Báo cáo Q1/2019 không đẹp, sao giá cổ phiếu Apple vẫn tăng? Tất cả là vì con số đặc biệt này
Tìm được một chiếc Galaxy S6, Huawei P6 hay Mi 5 vào lúc này còn khó hơn đi tìm iPhone 5s. Và điều đó có ý nghĩa hết sức quan trọng với tương lai.
Ngay cả khi công bố kết quả kinh doanh thua kém rõ rệt so với cùng kỳ 2018, cổ phiếu Apple vẫn tăng nhẹ 5%. Con số duy nhất đã khiến cho các nhà đầu tư trở lại tin tưởng vào tương lai của Táo: hiện tại, người tiêu dùng toàn cầu thường xuyên sử dụng 900 triệu chiếc iPhone.
Tại sao con số này lại có ý nghĩa quan trọng đến thế?
Tình yêu bền lâu
Là dòng sản phẩm chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp, iPhone chưa bao giờ có thể địch lại Android về thị phần. Thế nhưng, gần như toàn bộ các con số thị phần chỉ được tính trên lượng smartphone bán ra từng năm, từng quý – bởi vậy, các con số này sẽ bỏ qua hoàn toàn hàng trăm triệu người dùng đang gắn bó với một thương hiệu nhưng lại không mua mới trong năm/quý gần nhất. Để đo được chính xác phản hồi nói chung của cả thị trường, bạn cần phải tính số lượng người dùng thường xuyên.
900 triệu iPhone vẫn đang được sử dụng thường xuyên cho thấy người tiêu dùng yêu quý Apple đến mức nào.
Với Apple, tình yêu đó được thể hiện bằng 900 triệu chiếc iPhone vẫn đang được sử dụng hàng tháng. Các thương hiệu Android thì sao? Mỗi năm, các tên tuổi lớn như Samsung, Huawei và BKK (OPPO, Vivo, OnePlus) bán ra được trên dưới 200 triệu máy – con số 900 triệu máy đang lưu hành chỉ có thể diễn ra nếu người dùng vẫn đang gắn bó với phần lớn smartphone đã mua từ các hãng này từ 2015 (và thậm chí là năm 2014). Hãy nhìn ra xung quanh và chắc chắn bạn sẽ rất khó có thể kiếm được một chiếc Galaxy S6, Huawei P8/Mate 8 hay Mi 5.
Ngược lại, các thế hệ iPhone 6 và iPhone 6s hiện tại còn rất phổ biến. Tìm mua một chiếc iPhone 5s còn dễ dàng hơn tìm kiếm Galaxy S6. Apple hẳn nhiên đã rất buồn vì người dùng không chịu nâng cấp thường xuyên, nhưng việc một lượng khổng lồ iPhone vẫn đang lưu hành cho thấy khó có một thương hiệu nào khác lại được người dùng yêu quý như Apple.
Tiềm năng cho tương lai
Một thương hiệu mạnh và đi kèm với sự gắn bó lâu dài có ý nghĩa rất quan trọng. Do iFan nổi tiếng là trung thành, 900 triệu iPhone đang lưu hành sẽ là 900 triệu cơ hội nâng cấp cho tương lai. Trong bối cảnh thị trường bão hòa và chắc chắn sẽ suy thoái, chỉ riêng sự đảm bảo này thôi đã là quá đủ để ăn mừng.
Bao nhiêu người dùng sẽ tiếp tục gắn bó với những chiếc smartphone Android cũ sau 4 năm sử dụng?
Dĩ nhiên, chúng ta cũng không thể quên được mảng kinh doanh đã được Apple nhắc đi nhắc lại suốt nhiều quý: dịch vụ. 900 triệu iPhone lưu hành là tiềm năng cho hàng chục triệu tài khoản Apple Music và hàng tỷ đô doanh thu ứng dụng từ App Store. Quý vừa rồi, Apple thu về hơn 10 tỷ USD từ mảng "phụ" này – con số ngang ngửa với toàn bộ doanh thu từ tất cả các mảng của Xiaomi trong vòng cả 6 tháng đầu năm 2018.
Nhưng vì Apple là công ty phần cứng, doanh số iPhone vẫn là quan trọng nhất. 900 triệu người dùng sẽ không có ý nghĩa gì nếu người dùng bỏ iPhone để chuyển sang dùng Android. Kịch bản này không hề diễn ra: bất chấp cả scandal pin, bất chấp cả khung giá cao chưa từng có, lượng iPhone lưu hành đã tăng 75 triệu so với 12 tháng trước. Tổng lượng smartphone xuất xưởng vẫn giữ nguyên mà lượng iPhone lưu hành lại tăng có nghĩa rằng người ta đang bỏ Android để chuyển sang iPhone ngày một nhiều hơn.
Con số 75 triệu cũng hoàn toàn trùng khớp với một hiện tượng thú vị: giá smartphone trung bình đến tay người dùng liên tục tăng. Người dùng mua smartphone ít hơn, ít thường xuyên hơn nhưng khi mua lại sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để hưởng trải nghiệm tốt hơn. 900 triệu iPhone vẫn đang lưu hành trên thị trường trong khi doanh số 2018 chỉ vào khoảng hơn 200 triệu máy cho thấy iPhone đang hoàn toàn đáp ứng được tâm lý này: bỏ ra nhiều tiền hơn (so với Android), người ta được một trải nghiệm tốt hơn, một thiết bị có giá trị bền lâu hơn.
Thương hiệu nào dám công bố số lượng thiết bị đang được sử dụng thường xuyên để minh chứng rằng họ thực sự được người dùng yêu quý, thực sự tạo ra những giá trị bền lâu?
Theo khảo sát của PCMag năm 2018, lý do phổ biến nhất khiến người dùng chuyển từ Android sang iOS là "Trải nghiệm tốt hơn". Ở phía ngược lại, người ta chuyển từ iOS sang Android nhiều nhất là vì "giá tốt hơn". Vì Apple không kinh doanh smartphone giá rẻ, Android sẽ mãi mãi giữ được lợi thế đó. Nhưng lợi thế giá sẽ lại ngày một vô nghĩa: Tim Cook cũng đã liên tục khẳng định đang tăng trưởng mạnh trên các thị trường mới mẻ, như Mexico, Malaysia và Việt Nam. Như bạn đọc chắc hẳn đã biết, đây không phải là các quốc gia có mức sống cao như Mỹ hay Nhật và cũng là các thị trường vốn gần như dành riêng cho Android.
Nếu Apple thực sự quyết tâm hạ giá để tăng doanh số, các tên tuổi Android sẽ còn phải lo lắng hơn trước. Bao năm qua, hệ điều hành của Google có thể tự hào vì đè bẹp iPhone khi tính thị phần. Bao năm qua, Apple chưa bao giờ lo lắng về thị phần, thay vào đó tập trung vào lợi nhuận và hình ảnh. Nếu Apple bị buộc phải cạnh tranh thị phần, liệu các đối thủ có nên vui mừng khi phải nghênh đón một đối thủ có 300 tỷ USD dự trữ tiền mặt, có hệ điều hành riêng và sức hút không phụ thuộc vào những con chip ai cũng có?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng