Bằng tiền ảo, một công ty uy tín ở Canada vừa gọi vốn được 100 triệu USD, 'khủng' nhất trong lịch sử thế giới - Ai bảo ICO chỉ toàn lừa đảo?
Kik, một công ty 10 năm tuổi tại Canada, vừa lập thành tích 'vô tiền khoáng hậu' nhất trong lịch sử các thương vụ ICO từ trước đến nay. Có thể có người nghĩ đây lại là một vụ lừa đảo nữa, thế nhưng Kik thực sự là tiên phong trong một xu hướng mới của thế giới startup.
Vào đầu tuần này, dư luận trong nước đã xôn xao về thương vụ gọi vốn bằng tiền ảo (Token Sales hay ICO) khủng nhất trong lịch sử khởi nghiệp của người Việt: startup Kyber Network với nhà sáng lập Loi Luu đã được đầu tư tổng cộng 52 triệu USD chỉ trong vài giờ.
Thế nhưng không lâu sau đó, người ta được chứng kiến một thành tích ICO còn quy mô lớn hơn trong giới startup.
Cụ thể, ngày 26/9, trang tin công nghệ - startup nổi tiếng tại Mỹ là Techcrunch đã đưa tin startup lâu đời của Canada mang tên Kik đã huy động thành công số vốn lên đến gần 100 triệu USD thông qua đợt mở bán token của mình.
Cho đến lúc này, đây chính là thương vụ ICO thu được số vốn khủng nhất của các startup công nghệ mô hình B2C trên mạng Internet (consumer internet company) kể từ khi hình thức gọi vốn bằng tiền ảo ra đời.
Số tiền chính xác mà Kik thu được là 168.732 Ethereum (đồng tiền ảo sức mạnh thứ hai chỉ sau bitcoin, thường được dùng như đơn vị quy đổi trong các vụ ICO). Con số này tương đương với khoảng 47,5 triệu USD, dựa trên tỷ giá Ethereum thời điểm gọi vốn là 282 USD đổi 1 đồng.
Ứng dụng nhắn tin của Kik.
Số tiền này đến từ túi tiền của hơn 10.000 nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người đã phải ‘chầu trực’ từ trước cả tháng trời mới có thể đăng ký tham gia vụ ICO. Cộng với khoảng 50 triệu USD mà Kik huy động được từ việc bán trước token cho các nhà đầu tư tổ chức, tổng số tiền startup này thu về tổng cộng vào khoảng 97,5 triệu USD.
Thực ra, startup đến từ Canada có ý định huy động số tiền lên tới 125 triệu USD từ lần gọi vốn bằng tiền ảo lần này. Thế nhưng, những điều kiện tiên quyết với một thương vụ ICO (protocol), yêu cầu những nhà đầu tư vào Kik chỉ được mua một số lượng giới hạn các đồng Kin (đồng tiền ảo Kik bán ra để đổi lại thu về Ethereum trong đợt gọi vốn), đã khiến cho mục tiêu tham vọng chưa thể đạt được.
Dù sau đó, những đồng tiền chưa được bán cho ai rút cục cũng được bán hết, số vốn mà Kik huy động được vẫn chưa thể chạm đến con số 125 triệu USD. Thêm vào đó, việc startup này ngăn chặn các nhà đầu tư tại chính đất nước sở tại Canada tham gia vào đợt ICO do lo sợ các quy định pháp luật đã khiến giấc mơ gọi vốn 'siêu khủng' không thành hiện thực.
Mặc dù vậy, CEO Ted Livingston của Kik vẫn cho rằng thương vụ gọi vốn này là sự một thành công. Ông nói với trang TechCrunch: "Chúng tôi rất vui mừng. Nếu bạn nói với tôi hồi tháng 1 rằng chúng tôi sẽ gọi được 100 triệu USD trong thương vụ ICO vào tháng 9, tôi chắc hẳn sẽ không tin đâu”.
Hiện tại, ICO là một phương thức gọi vốn được giới startup đặc biệt quan tâm bởi thông tin về những số tiền rất lớn được đầu tư chỉ trong thời gian tính bằng giờ đã thực sự gây ấn tượng.
Token-based đang là một xu hướng trong thế giới startup. Trong hình là mạng xã hội hỏi đáp Steemit, một ICO thành công với đồng tiền ảo Steem.
Trong năm 2017 này, người ta thống kê rằng đã có tổng cộng 1,7 tỷ USD được lưu chuyển trong các thương vụ đầu tư bằng tiền ảo như thế này trên toàn thế giới. Đây là một con số thực sự khổng lồ, thậm chí lớn hơn tổng số vốn đầu tư mạo hiểm (venture capital) được giải ngân trên quy mô toàn cầu trong năm nay.
Và, thành tích này được tạo ra chắc chắn chính nhờ những tên tuổi đã gọi được cực nhiều vốn như Kyber Network hay chính là Kik. Với riêng trường hợp startup đến từ Canada, người ta có thể coi đây như là dấu mốc mà trào lưu ICO đã 'lây lan' đến cả các công ty lớn.
Các thương vụ gọi vốn bằng tiền ảo từ trước đến nay vốn vẫn là đất diễn của startup nhỏ hay những nhóm khởi nghiệp thậm chí mới chỉ có ý tưởng. Tính chất 'vô danh trao gửi niềm tin' - nhà đầu tư rót tiền chỉ vì mong kiếm lợi sớm còn startup thì mong gọi được nhiều tiền trong thời gian ngắn - đã tạo ra nhiều vụ lừa đảo (scam): Huy động tiền xong, cả startup biến mất.
Thế nhưng, Kik là một công ty đã tuổi đời tới gần 10 năm tại Canada. Hiện tại, ứng dụng gửi tin nhắn được định giá trên 1 tỷ USD của công ty này đã thu hút tới 15 triệu người dùng. Không sợ những điều tiếng từ ICO, Kik đã trở thành công ty có vị trí cao nhất huy động được số vốn 'khủng nhất' bằng tiền ảo cho đến lúc này.
Mục tiêu của CEO Livingston sau thương vụ ICO là rất táo bạo. Tận dụng những giá trị tiên phong mới mẻ của blockchain, ông muốn dùng tiền ảo, kết hợp với mô hình công ty của mình, để tạo ra một hệ sinh thái phi tập trung (decentralized ecosystem), nơi doanh thu không cần dựa vào quảng cáo hoặc các hoạt động thương mại điện tử.
Thay vào đó, những người dùng sẽ được khuyến khích tham gia nhiều hơn bằng việc họ sẽ được thưởng đồng Kin dựa trên mỗi lần tương tác trên nền tảng. Sau đó ý tưởng của Livingston là xây dựng nên ứng dụng Kik đáp ứng tốt nhất trải nghiệm người dùng.
Như thế, dự án của Kik sẽ được xếp vào nhóm token-based startups - những mô hình startup đang lên và đã chứng minh được tiềm năng mạnh mẽ kể từ khi công nghệ blockchain xuất hiện.
Tất nhiên, những điều trên sẽ chẳng là gì nếu như những thương vụ ICO cả chục triệu USD vẫn là những quả bong bóng chỉ trực chờ vỡ như hiện nay.
Như trong phát biểu với trang TechCrunch vào tuần trước, ông Dan Morehead đến từ Pantera Capital - công ty quản lý quỹ trị giá 100 triệu USD dành cho các ICO - đã cảnh báo rằng thị trường ICO, với hơn 60 vụ được xuất hiện mỗi tuần, thậm chí còn đang mang tính đầu cơ và dễ vỡ tan tành hơn cả thời kỳ bong bóng dot-com.
Kik được thành lập vào năm 2009 bởi một nhóm nhỏ các sinh viên Đại học Waterloo, Ontario, Canada.
Hiện công ty đặt trụ sở tại Waterloo, Ontario, có quy mô lớn tới hơn 100 nhân viên. Kik sở hữu một ứng dụng trò chuyện cho phép người dùng kết nối với mọi người và doanh nghiệp. Kik được nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư với số vốn tổng cộng sau nhiều năm là 120,5 triệu USD.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng