Người dùng điện thoại di động thông minh (smartphone) có thể bị các ứng dụng, tin nhắn lợi dụng “móc túi” tài khoản một cách dễ dàng chỉ vì một phút bất cẩn, tò mò của khổ chủ.
Người dùng sẽ bị dụ cài đặt ứng dụng tự động nhắn tin mất tiền khi truy cập vào dj.kenh74.com bằng điện thoại - Ảnh: Gia Tiến
Hình thức “móc túi” người dùng phổ biến nhất hiện nay là tin nhắn SMS quảng cáo các nội dung hấp dẫn gửi đến dưới dạng wap push (hiển thị nội dung ngay trên màn hình điện thoại). Nội dung thường là giới thiệu những video, hình ảnh liên quan đến khiêu dâm, sex của những người nổi tiếng như ca sĩ, người mẫu, diễn viên... kèm theo địa chỉ web để xem.
Chiêu thức moi tiền
Nếu người dùng tò mò bấm vào đường liên kết, điện thoại sẽ tự động tải về ứng dụng nhắn tin tự động làm mất tiền trong tài khoản nhưng người dùng không hay biết. Một số trường hợp đường liên kết còn tải về ứng dụng cho phép kẻ xấu theo dõi người dùng từ xa, đồng thời đánh cắp các dữ liệu cá nhân lưu trên điện thoại. Anh N.T. (quận 11, TP.HCM) - một nạn nhân của trò lừa - kể điện thoại anh thường xuyên nhận tin nhắn với những lời quảng cáo rất hấp dẫn như: “Clip N.T. diễn bikini phê lòi mắt”, “clip cặp teen làm chuyện ấy”...
“Một lần tò mò tôi bấm vô thử nhưng chỉ thấy điện thoại truy cập đến một trang quảng cáo. Sau đó tài khoản điện thoại tôi liên tục bị trừ tiền dù tôi chủ động không liên lạc với ai, tôi cũng tắt luôn 3G. Để ý vài ngày tôi phát hiện điện thoại mình đều bị trừ mỗi lần 15.000 đồng” - anh N.T. cho biết.
Nguy hiểm hơn, hiện nay đang xuất hiện tình trạng ứng dụng cài trên điện thoại tự động gửi tin nhắn đến các đầu số dịch vụ giá trị gia tăng (mỗi tin nhắn mất 10.000 - 15.000 đồng) nhưng người dùng không hề hay biết. Chứng kiến khá nhiều khách hàng rơi vào hiện tượng trên, ông Nguyễn Xuân Thanh, trưởng ngành hàng nội dung số Viễn Thông A, cho biết ứng dụng tự động nhắn tin trừ tiền phổ biến nhất trên điện thoại chạy hệ điều hành Android: “Đó là các ứng dụng xuất phát từ chợ ứng dụng Appstore JSC như: Zing Mp3- BXH Mp3 (giả mạo), Phim Sex Người Lớn, Phim Người Lớn... Mặc dù chợ ứng dụng này đã bị loại bỏ khỏi CH Play (kho ứng dụng trực tuyến dành cho người dùng điện thoại chạy Android - pv) nhưng vẫn còn tồn tại trên các diễn đàn mạng dưới dạng tập tin .apk.
Hay như ứng dụng nhái Nhac Cua Tui khi người dùng cài vào máy sẽ tự động gửi ngay hai tin nhắn, mỗi tin tốn 15.000 đồng, sau đó mỗi tháng gửi tin nhắn tốn phí 15.000 đồng. Ngoài ra còn có nhiều ứng dụng nhái khác như Pikachu HD, Game Bắn Gà, Ai Là Triệu Phú... cũng gây tốn phí cho người dùng mà không thông báo”. Ngoài ứng dụng, ông Thanh còn cho biết: “Có một số trang web khi truy cập bằng trình duyệt điện thoại, sẽ tự tải về tập tin cài đặt như: dj.tuoigi.com, dj.kenh74.com, dj.lak.vn... Nếu chúng ta cài lên sẽ tự động trừ tiền không hề hay biết”.
Không dễ phát hiện
Phân tích chiêu thức moi tiền của các ứng dụng trên, ông Nguyễn Minh Đức, phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng Bkav, cho biết trong các ứng dụng như trên đều kèm theo một đoạn mã ẩn bên trong có chức năng gửi tin nhắn đến các đầu số có kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng, làm mất tiền người dùng. Theo ông Đức, nhiều cá nhân, công ty kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng tại Việt Nam đang lợi dụng tâm lý thích xài đồ miễn phí của người dùng Việt để tạo ra hàng loạt ứng dụng gắn mác “miễn phí”.
Các ứng dụng này thường nhằm đến các nội dung đang được nhiều người quan tâm như: nghe nhạc, trò chơi, phim truyện người lớn, tin giật gân... “Sau khi người dùng cài đặt, các đoạn mã chạy ẩn sẽ tự động nhắn tin đến đầu số dịch vụ giá trị gia tăng, mỗi tin nhắn thường mất 15.000 đồng. Một tin nhắn có thể không đáng là bao nhưng với số người bị lừa lên đến hàng nghìn, hàng chục nghìn thì khá lớn. Những kẻ lừa đảo có thể kiếm được kha khá nếu thực hiện trò lừa trót lọt. Cách thức tạo ra các đoạn mã ẩn trong phần mềm ứng dụng hoặc trò chơi không có gì khó, nhưng lại rất khó phát hiện đối với người dùng thông thường. Xuất hiện nhiều nhất là các phần mềm ứng dụng, trò chơi cho các điện thoại trên nền tảng Android và iOS”, ông Đức nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Thanh, người dùng không nên cài các ứng dụng ngoài kho ứng dụng chính hãng như CH Play (hệ điều hành Android) hay iStore (iOS) và không rõ nguồn gốc vì mang mối hiểm họa rất cao. Khi truy cập một trang web từ trình duyệt điện thoại, nếu thấy máy tự động tải về một tập tin nào đó thì phải xóa ngay vì chắc chắn tập tin đó mang nguy hiểm. Đặc biệt đối với các ứng dụng trên CH Play nên tránh những nội dung nhạy cảm kiểu như 18 vì cơ chế quản lý của CH Play chưa thật sự chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở cho kẻ xấu tấn công người dùng.
“Ngoài nguy cơ khách hàng mất tiền qua SMS, các thông tin giao dịch ngân hàng qua SMS Banking cũng sẽ có nguy cơ bị mất nếu máy chúng ta vô tình cài các phần mềm độc hại, dẫn đến khả năng mất tiền trong tài khoản ngân hàng rất cao. Nếu người dùng smartphone không tự tin về khả năng nhận biết các apps/games đen này thì nên cài phần mềm diệt virút cho smartphone để bảo vệ máy cũng như bảo vệ tài sản của mình”, ông Thanh khuyến cáo.
Phần mềm tống tiền!
Hãng bảo mật Kaspersky Lab đã lên tiếng cảnh báo về những ứng dụng di động có khả năng tống tiền người dùng (Ransomeware). Ransomware là một loại phần mềm được thiết kế để tống tiền nạn nhân bằng cách ngăn chặn truy cập vào thiết bị hoặc máy tính của họ cho đến khi người sử dụng buộc phải trả cước phí. Kaspersky đưa ra dẫn chứng bằng ứng dụng có tên Free Calls Update trên hệ điều hành Android. Đó là một ứng dụng miễn phí có thể được tải về từ cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba. Sau khi Free Calls Update được cài đặt vào thiết bị, nó sẽ quản lý thiết bị và thay đổi cài đặt thiết lập di động và WiFi.
Sau đó, nó sẽ giả vờ quét để tìm phần mềm độc hại và hiển thị một thông báo giả rằng thiết bị của họ bị nhiễm một loại virút. Tiếp theo, nó sẽ đề nghị các nạn nhân mua bản quyền của một điện thoại di động giả mạo phần mềm chống virút để loại bỏ virút. Thông báo sẽ tiếp tục hiển thị trên điện thoại trong khi tiếp tục chặn truy cập vào các ứng dụng còn lại của điện thoại và làm cho nó vô dụng, chỉ đến khi chịu bỏ tiền làm theo yêu cầu của nó.
Ransomware và thông báo chống virút giả mạo đã được sắp đặt chung trong phần mềm độc hại và tội phạm mạng đang sử dụng phương pháp này để đánh lừa cả về kỹ thuật và tâm lý trên thị trường thiết bị di động chưa hoàn thiện.
Theo Đức Thiện
Tuoitre.vn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Trung Quốc phát hiện AI đã vượt lằn ranh đỏ: Có thể tự nhân bản mà không cần con người, là dấu hiệu sớm của trí tuệ nhân tạo 'bất trị'
Nhóm nghiên cứu kết luận: “Kết quả này cho thấy các hệ thống AI hiện tại không chỉ có khả năng tự nhân bản mà còn sử dụng khả năng đó để tăng cường khả năng sống sót.”
Sony chính thức dừng sản xuất Blu-ray: Dấu chấm hết cho đĩa game và phim vật lý?