Băng trộm cổ vật trả lại tượng thần cho ngôi đền 300 tuổi vì tối nào về ngủ cũng gặp ác mộng
Tại sao những kẻ làm việc xấu thường hay gặp ác mộng?
Một sự kiện hi hữu vừa xảy ra tại quận Chitrakoot, tiểu bang Uttar Pradesh Ấn Độ sau khi một ngôi đền 300 tuổi ở đây bị mất cắp 16 pho tượng cổ. Các pho tượng này mô tả chân dung của Chúa Balaji, hóa thân của Thần Vishnu trong đạo Hindu của Ấn Độ.
Tổng trị giá tài sản bị đánh cắp lên tới hàng triệu USD bởi đó đều là những pho tượng được đúc bằng đồng và bạc nặng từ 10-15 kg. Cá biệt có những pho tượng được làm bằng ashtadhatu - một hợp kim được chế tạo bằng cách nung chảy vàng, sắt, bạc, chì, đồng, kẽm, thiếc và antimon hoặc thủy ngân.
Nhưng trong khi cảnh sát địa phương cất công truy tìm những kẻ trộm cổ vật, thì chỉ sau 6 ngày, các bức tượng đã được trả lại ngôi đền kèm theo một lá thư xin lỗi của thủ phạm:
"Kể từ hôm ăn trộm những bức tượng này về, chúng tôi đã liên tục gặp ác mộng đến nỗi ăn không ngon, ngủ không yên. Cuộc sống của chúng tôi đã không còn yên bình. Chúng tôi đã quá mệt mỏi với những giấc mơ đáng sợ cứ lặp đi lặp lại và quyết định trả lại các ngài những bức tượng quý giá này".
Tại sao những kẻ làm việc xấu thường hay gặp ác mộng?
Trong y học giấc ngủ, ác mộng được định nghĩa là những giấc mơ sống động, tạo ra cảm giác đáng sợ, kỳ quái hoặc gây khó chịu. Chúng xảy ra thường xuyên hơn trong giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM), cũng là giai đoạn của giấc ngủ hay có những giấc mơ dữ dội.
Ác mộng thường xuất hiện nhiều hơn vào sau khoảng nửa đêm, khi giấc ngủ có pha REM kéo dài hơn. Giấc mơ này thường xuyên đánh thức người ngủ dậy giữa đêm và để lại cho họ những cảm giác tiêu cực, từ buồn bã, lo lắng cho tới sợ hãi.
Những người gặp ác mộng cũng có thể thấy mình đổ mồ hôi hoặc tim đập nhanh sau khi tỉnh dậy.
Trên thực tế, không nhất thiết cứ người xấu thì mới hay gặp ác mộng. Các khảo sát cho thấy có khoảng 47% người được hỏi gặp ác mộng ít nhất 2 lần mỗi tháng.
Tuy nhiên, có khoảng 2-8% dân số thường xuyên gặp ác mộng và bị những giấc mơ này đeo bám làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ và cả chất lượng cuộc sống trong ngày khi họ tỉnh táo.
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới ác mộng đã được khoa học xác định bao gồm:
- Sự sợ hãi, căng thẳng
- Những thay đổi gần đây trong cuộc sống, đặc biệt là những thay đổi đưa bạn vào sự không chắc chắn, mất kiểm soát với cuộc sống hoặc cảm thấy đau khổ
- Một sự kiện đau buồn nào đó
- Rối loạn tâm lý sau sang chấn (PTSD)
- Chứng mất ngủ, thiếu ngủ hoặc giấc ngủ bị gián đoạn
- Sử dụng một số loại thuốc hoặc chất kích thích
Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra những giấc mơ mà chúng ta gặp vào ban đêm có thể là một sự tiếp diễn của những cảm xúc đã diễn ra vào ban ngày. Những cảm xúc đẹp sẽ dẫn tới những giấc mơ đẹp và ngược lại.
Ở đây, những tên trộm cổ vật nói riêng và những kẻ làm việc xấu nói chung có thể đã gặp phải một phiên bản ác mộng được gọi là "ác mộng tội lỗi". Tội lỗi được định nghĩa là cảm giác biết mình đã sai và nhận trách nhiệm về mình sau khi đã vi phạm một chuẩn mực xã hội nào đó.
Một nghiên cứu năm 2014 đăng trên tạp chí Sleep cho biết tội lỗi là một trong những cảm xúc mạnh mẽ có thể kích hoạt cơn ác mộng.
Những ác mộng do cảm giác tội lỗi gây ra thường có kịch bản, trong đó, người mơ bị trừng phạt vì hành vi sai trái của họ. Những trừng phạt này cũng thường bị phóng đại lên trong mơ, ví dụ như ban ngày bạn lỡ nói dối nhưng ban đêm có thể mơ thấy miệng mình bị khâu dính lại.
Những phóng đại này để lại nỗi sợ hãi khiến người mơ khi thức dậy thường cố gắng sửa chữa sai lầm của mình bằng cách xin lỗi hoặc khắc phục hậu quả mà họ đã gây ra.
Những nỗi ám ảnh và lời nguyền từ đồ vật đánh cắp
Trở lại với những tên trộm đã lấy cắp 16 bức tượng thần trong ngôi đền ở Ấn Độ, chúng chắc hẳn đã trải qua một phiên bản ác mộng của tội lỗi, nên mới trả lại những pho tượng như một cách khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, khi cảnh sát kiểm kê ra thì chỉ có 14 bức tượng được trả lại. Có thể những tên trộm đã quyết định giữ lại 2 bức tượng vì nghĩ mình sẽ chịu đựng được 1/8 cơn ác mộng từ những thần vật ấy.
Trên thực tế, những kẻ trộm trả lại đồ vì tin rằng bản thân sẽ bị nguyền rủa theo một cách nào đó là sự kiện tương đối phổ biến. Trong những năm qua, hàng trăm vật phẩm bị lấy cắp khỏi khu di tích thành phố La Mã cổ đại Pompeii đã được gửi trả lại, sau khi những khách du lịch tiện tay mang chúng về mơ thấy ác mộng hoặc cho rằng mình gặp vận rủi với chúng.
Khu di tích Pompeii ở Italia là nơi đang bảo quản hàng nghìn thi thể bị chôn vùi trong một trận núi lửa phun trào xảy ra vào năm 79 sau Công nguyên. Vào năm 2020, những người quản lý di tích đã nhận được một chiếc phong bì gửi từ Canada tới chứa trong đó một bức thư và một vài viên gạch cẩm thạch.
"Chúng tôi đã lấy [những viên đá này] mà không nghĩ đến những đau đớn và khổ sở mà những linh hồn tội nghiệp đã trải qua trong vụ phun trào của núi lửa Vesuvius cũng như cái chết khủng khiếp của họ. Chúng tôi xin lỗi, xin hãy tha thứ cho chúng tôi vì đã đưa ra lựa chọn khủng khiếp này. Cầu mong linh hồn họ được yên nghỉ", bức thư viết.
Tác giả ký tên nó là một người phụ nữ Canada tên là Nicole. Cô cho biết mình đã đến thăm Pompeii vào năm 2005 và chỉ nhặt những viên đá về như một vật lưu niệm. "Ngày đó tôi còn trẻ và còn khờ dại. Tôi chỉ muốn có một phần lịch sử mà không ai có thể có được", Nicole viết.
"Kể từ đó, vận rủi đã đến với tôi và gia đình. Hiện tôi 36 tuổi và đã mắc bệnh ung thư vú hai lần, lần cuối cùng kết thúc bằng ca phẫu thuật cắt bỏ. Gia đình tôi và tôi cũng gặp khó khăn về tài chính. Chúng tôi là những người tốt và tôi không muốn truyền lại lời nguyền này cho gia đình hoặc con cái của tôi".
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết cả thứ được gọi là "lời nguyền Pompeii" và những cơn ác mộng của băng trộm tượng thần Vishnu ở Ấn Độ đều không liên quan gì đến các đấng siêu nhiên như họ nghĩ.
Đó chỉ là một phản ứng tâm lý nhằm tìm kiếm lời giải thích cho các hiện tượng không may mắn xảy ra một cách ngẫu nhiên trong đời người. Khi nạn nhân không thể dùng khoa học tự nhiên hay logic để giải thích một hiện tượng, họ sẽ coi đó là kết quả hoặc là điều mà đấng siêu nhiên tạo ra.
Mặc dù vậy, bất kể lời giải thích có phản khoa học đến đâu, đó cũng là một cơ chế tâm lý tinh tế để những người có cảm giác tội lỗi này điều chỉnh hành vi của mình. Cảm giác tội lỗi và phải khắc phục hậu quả sẽ ngăn họ có các hành động tương tự lặp lại trong tương lai, đồng thời hướng họ tới những điều tốt đẹp, không làm tổn hại tới người khác hoặc lợi ích chung của xã hội.
Tham khảo Iflscience, Sleep, Sleepfoundation
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng