Bí mật động trời về Binance: 6 năm che giấu hành tung, 'bịt miệng' nhân viên, khẳng định mình không phải công ty Trung Quốc
Sự thật đằng sau sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới vừa được tờ Financial Times tiết lộ.
Binance đã che giấu mối liên hệ với Trung Quốc trong nhiều năm, theo Financial Times. Điều này mâu thuẫn hoàn toàn với những tuyên bố trước đó của các Giám đốc điều hành rằng sàn giao dịch tiền số này đã rời khỏi đại lục sau cuộc đàn áp chấn động toàn ngành hồi cuối năm 2017.
Theo đó, Giám đốc điều hành Changpeng Zhao và một số lãnh đạo cấp cao đã nhiều lần chỉ đạo nhân viên Binance che giấu hoạt động của công ty tại Trung Quốc, bao gồm một văn phòng được sử dụng cho đến ít nhất cuối năm 2019 và một ngân hàng Trung Quốc được dùng để trả lương nhân viên.
Hồi năm 2017, việc Trung Quốc bắt đầu siết chặt hoạt động liên quan đến thị trường tiền số khiến hơn 60 sàn giao dịch rơi vào tầm ngắm. Nhiều sàn có trụ sở tại Trung Quốc phải thông báo chuyển ra nước ngoài để tránh bị đóng cửa. Binance cũng khẳng định chấm dứt hoàn toàn hoạt động tại quốc gia này.
Tuy nhiên thực tế, Binance vẫn ngấm ngầm hoạt động tại đất nước tỷ dân sau tuyên bố trên. Điều tra cho thấy sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới này đã tìm cách che giấu phạm vi và địa điểm hoạt động khi bị cơ quan quản lý “nhòm ngó”. Zhao cho biết hầu hết nhân viên của Binance, ngoài “một số ít nhân viên dịch vụ khách hàng”, đã rời Trung Quốc sau năm 2017.
Mới đây nhất, Binance bị cáo buộc phục vụ bất hợp pháp các khách hàng Mỹ. Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) cũng cho rằng Binance “cố tình” không tiết lộ vị trí các văn phòng điều hành để trốn tránh quy định.
Cuối năm 2019, nhân viên Binance được nhắc nhở: “Binance có văn phòng ở Malta, Singapore và Uganda. Vui lòng không xác nhận thông tin về bất kỳ văn phòng nào khác, kể cả Trung Quốc”
Bình luận về thông tin trên, Binance cho biết đó hoàn toàn là những thông tin đã cũ: “Thật không may, các nguồn ẩn danh đang trích dẫn những thông tin và sự kiện có tính sai lệch nghiêm trọng. Đây không phải là bức tranh chính xác về hoạt động của Binance.”.
Trước công chúng, Zhao nhiều lần phủ nhận rằng Binance là một công ty Trung Quốc. Trong một bài đăng hồi năm ngoái, ông khẳng định chỉ có “một số lượng nhỏ các đại lý dịch vụ khách hàng” vẫn còn ở đại lục vào cuối năm 2018.
“Các thành viên sáng lập đã rời Trung Quốc chỉ 2 tháng sau khi công ty được thành lập và đối mặt với cuộc đàn áp ngành công nghiệp tiền số”, đại diện Binance cho biết.
Thông tin Binance vẫn tìm cách hoạt động tại Trung Quốc được công bố sau khi Binance.US (chi nhánh của Binance tại Mỹ) đối mặt với sự giám sát từ Mỹ về đề xuất mua tài sản trị giá 1 tỷ USD của công ty cho vay tiền số Voyager Digital.
“Mỹ đang ở trong một cuộc cạnh tranh địa chính trị quan trọng bậc nhất. Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) lo ngại về bất kỳ thỏa thuận nào có liên quan đến Trung Quốc”, Financial Times dẫn lời một cựu quan chức của CFIUS.
Ngày 27/3, CFTC gửi đơn kiện lên tòa án liên bang, cáo buộc Binance và một số lãnh đạo thường xuyên phá vỡ các quy tắc về giao dịch trong quá trình trở thành sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới. CFTC cũng tố Binance đã hướng dẫn khách hàng Mỹ dùng VPN để lách luật sử dụng các dịch vụ của sàn.
Từ trước đến nay, vấn đề pháp lý của Binance được rất nhiều chuyên gia để tâm. Họ liên tục cảnh báo người dùng, rằng sàn này vốn không được đăng ký hoặc không được phép cung cấp các dịch vụ khác nhau. Tuyên bố muốn IPO tại Mỹ của Binance hồi cuối năm 2021 theo đó buộc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) phải hành động. Họ yêu cầu một danh sách thông tin từ chi nhánh tại Mỹ của Binance, đồng thời kiểm tra xem Binance có thực sự tiếp tay cho nạn rửa tiền.
Quay trở lại hồi năm 2017 - thời điểm Binance phát hành đồng tiền số của riêng mình có tên BNB và huy động được 15 triệu USD. Người dùng đến từ khắp mọi nơi, bao gồm cả những quốc gia có hệ thống tài chính kém phát triển hơn như Nam Phi hay Ấn Độ.
Sự bành trướng quá nhanh khiến Binance lọt vào tầm ngắm của giới chức quản lý. Mùa hè năm 2017, chính phủ Trung Quốc manh nha ban hành lệnh cấm đối với các sàn giao dịch tiền số do lo ngại chúng sẽ được sử dụng để chuyển tiền bất hợp pháp ra khỏi đất nước. Vào năm 2018, cơ quan quản lý tài chính Nhật Bản cũng cảnh báo Binance không nên thực hiện các giao dịch cho người dân nếu không có giấy phép.
“Khi một thứ gì đó trong hệ thống tài chính đang phát triển nhanh và không được kiểm soát, các cơ quan quản lý cần phải cần đặc biệt chú ý”, Jon Cunliffe, quan chức thuộc Ngân hàng Trung ương Anh, nói.
Theo: FT, WSJ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng