Bị Mỹ cấm vận, doanh thu sụt giảm, Huawei tận thu phí bằng sáng chế và tự tin: Không ai sống thiếu được 5G của Huawei
Do bị cấm vận ở Mỹ, doanh thu của Huawei sụt giảm trầm trọng. Công ty bắt đầu mạnh tay thu phí bằng sáng chế để bù đắp, doanh nghiệp vừa và nhỏ hay thậm chí "đồng hương" Xiaomi cũng được không bỏ qua.
Huawei có nhiều bằng sáng chế cỡ nào?
Huawei vốn là công ty đăng ký nhiều bằng sáng chế nhất thế giới suốt 5 năm liên tiếp kể từ năm 2017. Tính đến cuối năm ngoái, Huawei đã có hơn 120.000 bằng sáng chế được ủy quyền hợp lệ trên toàn thế giới, theo dữ liệu từ báo cáo tài chính năm 2022 của chính công ty.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế theo Hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT) của Huawei năm 2021 là 6.952, năm 2022 là 7.600, cao gần gấp đôi vị trí á quân của Samsung hay Qualcom.
Trong đó, giá trị nhất là các bằng sáng chế liên quan tới 5G. Hiện tại, chỉ riêng Huawei đã chiếm 15% số bằng sáng chế 5G toàn cầu, cao hơn nhiều so với Qualcomm, Nokia, Ericsson, Apple, Samsung và các công ty khác. Ngoài lĩnh vực 5G, Huawei còn có các bằng sáng chế khác liên quan tới kết nối WiFi, truyền dẫn quang học, trí thông minh quang học, lái xe tự động, công nghệ phần mềm, v.v.
Trong 5 năm qua, bằng sáng chế 4G và 5G của Huawei đã được sử dụng cho 2 tỉ chiếc smartphone trên toàn thế giới. Hiện tại, mỗi năm có khoảng 8 triệu chiếc ô tô thông minh sử dụng bằng sáng chế 4G, 5G của Huawei được đưa tới tay người tiêu dùng.
Đang 'hào phóng', vì sao Huawei đột nhiên quay sang thu phí bằng sáng chế?
Trước đây, Huawei hiếm khi thu phí bằng sáng chế đối với các công ty trong và ngoài nước. Việc đăng ký bằng sáng chế của Huawei lúc đó cũng chỉ là một hành động tự bảo vệ, tránh trường hợp phải tốn tiền trả phí nếu có một bên khác xin và đăng ký được bằng sáng chế.
Tuy nhiên, trong 2 năm qua, Huawei bắt đầu thu phí bằng sáng chế của các công ty trong nước và của nước ngoài, trước là Apple, Samsung và OPPO, gần đây là Nokia, Ericsson, Qualcomm, v.v. Huawei cũng kiện Xiaomi với cáo buộc vi phạm 4 bằng sáng chế của mình và yêu cầu 'người bạn đồng hương' phải trả phí.
Công ty cho biết: " Tuy không thể kiếm lời từ việc thu phí, nhưng phí cũng không thể quá thấp. Nếu không, sẽ chẳng còn ai có động lực đầu tư vào R&D, từ đó sự đổi mới của toàn xã hội sẽ bị kìm hãm ". Tóm lại, mục đích của việc thu phí bằng sáng chế, theo Huawei, là để "thúc đẩy sự đổi mới".
Tuy nhiên, không ít người nhận định rằng, do bị cấm vận ở Mỹ, lợi nhuận của Huawei sụt giảm trầm trọng, công ty buộc phải cứu vãn bằng cách quay sang khai thác nguồn lợi nhuận đang bị bỏ quên từ bằng sáng chế.
Huawei tự tin: "Không ai dám không trả phí"
Thường thì một công ty lớn như Huawei nếu thu phí bằng sáng chế thì cũng chỉ nhắm đến các doanh nghiệp lớn và "mắt nhắm mắt mở cho qua" với các công ty vừa và nhỏ. Bởi phí thu được từ các công ty này thường không lớn, việc đàm phán sẽ không hiệu quả về mặt chi phí.
Nhưng mới đây, Huawei đã quyết định mạnh tay thu phí bằng sáng chế với 30 công ty viễn thông vừa và nhỏ của Nhật Bản, trong đó có cả những công ty mới thành lập không lâu. Rõ ràng, Huawei đã "quay ngoắt 180 độ" và chuyển sang chiến lược thu phí không chừa một ai. Người ta đặt câu hỏi: Nếu đàm phán với 30 công ty Nhật Bản kia không thành và họ từ chối trả tiền thì sao? Khả năng này là tương đối thấp vì phí bằng sáng chế của Huawei được đánh giá là không cao so với thị trường. Nếu các công ty Nhật Bản không trả tiền thì danh tiếng của chính họ sẽ bị tổn hại một cách không cần thiết. Ngoài ra, các bằng sáng chế của Huawei có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực cùng một lúc như xe tự lái, hậu cần, tự động hóa, v.v. Nếu các công ty Nhật Bản kia muốn phát triển lâu dài thì sẽ không tiếc chút chi phí cho quyền sử dụng bằng sáng chế.
Vào năm 2022, tổng cộng 29 công ty trên thế giới, bao gồm cả các công ty Mỹ đã ký thỏa thuận song phương với Huawei và đồng ý trả tiền để sử dụng các bằng sáng chế của Huawei. Mặc dù các sản phẩm của Huawei về cơ bản không được bán ở Mỹ, nhưng nhiều công ty Mỹ gần như không thể sống thiếu bằng sáng chế công nghệ của Huawei, nhất là nếu muốn sử dụng WiFi 6 và một số công nghệ 4G, 5G khác.
Huawei kiếm được bao nhiêu từ phí bằng sáng chế?
Phí bằng sáng chế của Huawei không quá cao, thậm chí thấp hơn một chút so với mặt bằng chung của quốc tế. Có thông tin cho rằng, phí cho 30 công ty Nhật Bản nói trên là 2,5 NDT/thiết bị, hoặc 0,1% giá thiết bị.
Vào năm 2021, Huawei tính phí là 2,5 USD/thiết bị smartphone cho bằng sáng chế công nghệ 5G. Từ năm 2019 đến năm 2021, Huawei đã thu được tổng cộng 1,2 tỷ USD từ phí bằng sáng chế, theo dữ liệu của Reuters.
Tham khảo từ: Sohu, WIPO
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng