Bí quyết để bạn không bao giờ tức giận

    PV,  

    Cuộc sống không hoàn hảo. Con người không hoàn hảo. Bạn cũng không hoàn hảo. Nghĩ rằng mọi thứ phải diễn ra theo ý mình sẽ chỉ khiến bạn bực tức hay buồn phiền một cách không cần thiết mà thôi.

    Chúng ta đều có lúc cảm thấy bực bội. Đó là khi bạn phải chờ đợi giữa hàng dài xe cộ vào giờ cao điểm, khi sếp đưa ra những yêu cầu vô lý, hay khi cộng sự không biết hợp tác. Vậy đâu là chìa khóa giải quyết vấn đề này?

    Tiến sĩ tâm lý học Albert Ellis đã tìm ra phương pháp hữu hiệu REBT – Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý. Đây có lẽ là một trong những thuyết được kiểm nghiệm nhiều nhất ở lĩnh vực tâm lý trị liệu. Nhiều thí nghiệm sơ bộ và nghiên cứu tâm lý hiện đại đã chứng minh cho các giả thuyết của REBT.

    Theo Ellis, lý do khiến bạn chán nản không phải bản thân các sự kiện mà là niềm tin. Ông nảy ra ý tưởng này khi nghiên cứu triết học cổ đại – chủ nghĩa Stoic. Ellis viết trong cuốn sách: "How to stubbornly refuse to make yourself miserable about anything - Yes, anything" như sau:

    “Nếu biết mình đã làm bản thân phiền muộn bằng những cái “nên”, “phải”, những yêu cầu, mệnh lệnh vô lý, bạn luôn có thể dừng việc tự quấy rầy đó.

    Bạn mắc kẹt vì tắc đường và điều đó khiến bạn tức giận? Sai rồi. Tắc đường là việc thường xuyên xảy ra. Nhưng bạn nghĩ nó không nên xảy ra với mình. Điều khiến bạn cảm thấy khó chịu chính là chữ “không nên” đó.

    Ví dụ, tôi nói: “Cách chữa đau đầu này có thể không hiệu quả, nhưng cứ thử đi”. Vậy là bạn thử, và không thành công thật. Nhưng bạn sẽ không bực bội. Cũng tình huống như vậy, tôi nói: “Cách chữa này luôn hiệu quả”. Nếu nó thất bại, bạn sẽ thật sự tức giận. Điều tạo nên sự thay đổi chính là kỳ vọng của bạn”.

    Nhưng làm thế nào để thay đổi niềm tin của mình? Hãy thử phương pháp ABCD của tiến sĩ Ellis.

    Trước tiên là A – Adversity, nghĩa là đảo ngược quan điểm thông thường của bạn. B – Belief, là những niềm tin theo lý trí. Bạn hiếm khi thay đổi được A, nhưng có thể thay đổi B, từ đó sẽ thay đổi C – Consequences (Hậu quả). Hậu quả thường là sự tức giận, chán nản hoặc đau khổ. Cuối cùng là D - Dispute (Tranh luận). Hãy tranh cãi lại niềm tin của mình.

    Vấn đề nằm ở những quan điểm cho rằng việc này “phải” thế này, việc kia “nên” thế kia. Tất nhiên bạn được quyền ước, được quyền mong muốn và khao khát điều gì đó. Nhưng bạn không bắt buộc phải đạt được, bạn vẫn có thể hạnh phúc mà không cần những thứ ấy.

    Tiến sĩ Ellis chia sẻ trong cuốn sách của mình:

    Khi bạn khăng khăng phải làm hoặc sở hữu thứ gì đó, bạn thường nghĩ: “Mình rất muốn thành công, muốn được chấp nhận, nên dù thế nào cũng phải đạt được. Nếu không, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ và không thể chịu nổi. Mình quá thấp kém, vậy cũng không làm được. Thế giới thật kinh khủng vì đã không cho mình những gì mong muốn. Mình không thể vui nổi”.

    Cuộc sống không hoàn hảo. Con người không hoàn hảo. Bạn cũng không hoàn hảo. Nghĩ rằng mọi thứ phải diễn ra theo ý mình sẽ chỉ khiến bạn bực tức hay buồn phiền một cách không cần thiết mà thôi.

    Theo triết gia Epictetus, con người không phiền muộn bởi sự vật, mà bởi quan điểm của chính mình. Shakespeare thì viết trong tác phẩm “Hamlet” nổi tiếng: “Chẳng có gì tốt hay xấu, ý nghĩ mới khiến nó trở nên tốt hay xấu”. Phật giáo cũng cho rằng, chúng ta là những gì mình nghĩ.

    Bạn khó có thể thay đổi thế giới, nhưng bạn có thể dễ dàng thay đổi suy nghĩ của mình. Điều đó sẽ giúp bạn sống hạnh phúc.

    Theo Cafebiz / Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày