"Bí thuật" gì từ Netflix khiến chúng ta phải “cày phim" ngày đêm mà chẳng thế dứt ra được? Hóa ra là vô vàn những cạm bẫy
"Xem nốt tập này rồi đi ngủ" - lời nói dối kinh điển của một tín đồ Netflix.
Năm 2019 ghi nhận hơn 154 triệu lượt đăng ký tài khoản Netflix trên 190 quốc gia, cho thấy sức mạnh khủng khiếp của một nền tảng streaming phim so với truyền hình. Đóng góp lớn trong đó là những "mọt phim" ngày đêm say sưa với những series đình đám như You, Breaking Bad, Dark...
Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao mình không thể dứt ra khỏi Netflix, có khi xem cả đêm không thể rời mắt? Hóa ra lý do không chỉ nằm ở bạn, mà còn đến từ những chiến lược của Netflix để khiến chúng ta chẳng cách nào chống cự.
Chiến lược tài tình
Bạn bắt đầu đăng nhập Netflix, thông báo của bạn hiện lên mùa mới của một series phim. Tại sao phải là tối thứ sáu mát trời? Tại sao phải là phim đấy?
Đối với các series mới hoặc các mùa mới của series đã có mặt trên Netflix, tất cả các tập thường được ra mắt cùng lúc vào khoảng thời gian buổi chiều cho đến đêm thứ Sáu - rạng sáng thứ Bảy. Đó là một thời điểm hoàn hảo vì bạn vừa mới kết thúc một tuần làm việc. Bạn có thể về nhà, chuẩn bị đồ ăn vặt để cày phim ngay từ tối hôm đó, cũng có thể ngủ một giấc thật đã, phim đã có ngay khi thức dậy vào sáng thứ Bảy.
Nói cách khác, ngày nghỉ của bạn chính là cơ hội kiếm tiền hoàn hảo cho Netflix.
Tạp chí New York Times còn chỉ ra chiến lược tài tình của Netflix để chiếm ưu thế so với phim truyền hình. Đó là, các kênh truyền hình thường chỉ chiếu lại những show hài kịch dễ theo dõi, mà bạn không cần phải xem từ đầu đến cuối để hiểu - như Friends hay Seinfeld. Vậy nên những phim chính kịch - drama như Mad Men, How To Get Away With Murder, Prison Break... hiếm khi được chiếu lại.
Thấy được điều này, Netflix đã nhanh chóng kí hợp đồng phát sóng các phim kiểu vậy ngay sau khi nó kết thúc trên TV. Cách làm này có ích cho nhiều bên: nhà sản xuất thu nhiều lợi nhuận hơn nữa từ một bộ phim đã dừng chiếu, Netflix bổ sung thêm nội dung chất lượng, còn người dùng thì duy trì được việc xem liên tục để hiểu được toàn bộ câu chuyện trong thời gian ngắn.
Chính nhờ vậy mà độ phổ biến của Breaking Bad đã tăng gấp 10 lần kể từ khi được trình chiếu trên Netflix, nhận được lượt xem cực khủng.
Breaking bad - một trong những series phim huyền thoại tại Mỹ
Tuy nhiên, hợp đồng nào rồi cũng có hồi kết, bắt đầu từ năm 2013, Netflix đã sản xuất nội dung của riêng mình, thậm chí còn làm rất hay là đằng khác. Đến giờ, các series hack não, hoặc có cốt truyện li kỳ, lớp lang vẫn là vũ khí mạnh nhất của họ để giữ chân người xem không rời mắt khỏi màn hình.
Các series do Netflix sản xuất: (từ trái sang) Money Heist, Sex Education, House of Cards
Giao diện đầy "mời gọi"
Bạn đã xem tập 1 xong. Tập 1 rất cuốn hút. Bạn định làm gì tiếp?
Netflix "đi guốc trong bụng" những người xem phim thiếu kiên nhẫn với phần intro và credit lặp đi lặp lại trong các tập phim. Vậy nên, nút Skip Intro luôn xuất hiện để giúp việc xem phim được đẩy nhanh.
Bên cạnh đó, ngay khi tập phim kết thúc, bạn sẽ có sự lựa chọn giữa "Watch credit" và "Next Episode". Nhưng không để bạn kịp suy nghĩ lâu, chỉ trong vài giây, bạn sẽ được tự động chuyển sang tập tiếp theo. Trước khi kịp "thoát ra", Netflix đã kịp "rủ rê" bạn tiếp.
Một giao diện thường thấy của Netflix ở cuối tập phim với hai nút "Watch Credits" và "Next Episode"
Xong tập cuối rồi, bạn nghĩ rằng mình sẽ chỉ xem nốt phim này rồi thôi? Ồ không không! Netflix ngay lập tức gợi ý sẵn các phim theo các sub-category (thể loại nhỏ). Vậy nên sau khi hoàn thành một series, Netflix sẽ đem đến không chỉ những phim mà trong danh sách chờ, mà còn quan trọng nhất là những phim cùng thể loại.
Một số sub-category phổ biến có thể kể tên như: Dark comedy (hài kịch đen), Mind-bending (phim "hack" não), True crime (chuyển thể từ vụ án có thật), Quirky (kì lạ)... Cứ như vậy, họ khiến người xem mê đắm trong ma trận những bộ phim, chẳng thể thoát ra.
Giải thoát, hưng phấn và hưng phấn hơn nữa!
Vậy là bạn đã xong mùa 1 trong chưa đến một ngày. Động lực nào khiến bạn xem phim chăm hơn cả đáp ứng yêu cầu KPI của sếp?
Trong một khảo sát của Netflix và nhà nhân chủng học Grant McCracken, 76% người dùng thấy việc cày phim giúp họ tạm thoát khỏi công việc và cuộc sống bộn bề. McCracken giải thích: "Việc xem TV không còn là cách để quên đi một ngày của bạn. TV phát theo lịch trình của riêng nó, phát sóng trong thế giới của riêng nó. Nhưng, hòa mình vào các tập phim tự chọn trong một vài tuần mới là cách thoát ly hợp lý nhất trong thế giới của mỗi người."
Hiện tượng "binge-watching" - xem không rời mắt - chủ yếu diễn ra ở những phim drama với cốt truyện li kỳ và liên quan đến nhau, khiến người xem một khi bị cuốn vào mạch truyện sẽ chỉ muốn xem mãi cho đến khi biết được tình tiết cuối cùng. Đó là khát khao được chinh phục những bí mật, đi tìm những câu trả lời mà bản thân khán giả cũng vật lộn trong cuộc sống để tìm kiếm.
Và sau tất cả, lý do nằm ở Dopamine - "hormone hạnh phúc" . "Một tập phim hay khiến bạn vui, cơ thể sản sinh ra nhiều dopamine và thúc đẩy việc duy trì hoạt động này. Đây là tín hiệu rằng: Cái này rất tuyệt, cứ tiếp tục đi!" - bác sĩ tâm lý học Renee Carr cho biết.
Cơ thể không chống lại những cảm xúc tích cực và có xu hướng "nghiện" bất cứ hành vi nào có thể sản xuất được thật nhiều dopamine. Bạn thấy mình như một "con nghiện", bởi vì cơ thể hình thành nhu cầu tiết ra thêm dopamine liên tục. Tuy nhiên, theo thời gian, não bộ sẽ sản xuất ít dopamine hơn với một hành vi khác có mức độ "vui" tương tự. Vậy nên ta tiếp tục lao vào phim để có được nhiều niềm vui, nhiều dopamine như mong muốn, và thế là chuyện cày phim thực sự rất khó dứt ra.
Nhưng chẳng có niềm vui nào là mãi mãi, nhất là với cơ thể của bạn
Bạn vừa hoàn thành mùa cuối cùng, thành quả của bạn là đau lưng, mỏi mắt, da khô, và gì nữa?
Khi người xem buộc phải kết thúc việc cày phim lại (thường là khi đã hết series), họ có xu hướng nuối tiếc, khó chịu do lượng dopamine giảm đáng kể. Sự trống trải đó không hề có lợi cho chúng ta. Trong một nghiên cứu năm 2015 của trường ĐH Toledo, những người theo dõi phim liên tục, có mức độ căng thẳng, sợ hãi và trầm cảm cao hơn người xem bình thường.
Hơn thế nữa, trải nghiệm phim kiểu này chưa chắc đã vui hơn việc ngóng từng tuần để có tập mới. Năm 2017, trang First Monday chỉ ra rằng: Cày phim làm giảm khả năng ghi nhớ các chi tiết trong phim của người xem và tận hưởng phim so với những người xem thông thường.
Và cuối cùng, việc xem phim quá lâu cũng khiến bạn phải lưu ý nhiều hơn tới sức khỏe có chiều hướng đi xuống. Có thể liệt kê một vài tác hại như: thiếu ngủ gây ảnh hưởng tim mạch; làm mất tập trung khi ăn uống dẫn đến tăng cân nhanh; gây mỏi, khô mắt; ảnh hưởng xấu đến tư thế, dáng đứng; có nguy cơ ung thư nếu mải xem mà quên cả đi vệ sinh...
Nhìn chung, việc cày phim quả là có thể giúp bạn giải trí sau ngày dài mệt mỏi, nhưng đừng để nó "hành xác" bạn. Một bộ phim hay nên là động lực, chứ không phải gánh nặng của cơ thể bạn.
Còn hôm nay, bạn định xem tiếp phim gì?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng