Bão đến, các sở thú và thủy cung tại Mỹ đã làm thế nào để bảo vệ những “cư dân” của mình?
Khi thảm họa xảy ra, giống như như con người, các loài vật cũng cần nơi trú ẩn và thức ăn dự trữ để tránh bão an toàn.
Cơn bão khủng khiếp Irma với cường độ siêu mạnh vừa đổ bộ vào Mỹ vừa rồi cho thấy, các thảm họa thiên nhiên đang xảy ra ngày càng có cường độ mạnh với tần suất cao hơn. Để đối phó với một sự kiện nguy hiểm như vậy, chúng ta đều phải chuẩn bị rất nhiều phương án, trong đó có cả một việc vô cùng quan trọng: Bảo vệ những loài vật đang sinh sống bên trong các sở thú và thủy cung.
Hình ảnh một đàn hồng hạc đang trú ngụ bên trong nhà vệ sinh để tránh bão Georges tại vườn thứ Miami vào ngày 25/09/1998
Hiệp hội Vườn thú và Thủy cung Hoa Kỳ (The Association of Zoos and Aquariums - AZA), đại điện cho hơn 230 cơ sở chăm sóc động vật trên lãnh thổ Mỹ và toàn thế giới, đã làm khá tốt việc này. Hiệp hội đã huấn luyện toàn bộ nhân viên của mình nhằm cấp chứng chỉ cho họ, chỉ để chuẩn bị cho những sự kiện thảm họa, thiên tai nguy hiểm. Hơn nữa, hằng năm các cơ sở luôn cập nhật và cải thiện quy trình đảm bảo an toàn.
Vì không thể di tản nên họ đã tận dụng mọi thứ để giữ an toàn cho các “cư dân” của mình. Từ việc lên kế hoạch chi tiết cho thảm họa sắp diễn ra, cho đến ngủ ngay tại sàn nhà qua đêm để canh chừng cho các con thú, hay thậm chí tận dụng… nhà vệ sinh để làm nơi trú ẩn.
Chuẩn bị lương thực
Để chuẩn bị cho thiên tai sắp đổ bộ, việc đầu tiên là đảm bảo “an ninh lương thực”.
Trước tiên, nhân viên sở thú sẽ dọn dẹp, tháo dỡ các đồ dùng có dạng vụn nhỏ khỏi công viên, các biển báo và băng rôn được đưa xuống, chuẩn bị máy phát điện và nhiên liệu. Sau đó họ sẽ tiến hành tích trữ đồ ăn và nước uống sạch, cho cả người và vật.
Ngoài ra sở thú cũng chuẩn bị một chiếc tủ lạnh và một xe tải đông lạnh để bảo quản thực phẩm. Về cơ bản là chuẩn bị những vật dụng cơ bản nhất để sở thú có thể duy trì, cho dù có thể không nhận được sự hỗ trợ nào từ bên ngoài khi xảy ra thảm họa đi chăng nữa.
Bồ nông được bảo vệ khỏi bão Irma bên trong những căn nhà kiên cố được làm từ bê tông cốt thép tại sở thú Florida, Mỹ
Sở thú cũng sẽ tuyển chọn ra một đội chuyên viên bao gồm: chuyên gia dinh dưỡng động vật, các thành viên có nghiệp vụ cao và nhóm các nhân viên chủ chốt để “chống bão”. Lee Ehmke, giám đốc của sở thú Houston chia sẻ, đã có 15 thành viên ở lại sở thú để chống chịu bão Harvey cùng các con thú vào tháng trước.
Ông nói: “Chúng tôi đã ngủ luôn tại sở thú, trên cả giường và sàn nhà. Chúng tôi chuẩn bị thức ăn cho tất cả mọi người… Ngoài ra có rất nhiều tài liệu trên internet và radio giúp chúng tôi đảm bảo cho các con thú có chế độ ăn phù hợp”.
Chuẩn bị nhiều kế hoạch dự phòng
Phát ngôn viên của AZA Rob Vernon cho biết, mặc dù hiệp hội đã có một quy trình đảm bảo an toàn tiêu chuẩn chung, tuy nhiên đối với mỗi nơi xảy ra thảm họa, các cơ sở sẽ có kế hoạch riêng bởi những nơi khác nhau cần có những cách đối phó đặc biệt khác nhau.
Ông Rice Toth, phó giám đốc của Viện thiên nhiên Audubon cũng chia sẻ, để đối phó với một thảm họa cần có rất nhiều phương án và kế hoạch, sau đó cần có kế hoạch dự phòng của kế hoạch chính, tiếp theo nữa là kế hoạch dự phòng cấp 2, cấp 3, thậm chí cao hơn nữa, như vậy mới có được sự an toàn chặt chẽ.
Chú chim cánh cụt đáng thương đã may mắn được giải cứu sau cơn bão khủng khiếp Katrina, đang được bơi bên trong môi trường sống cũ của mình tại thủy cung Audubon của Mỹ vào ngày 22/05/2006, sau 8 tháng tránh bão trở về từ California
Viện thiên nhiên Audubon cũng đang quản lý một thủy cung, việc này đem lại nhiều khó khăn hơn so với bảo vệ một sở thú trong tình huống xảy ra thảm họa, đòi hỏi nhiều bước đảm bảo an toàn hơn.
Năm 2005, Khi bão Katrina đổ bộ vào thủy cung Audubon tại New Orleans, máy phát điện khẩn cấp đã bị hỏng ngay lập tức và tiêu diệt một phần lớn hệ sinh vật dưới nước tại đây. Ông Toth nói thêm, sau khi cơn bão đi qua, các nhân viên đã có thể đưa các con vật còn sống sót qua những cơ sở khác của AZA, tuy nhiên điều này là thực sự khó đối với các sinh vật sống dưới nước. Bởi di chuyển chúng thì rất nặng, do phải có nước để giữ chúng sống, do đó phần lớn là họ phải để chúng lại và bảo vệ bên trong cơ sở.
Không bao giờ di tản
Khi chuẩn bị cho cơn bão Irma, sở thú Miami đã lên kế hoạch để ở lại đón bão mà không di tản. Lý do bởi đường đi của bão rất khó lường, vì vậy di chuyển các con vật ra ngoài sở thú có thể còn nguy hiểm hơn việc ở lại.
Ron Magill, giám đốc truyền thông của sở thú Miami đã chia sẻ: “Câu hỏi đầu tiên mà tôi hay được hỏi là: Trời ơi!, đến bao giờ các anh mới di tản các con thú đi vậy?” và ông luôn trả lời “Chúng tôi không bao giờ di tản chúng cả”.
Do đã có điều kiện vật chất tốt hơn nên hồng hạc tại sở thú Miami bây giờ đã được trú ẩn tại một căn nhà với hệ thống ao nhân tạo đặc biệt
Ông cho biết thêm, riêng stress và áp lực về việc di tản đã đủ để gây hại cho các “cư dân” của sở thú. Thay vào đó, một số loài chim và động vật có vú cỡ nhỏ của sẽ được ở bên trong các tòa nhà và khu biệt lập riêng, các động vật cỡ lớn như thú ăn thịt hay đười ươi sẽ được “cố thủ” tại những căn nhà to và kiên cố hơn.
Những căn nhà này được đổ bê tông, làm bằng kim loại hàn rất kiên cố với mục đích, đầu tiên là phải chịu được sức mạnh của các con vật to lớn, sau đó mới để chịu được sức tàn phá của bão.
Những loài thú ăn thịt hoặc có kích thước lớn như báo đốm sẽ được đưa vào một khu nhà riêng, cũng được xây dựng rất chắc chắn, trước khi bão đổ bộ
Nhưng cho dù chuẩn bị kỹ đến đâu, thì yếu tốt thích nghi hay “tùy cơ ứng biến” mới là quan trong nhất để đối phó với thiên tai, học hỏi từ những sự cố trong quá khứ để chuẩn bị tốt cho các thảm họa trong tương lai. Trước đó trong cơn bão Andrew, tại sở thú Miami, 100 chú chim đã bị thiệt mạng, sau đó họ đã rút kinh nghiệm và củng cố lại các tòa nhà chịu lực của mình, từ đó đến nay, khi bão xảy ra, thiệt hại đã được giảm đến mức tối thiểu.
Đoàn kết cùng nhau chống bão
Sau khi cơn bão Harvey đi qua, rất nhiều sở thú và thủy cung đã đem những nhu yếu phẩm và lương thực họ có đến những cơ sở bị thiệt hại nặng nề hơn bởi bão, ví dụ như vườn thú Texas tại thành phố Victoria.
Hồng hạc tại Florida đang "xếp hàng" để đi trú bão
Rob Vernon chia sẻ thêm: “các cơ sở của tổ chức AZA giống như một gia đình lớn vậy. Thật tuyệt vời khi thấy mọi người sẵn sàng tương trợ và giúp đỡ Texas bằng bất kỳ cách nào có thể”.
Đặc biệt đối với những nhân viên làm việc tại sở thú, khi chẳng may họ bị mất nhà cửa hay thiệt hại về của cải do bão gây ra, các cơ sở sẽ lập một quỹ để ủng hộ giúp họ bớt đi phần nào những tổn thất mà họ phải chịu, trong khi chính họ đã là người tận tâm chăm sóc những con thú khi bão đến.
Đây là những cách “chống bão” khá hiệu quả và đáng để học hỏi của các cơ sở chăm sóc động vật tại Mỹ. Còn ở Việt Nam, bão số 10 cũng đang sắp đổ bộ vào miền Trung, mong rằng không chỉ con người mà những “cư dân” bên trong các sở thú và thủy cung sẽ được an toàn.
Tham khảo NPR
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng