc máy tính Surface Laptop phải kể đến bàn phím. Đó là sự kết hợp tuyệt vời giữa nhôm, nhựa và nylon. Microsoft thu hút mọi ánh nhìn từ thiết kế mang tính đột phá của mình.
Cây viết Lance Ulanoff của Mashable đã hỏi chuyên gia thiết kế Rachael Bell của Microsoft lý do vì sao dùng chất liệu vải trên Laptop, ông nhận được ngay câu hỏi ngược đầy thú vị: “Sao lại không thể là vải chứ”.
Bell cho biết, mang vải lên bàn phím tạo nên bản sắc rất riêng của Surface. Bà chia sẻ, đây không phải loại vải dệt thông thường mà được làm từ sợi hóa học phủ lớp polyurethane đặc biệt cho độ bền cao, kháng nước và hóa chất.
Rachael Bell còn khẳng định, thiết kế mới vừa mang tới vẻ đẹp quyến rũ lại thân thiện khi sử dụng. Ngay cả nhà báo Lance Ulanoff cũng thừa nhận cảm giác thao tác trên bàn phím Surface Book thật tuyệt, mềm mại và thoải mái.
Chưa hết, Bell tiết lộ vật liệu vải giúp Microsoft “phù phép” để ẩn đi hệ thống loa dưới bàn phím. Thực tế là có những lỗ nhỏ được tạo ra từ lớp vải nhưng người dùng gần như không nhận ra.
Mọi người lo sợ lớp vỏ bọc như vậy sẽ bị mòn và sờn dần theo thời gian, thậm chí nó có thể bị bóc ra. Giải đáp thắc mắc này, kỹ sư Mohammad Had nói rằng, Microsoft đã phát triển kỹ thuật cán nhiệt sử dụng chất keo đặc biệt sẽ giúp vải đính chặt vào khung. Dù soi kỹ chúng ta cũng không thấy phần nối giữa hai lớp, nên không có chuyện vải bị bóc khỏi bàn phím. Vải thừa sẽ được cắt gọt bằng tia laze quang học, cho góc cạnh hoàn hảo tới từng chi tiết.
Bạn cũng khó tìm thấy các ốc vít ngoại trừ ở phần bản lề và bo mạch chủ. Tất cả những chi tiết nhỏ nhất đều được Microsoft giấu kín để tạo cảm giác liền mạch cho thiết bị.
Surface Laptop không phải chiếc máy tính bình dân 200 – 300 USD. Hơn hết, Microsoft muốn tạo ra chuẩn mực về thiết kế để các đối tác học hỏi. Thiết bị trở thành động lực cho nhiều OEM tạo ra sản phẩm giá rẻ thu hút khách hàng trong ngành giáo dục. Đó cũng là lời khẳng định cho mọi người, Windows vẫn thể hiện nét “cao quý” trên các thiết bị cao cấp tuyệt đẹp.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng