Bi kịch CEO startup edtech giá trị nhất thế giới: Bật khóc trong cuộc gọi huy động 1 tỷ USD
CEO Byju’s đang nỗ lực gọi vốn từ các nhà đầu tư Trung Đông để vượt qua khủng hoảng tiền mặt.
- Cơn khát vô độ của Google: "Đổ đi" hơn 21 tỷ lít nước trong năm 2022, một phần lý do là vì AI
- Bảng lương bị rò rỉ của nhân viên tại Google cho thấy kĩ sư phần mềm thực sự là "vua của mọi nghề"
- Bí mật đen tối về đế chế 30 tỷ USD tạo ra ChatGPT: Thuê đội quân lao động châu Phi lương 34.000 đồng/giờ, có người bị trầm cảm, gia đình tan nát vì quá độc hại
Cơn bĩ cực của Byju’s
Cuối tháng 4, các văn phòng của Byju's ở Bengaluru (Ấn Độ) đã bị đột kích bất ngờ và bị thu giữ một số laptop. Cơ quan chức năng còn ám chỉ startup công nghệ giáo dục (edtech) có giá trị nhất thế giới này liên quan đến một số vi phạm ngoại hối.
Cách đó một đại dương, Byju Raveendran - người sáng lập kiêm CEO của công ty, đi dạo quanh căn hộ của mình ở Dubai, nhâm nhi tách cà phê đen và trả lời cuộc gọi của các nhà đầu tư hàng đầu. Trong cuộc gọi nhằm mục đích huy động số vốn trị giá 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư Trung Đông, CEO 43 tuổi thậm chí đã bật khóc.
Ravenendran đã rơi vào trạng thái khủng hoảng trong nhiều tháng qua. Ngoài cuộc đột kích của cơ quan chống tội phạm tài chính của Ấn Độ, startup gia sư từng rất thành công của Ravenendran đã không nộp các tài khoản tài chính đúng hạn. Trong khi đó, một số nhà đầu tư Mỹ cáo buộc Byju's che giấu nửa tỷ USD, dẫn đến các vụ kiện tụng liên quan.
Ngày 25/7, Prosus NV - một trong những nhà đầu tư sớm nhất của Byju's cho biết họ đã rời hội đồng quản trị vì khả năng quản trị kém và coi thường lời khuyên của hội đồng.
Với vốn đầu tư mạo hiểm trong nước hạn chế, các công ty như Byju's đã phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Năm ngoái, nguồn tài trợ khởi nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề và đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm vào nửa đầu năm nay.
Sự vươn lên của Raveendran từ một gia sư thành người điều hành công ty trị giá 22 tỷ USD đã thu hút các nhà đầu tư toàn cầu, bao gồm Sequoia Capital, Blackstone và quỹ của Mark Zuckerberg. Trong đại dịch, Byju's đã chiếm phần lớn thị trường giáo dục công nghệ ở Ấn Độ.
Nhưng khi các lớp học mở cửa trở lại, nhu cầu đã giảm xuống. Đồng thời, những lo ngại về tình hình tài chính cũng ảnh hưởng đến danh tiếng của công ty.
Các nhà đầu tư đặt câu hỏi tại sao Raveendran trì hoãn việc thuê một giám đốc tài chính trong nhiều năm và mua lại hàng chục công ty trên khắp thế giới với tốc độ chóng mặt. Rất nhiều nhân viên đã rời đi hoặc bị sa thải, một số thành viên hội đồng quản trị đã từ chức. Một vấn đề khác, nhiều trung tâm giảng dạy của Byju's rơi vào cảnh gần như trống rỗng.
Các chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Byju's chủ yếu là do sự thiếu kinh nghiệm của nhà sáng lập và sự phát triển quá nhanh của công ty. Raveendran cũng bị chỉ trích vì đã hành động liều lĩnh bằng cách che giấu thông tin tài chính và không kiểm tra chặt chẽ các tài khoản.
Trong thế giới khởi nghiệp ở Ấn Độ, nhiều người coi Byju's là ví dụ điển hình nhất về điều sẽ xảy ra khi một doanh nghiệp mở rộng quy mô tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong thời kỳ bùng nổ nhưng lại không chuẩn bị cho kịch bản khủng hoảng hay thậm chí là phá sản.
Khởi đầu và bùng nổ
Raveendran lớn lên tại một ngôi làng ở bang ven biển Kerala và theo học tại một trường địa phương nơi cha mẹ ông dạy vật lý và toán. Khi đó, Raveendran là học sinh cá biệt khi thường xuyên trốn học để chơi bóng và thích tự học ở nhà hơn.
Lớn lên, sau một thời gian ngắn làm kỹ sư, Raveendran bắt đầu cung cấp dịch vụ gia sư cho sinh viên tại một trường cao đẳng ở Bengaluru. Số lượng học sinh tăng gấp đôi mỗi tuần và cuối cùng Raveendran đã chuyển các lớp học đến một sân vận động thể thao nơi bài học được chiếu trên màn hình khổng lồ cho hàng nghìn học sinh.
Phương pháp giảng dạy của Raveendran nhanh chóng trở nên nổi bật ở Ấn Độ, nơi khan hiếm những người dạy giỏi cũng như các phương pháp sư phạm hiện đại.
Theo thời gian, Raveendran càng nổi tiếng trong việc đào tạo cho học sinh tham gia các kỳ thi tuyển sinh cạnh tranh khốc liệt vào những trường kỹ thuật và y tế hàng đầu ở Ấn Độ.
Sau đó, Raveendran tuyển dụng những học trò giỏi nhất để cùng dạy học và mở 41 trung tâm gia sư. Năm 2011, ông đồng sáng lập Think and Learn Pvt - công ty mẹ của Byju's, cùng Divya Gokulnath, một kỹ sư công nghệ sinh học và sau này là vợ của ông.
Năm 2015, Raveendran số hóa doanh nghiệp, tung ra ứng dụng tự học các môn toán, khoa học và tiếng Anh cho học sinh tiểu học. Raveendran cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 với Bloomberg: “Tôi luôn thích tự học mọi thứ và muốn mọi người có phương tiện tốt để làm điều đó”.
Khi vốn đầu tư cho ngành công nghệ tăng mạnh vào cuối những năm 2010, các nhà đầu tư đã xếp hàng để rót vốn cho Byju’s. Cộng thêm sự gia tăng đột biến của việc sử dụng Internet ở Ấn Độ, Raveendran nhanh chóng mở rộng quy mô công ty.
Những nhà đầu tư ban đầu của Byju gồm Sequoia Capital với 58 triệu USD, Lightspeed Venture Partners và Chan Zuckerberg Initiative (quỹ của vợ chồng Mark Zuckerberg) sau đó cũng tham gia vào vòng gọi vốn trị giá 50 triệu USD.
Sở hữu lượng vốn dồi dào, Raveendran đã mua lại hàng chục công ty giáo dục ở Ấn Độ và nước ngoài. Hoạt động của Byju’s thực sự bùng nổ trong đại dịch. Ravenendran thậm chí đã lên kế hoạch IPO thông qua SPAC (công ty lập nên với mục đích duy nhất là huy động vốn thông qua một vụ IPO để thâu tóm một công ty khác). Một số nhà đầu tư còn đưa ra mức định giá lên tới 48 tỷ USD cho Byju’s.
Khủng hoảng chồng chất
Đến giữa năm 2022, các vấn đề bắt đầu phức tạp hơn. Sự bùng nổ của SPAC cùng nhu cầu gia sư trực tuyến giảm dần. Các nhân viên bắt đầu đặt câu hỏi về khả năng kinh doanh của Raveendran. Khi cuộc sống đã trở lại bình thường và ảnh hưởng đến ngành edtech, Raveendran vẫn tìm cách huy động thêm vốn thay vì tiết kiệm tiền mặt và đặt mục tiêu có lợi nhuận.
Chiến lược đó đã gặp trở ngại vào tháng 7 năm ngoái. Hai nhà đầu tư chính, Sumeru Ventures và Oxshott, đã không rót vốn 250 triệu USD — một phần của vòng gọi vốn 800 triệu USD đã được công bố trước đó, vì “lý do kinh tế vĩ mô”.
Theo các nhân viên của Byju’s, Raveendran đã không tham khảo ý kiến tư vấn của chuyên gia từ ngân hàng đầu tư trong các thương vụ này mà chỉ bàn bạc với Anita Kishore - giám đốc chiến lược của công ty.
Trong khi đó, Byju’s cũng rơi vào tầm ngắm của cơ quan chức năng Ấn Độ vì các vấn đề liên quan đến báo cáo tài chính năm 2021. Cơ quan điều tra vi phạm về rửa tiền và ngoại hối cũng đã gửi lệnh triệu tập tới các giám đốc cấp cao của công ty.
Chưa dừng lại ở đó, Byju’s đã bị một nhóm chủ nợ đệ đơn kiện lên tòa Mỹ vì khoản vay hơn 1,2 tỷ USD. Tháng 6/2022, công ty từ chối thanh toán khoản tiền lãi 40 triệu USD và đệ đơn kiện với cáo buộc một nhóm nhà đầu tư đang muốn lấy tiền của mình.
Đến đầu tháng 5/2023, đại diện của những người cho Byju’s vay số tiền 1,2 tỷ USD, thực hiện vào năm 2021 với thời hạn 5 năm, đã đệ đơn kiện lên tòa án ở Delaware (Mỹ) với cáo buộc Byju’s “che giấu” số tiền 500 triệu USD. Họ cho rằng công ty đang trong tình trạng vỡ nợ kỹ thuật đối với khoản vay 1,2 tỷ USD.
Từ đó, tình hình của Byju’s khiến các nhà đầu tư lo lắng. Đại diện của ba nhà đầu tư lớn của Byju’s là Peak XV, Prosus và Chan Zuckerberg Initiative, gần đây đã rời khỏi hội đồng quản trị công ty. Deloitte Haskins & Sells cũng đã dừng việc kiểm toán cho Byju’s do công ty trì hoãn báo cáo kết quả tài chính trong thời gian dài.
Về phần mình, Raveendran vẫn đang nỗ lực gọi vốn từ các nhà đầu tư Trung Đông để vượt qua khủng hoảng tiền mặt. Các nhà đầu tư đã giảm định giá của Byju’s xuống còn dưới 10 tỷ USD. Con số đó từng có thời điểm chỉ còn 5,1 tỷ USD. Mặt khác, bất chấp khó khăn mà công ty đang trải qua, một số người chỉ ra rằng họ vẫn có cơ hội vực dậy nhờ cơ sở 150 triệu người dùng của mình.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng