Bay cao 200m với tốc độ hơn 100km/h, diều khổng lồ kéo tàu tải trọng 21.528 tấn chạy trên biển
(Tổ Quốc) - Giải pháp tích hợp Seawing kết hợp công nghệ diều với hệ thống điều khiển chuyến bay tự động do ngành hàng không vũ trụ tạo ra để thu năng lượng gió, đưa các con tàu chở hàng di chuyển khắp đại dương.
Công ty khởi nghiệp Airseas của Pháp đã thử nghiệm thành công một chiếc diều khổng lồ có thể giúp kéo tàu chở hàng trên biển ở Đại Tây Dương, đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành vận tải biển.
Được gọi là "Seawing", đây là một con diều parafoil rộng 250 m2, lần đầu tiên được thử nghiệm vào tháng trước trên Ville de Bordeaux, một con tàu chở hàng có tải trọng 21.528 tấn.
"Chúng tôi tự hào có một giải pháp có thể giúp tàu giảm lượng khí thải ngay bây giờ và đẩy nhanh quá trình cắt giảm cacbon của ngành hàng hải trong những năm tới", Vincent Bernatets, Giám đốc điều hành của Airseas, cho biết trong một tuyên bố.
Được biết, Airseas đã tiếp cận và kí kết hợp tác với số hãng vận tải lớn để lắp đặt một số hệ thống đẩy Seawing cho các tàu chở hàng, với tổng cộng 5 tàu được tích hợp diều lượn.
Công nghệ diều Seawing là gì?
Giải pháp tích hợp Seawing kết hợp công nghệ diều với hệ thống điều khiển chuyến bay tự động do ngành hàng không vũ trụ tạo ra để thu năng lượng gió.
Hệ thống này "an toàn, sạch sẽ, đáng tin cậy và nhỏ gọn" và có thể dễ dàng triển khai trên hầu hết mọi tàu thương mại để giảm trung bình 20% lượng khí thải và mức tiêu thụ nhiên liệu, Airseas tuyên bố.
Thực tế, trước khi ngành hàng hải bước vào thời kỳ sử dụng các nhiên liệu như than hay dầu, các con tàu chở hàng nhiều thế kỉ trước đều gắn nhiều buồng, tận dụng sức gió để đưa tàu đi khắp các đại dương. Tuy nhiên, với các con tàu có lượng choán nước lớn ở thời kỳ hiện đại, việc lắp đặt buồm là giải pháp không khả thi và thiếu hiệu quả. Trong khi đó, diều nhẹ hơn, kích thước nhỏ gọn hơn buồng, giúp nó dễ lắp đặt hơn. Nó cũng bay cao hơn, như diều của Seawing có thể bay cao tới 200m để đón những cơn gió mạnh hơn, ổn định hơn, giúp nó ít bị ảnh hưởng bới các yếu tố như lực cản và nhiễu loạn so với cánh buồm truyền thống.
Bản thân hệ thống diều Seawing được thiết kế theo kiểu gắn vào chốt và chiếm ít không gian trên boong, giúp việc tái trang bị trở nên đơn giản trong một chuyến ghé vào bờ ngắn ngày. Nó có thể được đặt trên hầu hết các loại tàu, không bị hạn chế bởi giới hạn chiều cao và không cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, lực kéo của Seawing cũng mạnh hơn gấp 10 lần so với cánh buồm tĩnh, vốn có thể bay linh hoạt với tốc độ hơn 100km/h trên quỹ đạo hình số 8.
Khả năng cất cánh và hạ cánh tự động của cánh diều được thực hiện nhờ thiết bị trên boong. Nó bao gồm một cột buồm, một khu vực lưu trữ, xe đẩy và tời. Hệ thống xe đẩy kéo diều ra khỏi kho, sau đó nó được bơm căng để bay lên ở đỉnh cột buồm. Cánh diều cũng sẽ được kết nối và điều khiển tự động để tối ưu hóa khả năng hoạt động.
Diều Seawing có khả năng giảm bớt đáng kể gánh nặng cho động cơ của tàu chở hàng và sự phụ thuộc của chúng vào nhiên liệu diesel không sạch.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế đặt mục tiêu cho ngành giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2050 và Seawing sẽ đóng góp một vai trò quan trọng cho việc thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, khái niệm này không phải là mới.
21 tàu chở hàng cỡ lớn đã sử dụng diều hoặc các cải tiến khác, chẳng hạn như công nghệ cánh buồm bơm hơi, để di chuyển trên biển, nối tiếp lịch sử lâu đời của năng lượng gió trong lĩnh vực vận tải biển. Theo ước tính, đến cuối năm 2023, 50 tàu sẽ chạy bằng sức gió.
Tham khảo Interesting Engineering
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng
Bên cạnh những nâng cấp về phần cứng, Galaxy S25 Ultra được Samsung chú trọng vào các tính năng Galaxy AI mới.
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra