Bị hầu hết các nhà tuyển dụng loại bỏ, xã hội xem là 'có vấn đề' nhưng người hướng nội lại sở hữu nhiều tố chất của bậc thiên tài
Một nghiên cứu thú vị của Adam Grant đến từ trường Wharton cho biết rằng những nhà lãnh đạo mang tính cách hướng nội thường mang đến những thành quả tốt hơn những nhà lãnh đạo hướng ngoại.
Trong một chương trình TedTalk vào năm 2013, tác giả Susan Cain của cuốn sách bán chạy "Quiet: The Power of Introverts in a World That Can't Stop Talking" (Tạm dịch: Im lặng: Sức mạnh của những người hướng nội trong một thế giới quá ồn ào) đã tranh luận rằng những người biết cách nói chuyện lôi cuốn có xu hướng là những người hướng nội.
Ngoài ra, Những người trầm hơn có rất nhiều ý tưởng và có thể là những nhà lãnh đạo xuất sắc. Đáng tiếc, xã hội ngày nay lại được thiết kế hoàn toàn dành cho người hướng ngoại, bài phát biểu dưới đây của Susan Cain sẽ cho chúng ta một cách nhìn hoàn toàn mới mẻ về người hướng nội.
Dưới đây là trích đăng bài phát biểu của Susan Cain:
Ngay từ khi còn đi học, Susan Cain luôn nhận được những thông điệp rằng bằng cách nào đó, tính cách im lặng và hướng nội của cô không phải là đúng và rằng cô nên cố để trở nên hướng ngoại hơn.
Sau này, tôi chọn trở thành luật sư của phố Wall, thay vì một nhà văn như mình hằng mong muốn một phần vì tôi cần chứng tỏ với bản thân rằng tôi cũng táo bạo và quả quyết. Tôi luôn đi đến những quán bar đông đúc trong khi tôi thực sự muốn một bữa tối với những người bạn. Và tôi lựa chọn những hành động tự phủ định bản thân như vậy theo một một phản xạ tự nhiên, đến nỗi tôi không phát hiện ra mình đang làm như thế!
Đây cũng là điều nhiều người hướng nội làm. Hiển nhiên, đó chắc chắn là sự thiệt thòi của bản thân những người hướng nội nhưng trong bài viết này, tôi sẽ chỉ ra cho các bạn thấy, đó còn là sự thiệt thòi đối với cả đồng nghiệp và sự thiệt thòi của cả cộng đồng chúng ta.
Hãy bắt đầu bằng việc hiểu hướng nội là gì. Nó khác với việc e dè xấu hổ. Xấu hổ là sự sợ hãi bị xã hội đánh giá. Hướng nội thiên về cách bạn phản ứng với kích thích, bao gồm kích thích xã hội. Những người hướng ngoại khao khát một số lượng lớn kích thích, trái lại những người hướng nội cảm thấy họ sôi nổi nhất, hào hứng nhất và có năng lực nhất là khi yên tĩnh và trong môi trường ít kích thích.
Tác giả Susan Cain trong chương trình TedTalk.
Hiện tại xã hội lại tồn tại một thành kiến đáng sợ đối với người hướng nội. Những tổ chức có tầm quan trọng nhất, như trường học và nơi làm việc được thiết kế hầu hết là cho những con người hướng ngoại và cho nhu cầu nhiều kích thích của những con người hướng ngoại.
Thử tưởng tượng về một lớp học điển hình hiện nay: Hồi đi học chúng tôi ngồi theo dãy và làm mọi việc một cách thật tự lập. Nhưng ngày nay, lớp học điển hình của các bạn là những chiếc bàn quay mặt vào nhau và bốn, năm hay sáu đứa trẻ đối mặt với nhau. Bọn trẻ sẽ thực hành một đống những bài tập. Ngay cả toán hay viết văn - những môn mà bạn nghĩ mình sẽ tự chiến đấu một mình thì đều được giáo viên nhồi nhét vào đầu vai trò của làm việc nhóm.
Và đứa trẻ thích ra ngoài một mình và làm việc độc lập hơn thường bị xem là những người tách khỏi nhóm hay tệ hơn là những trường hợp có vấn đề. Và đa số những báo cáo của các giáo viên tin rằng học sinh lý tưởng là những đứa trẻ hướng ngoại trái ngược với những đứa trẻ hướng nội, mặc dù những đứa trẻ hướng nội thực chất đạt được điểm số cao hơn và hiểu biết nhiều hơn theo nghiên cứu cho biết.
Điều tương tự xảy ra trong môi trường công sở. Hầu hết chúng ta làm việc trong những văn phòng mở, không có tường ngăn cách khiến chúng ta luôn phải nghe những tiếng ồn và chịu sự dòm ngó của đồng nghiệp.
Những người hướng nội cũng thường không được xem xét cho những vị trí lãnh đạo dù họ có xu hướng cẩn thận hơn, ít có khả năng đưa ra những lựa chọn quá mạo hiểm - yếu tố cực kỳ quan trọng đối với một người lãnh đạo trong xã hội hiện nay.
Một nghiên cứu thú vị của Adam Grant đến từ trường Wharton cho biết rằng những nhà lãnh đạo mang tính cách hướng nội thường mang đến những thành quả tốt hơn những nhà lãnh đạo hướng ngoại. Nguyên do là bởi nếu quản lý những nhân viên hoạt bát họ thường để cho những nhân viên đó tự do chạy theo những ý tưởng của riêng mình trong khi những nhà lãnh đạo hướng ngoại có thể, nhiều lúc quá hưng phấn về mọi thứ đến nỗi họ áp đặt ý tưởng của chính mình lên tất cả mọi thứ, và ý tường của những người khác không thể dễ dàng có cơ hội tỏa sáng.
Thực tế, một số nhà lãnh đạo cải cách trong lịch sử đều là những người hướng nội. Một vài cái tên có thể kể đến là Eleanor Roosevelt, Rosa Parks, Gandhi tất cả những người này đều miêu tả chính mình là hay im lặng, ăn nói mềm mỏng và thậm chí có tính hay xấu hổ.
Điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta cần sự cân bằng tốt hơn giữa hướng nội và hướng ngoài. Điều này đặc biệt quan trọng bởi nó liên quan mật thiết đến sự sáng tạo và năng suất làm việc. Các nhà tâm lý học nghiên cứu cuộc sống của những người sáng tạo nhất, họ nhận thấy những người giỏi trao đổi ý tưởng và tiến hành ý tưởng cũng là những người có nét hướng nội rõ ràng nhất.
Steve Woznial sáng tạo ra chiếc máy tính Apple đầu tiên khi ngồi một mình trong căn phòng của mình ở Hewlett-Packard nơi ông ấy làm việc. Và ông ấy nói rằng bản thân sẽ không bao giờ trở thành nhà chuyên môn ngay từ đầu nếu không quá hướng nội đến mức không rời khỏi nhà trong suốt quãng thời gian khi lớn lên.
Nói như vậy không có nghĩ là chúng ta phải ngừng cộng tác và làm việc một mình. Chiếc máy tính của Apple đã không thể ra đời một cách trọn vẹn nếu như Steve Wozniak không hợp tác cùng Steve Jobs.
Tuy nhiên, tôi khẳng định tính đơn độc quan trọng và với một số người nó như không khí để thở vậy. Trên thực tế, từ nhiều thế kỷ nay chúng ta đều hiểu sức mạnh siêu việt của tính độc lập. Chỉ là thời gian gần đây chúng ta đang dần quên mất nó mà thôi.
Ý tôi muốn nói ở đây là không phải kĩ năng xã hội không quan trọng và tôi cũng không kêu gọi ngừng làm việc làm nhóm. Những vấn đề mà chúng ta đang đối mặt ngày nay trong nhiều lĩnh vực khác nhau gồm khoa học và kinh tế rất nhiều và phức tạp. Chính bởi vậy, chúng ta cần sự liên hiệp của nhiều người để cùng giải quyết những vấn đề đó. Tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta nên để những người hướng nội được tự do hơn, để họ dễ dàng khám phá ra những giải pháp ấn tượng cho những vấn đề này.
Cuối cùng, tôi xin đưa ra ba lời kêu gọi để tất cả chúng ta cùng thay đổi quan điểm về những người hướng nội:
Lời kêu gọi thứ nhất: Hãy ngừng làm việc nhóm không ngừng nghỉ. Tôi muốn nói rõ thế này, dù tin tưởng sâu sắc rằng các văn phòng nên khuyến khích sự tương tác tự nhiên như ở quán cafe - bạn biết đấy, dạng như nơi người ta đến và trao đổi những suy nghĩ một cách tự nhiên. Điều đó thật tuyệt. Tuyệt cho những cho những con người hướng nội và tuyệt cho những người hướng ngoại.
Nhưng, chúng ta cũng cần nhiều sự riêng tư, độc lập hơn trong công việc. Trường học, cũng như thế. Chắc chắn là chúng ta cần dạy những đứa trẻ làm việc chung, nhưng chúng ta cũng cần dạy chúng làm sao để làm bài tập một mình. Điều này đặc biệt quan trọng với những đứa trẻ hướng ngoại. Chúng cần tự làm một mình bởi đó chính là nơi khởi nguồn của những suy nghĩ sâu sắc nhất.
Lời kêu gọi thứ hai: Hãy tìm đến nơi không người, có những triết lý riêng. Tôi không nói là chúng ta đều tách ra, xây một nơi trú ẩn cho riêng mình trong một khu rừng và không bao giờ nói chuyện với ai khác. Điều tôi muốn nói là chúng ta chúng ta nên dành nhiều thời gian ở một mình hơn.
Lời kêu gọi thứ ba: Hãy nhìn vào hành lý của bạn chứa thứ gì và tại sao bạn để nó ở đó. Với những người hướng ngoại, có lẽ hành lý của họ đầy sách hoặc đầy những chai rượu hay dụng cụ lặn. Dù có gì chăng nữa, tôi hy vọng bạn sẽ dùng những thứ đó mỗi khi có cơ hội và lôi cuốn chúng tôi với năng lượng và niềm vui của bạn.
Nhưng với những người hướng nội, hãy là chính bạn dù bạn có thể có một sự thôi thúc phải bảo vệ thật cẩn thận những thứ có trong hành lý của chính mình. Không sao cả. Nhưng thỉnh thoảng, chỉ thỉnh thoảng thôi tôi hy vọng bạn mở chiếc vali đó cho những người khác thấy, bởi thế giới cần bạn và cần những thứ bạn mang theo.
* Nội dung tham khảo từ TedTalk.vn
Theo Trí thức trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng