"Beyeu, Deca, Lingo đóng cửa chưa chắc đã là tín hiệu xấu cho ngành TMĐT Việt Nam"

    PV,  

    Lingo thất bại, rồi có thể chứng kiến 1 số mô hình sàn thương mại điện tử VN thất bại, nhưng sàn thương mại điện tử chỉ là một phần trong TMĐT, không phải là tấm gương phản ánh toàn ngành. Sự cạnh tranh vừa giúp sáng lọc, vừa tích cực đẩy thêm tiền vào cho ngành TMĐT.

    Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2015 do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) của VN trong năm 2015 đạt 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014.

    Dự báo, con số này sẽ đạt 10 tỷ USD trong 5 năm tới. Được nhận định là còn khá non trẻ song TMĐT lại là một lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng đáng mơ ước nhất hiện nay ở Việt Nam.

    Tuy nhiên, trái với snhững con số đẹp của toàn ngành TMĐT , thời gian gần đây, người ta chứng kiến hàng loạt các trang TMĐT tại Việt Nam lần lượt đóng cửa. Đơn cử như Beyeu, Deca, gần đây là Lingo. Tại sao lại tồn tại nghịc lý này?

    Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM):

    Không có nghịch lý nào cả. Beyeu, Deca, Lingo... đóng cửa không đồng nghĩa TMĐT yếu đi

    - Xin chào ông, trong khi các ngành kinh tế và thị trường toàn cầu đang rất khó khăn nhưng TMĐT lại là ngành có bước đi đột phá thời gian qua. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

    - Có thể thấy, không chỉ năm 2015 mà một loạt những năm gần đây, TMĐT đều được đánh giá phát triển và tăng trưởng nhanh hơn năm trước với 2 chữ số.

    Khi xây dựng chỉ số TMĐT, chúng tôi đã đi đến kết luận về từng giai đoạn của ngành này.

    Theo đó, giai đoạn đầu tiên 1997-2010 gọi là giai đoạn hình thành TMĐT (từ khi hình thành Internet). Giai đoạn hai 2010-2015 là trưởng thành và phát triển. Từ năm 2016, TMĐT bước sang giai đoạn mới, gọi là phát triển nhanh. Thời gian kéo dài dự đoán có thể 5-10 năm. Còn sau đó, đương nhiên theo quy luật sẽ bị chậm đi.

    Để chuyển sang giai đoạn phát triển nhanh, thì năm 2015 đã có hàng loạt các thông điệp dự báo trước: Quy mô thị trường ngày một lớn, tỷ lệ người dùng Internet tăng cao, số người truy cập Internet, có mua bán hàng trên mạng, số thuê bao di động dùng Internet tăng vọt. Cùng với đó là những giao dịch B2C, B2B, G2B... phát triển nhanh.

    - Tuy nhiên, trong khi quy mô TMĐT phát triển đột phá với 2 chữ số qua từng năm, thì gần đây, ngành này lại chứng kiến hàng loạt trang TMĐT đóng cửa như Beyeu, Deca, gần đây nhất là Lingo. Kể cả trang TMĐT dẫn đầu thị trường là Lazada cũng phải bán mình cho Alibaba của Trung Quốc. Vì sao lại tồn tại nghịch lý này, thưa ông?

    - Lingo thất bại, rồi có thể chứng kiến 1 số mô hình sàn thương mại điện tử VN thất bại, nhưng sàn thương mại điện tử chỉ là một phần trong TMĐT, không phải là tấm gương phản ánh toàn ngành TMĐT

    Với ngành này, chúng ta phải nhìn một cách toàn diện, bởi nghĩa của nó rất rộng. TMĐT vẫn phát triển nhanh vì nó còn có những hình thức tham gia khác nhau, không chỉ quy vào một hình thức sàn.

    Phải nói rằng, chỉ trong một thời gian ngắn gầy đây, số DN tham gia vào ngành này ngày càng nhiều, mức độ tham gia ngày càng sâu, đặc biệt hình thức B2B và G2C.

    Hàng năm, số DN tham gia kinh doanh trực tuyến bằng hình thức khác nhau tăng chóng mặt. Cách đây 5 năm, Việt Nam chỉ có 30% DN có website hoặc tham gia dùng các ứng dụng di động. Nhưng đến nay, con số đó cao lên nhiều. Năm 2015, trong tổng số 500.000 DN thì có đến 45% DN có website.

    Hay khi nói về tền miền, con số này tăng liên tục. Năm 2014, Việt Nam có 270.000 tên miền tồn tại, nhưng tính đến tháng 10/2015 đã lên đến 340.000 tên miền và chắc chắn năm 2016 sẽ cán mốc 400.000 và sẽ tiếp tục tăng. Đó là chưa kể, trong số 500.000 DN thì có nhiều DN có thể có hàng chục, thậm chí hàng trăm tên miền.

    Hay nhìn theo tiêu chí khác, đó làquảng cáo trực tuyếnnhư về lĩnh vực hàng không, du lịch. Giai đoạn 2015-2016, số vé bán điện tử tăng rất nhanh, chiếm phần rất lớn so với bán vé truyền thống. Trong khi ngành du lịch thì hầu như không có một nhà nghỉ, khách sạn, hãng lữ hành nào có thể thiếu được wifi, website hay hệ thống đặt phòng trực tuyến.

    Nhìn từ những con số trên, có thể thấy toàn ngành đang dùng TMĐT ở mức rất cao. Tuy nhiên, số lượng DN tăng lên, mức độ kinh doanh trực tuyến ngày càng cao, quy mô giao dịch lớn.., nhưng đây không phải hình thức sàn.

    Khi nói đến sàn, kể như Lingo, Beyeu, Deca… nó là một địa chỉ, nơi để cung cấp dịch vụ của nhiều dịch vụ bán hàng khác. Và ở đây, DN là trung gian bán hàng.

    Trong khi đó, TMĐT bao gồm sàn nhưng sàn chỉ là tập con của TMĐT. Trong TMĐT, sàn vốn chỉ là một yếu tố chứ không phải là tất cả. Xét về tổng thể, sàn cũng to và là một mô hình rất tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu nhìn TMĐT chỉ theo hình thức sàn thì sẽ có cái nhìn toàn cảnh thiếu chính xác.

    - Ông vừa nói, sàn là một mô hình rất tuyệt vời vậy tại sao các sàn TMĐT tại Việt Nam cứ lần lượt ra đi?

    - Có thể nói, TMĐT nói chung ở Việt Nam đang rất phát triển, nhưng có một điều phải nói, cho đến thời điểm này, một số doanh nghiệp (cả trong và ngoài nước) được kỳ vọng đã đầu tư vào TMĐT dường như chưa được thành công như mong đợi.

    Tuy nhiên, chúng ta không thể lấy cái này để quy ngược lại rằng thương mại điện tử có vấn đề hoặc chậm phát triển.

    Phải nói chính xác thế này: TMĐT Việt Nam đang phát triển tốt nhưng hình thức sàn TMĐT dường như chưa phù hợp với mô hình kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam.

    Sau Beyeu, Deca..., sàn thương mại điện tử Lingo của Việt Nam nối gót ra đi.
    Sau Beyeu, Deca..., sàn thương mại điện tử Lingo của Việt Nam nối gót ra đi.

    Nguyên nhân tại sao thì cần có những nghiên cứu dài hơi hơn. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng nguyên nhân nằm ở chỗ người bán không trực tiếp sản xuất và nắm rõ thông tin về sản phẩm và dịch vụ. Sàn là nơi trung gian, người mua kẻ bán khó kiểm soát, dù có nguyên tắc hay quy chế pháp luật song vẫn chưa thực sự giải quyết được vấn đề này.

    Bên cạnh đó, năng lực của chủ sàn còn hạn chế, chưa sáng tạo; ý thức cộng đồng công dân chưa cao nên sàn kém quá hay nghiêm túc quá cũng dở.

    Tiếp theo là văn hóa kinh doanh, ý thức tuân thủ trách nhiệm, cung cấp thông tin cho người mua chưa cao. Vì lẽ đó, phía người mua dần e ngại, thận trọng khi mua bán trên các sàn TMĐT. Đây là vấn đề về lòng tin.

    Tuy nhiên, tôi cho rằng việc các sàn TMĐT gặp khó khăn và ra đi không phải là một tín hiệu xấu.

    - Vì sao, thưa ông?

    Dưới góc độ quản lý vĩ mô, tôi cho rằng việc các sàn TMĐT cạnh tranh nhau và đóng cửa là quy luật tất yếu. Sự cạnh tranh vừa giúp sáng lọc, vừa tích cực đẩy thêm tiền vào cho ngành TMĐT. Như vậy, về khía cạnh vĩ mô, khía cạnh toàn ngành, lại là tín hiệu tốt. Về tổng thể, thị trường vẫn có lợi.

    Xin cảm ơn ông!

    Theo Trí thức trẻ/CafeBiz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày