Shark Phạm Thanh Hưng đã chính thức lên tiếng về những liên quan của cá nhân anh đến mô hình nghi là đa cấp biến tướng BBI Mall Việt Nam.
- Sự nghiệp của "bà trùm" YouTube: Là nhân viên thứ 16 của Google, từng cho cả công ty thuê trụ sở ở garage
- Microsoft vén màn thiết kế logo Windows mới cùng biểu tượng của 100 ứng dụng chính chủ khác
- Luxstay chính thức bắt tay với Rakuten LIFULL đưa 3.300 chỗ ở tại Việt Nam lên website của đối tác, bước đầu tìm đến khách hàng Nhật Bản "khó tính"
Thông tin Shark Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cengroup, có liên quan đến mô hình nghi là đa cấp biến tướng BBI Việt Nam đã làm nóng dư luận trong những ngày gần đây. Bất ngờ, ngày 13/12 vừa qua, cả BBI Việt Nam và phía Cengroup cùng ra thông cáo báo chí, tuyên bố Shark Hưng đã thoái vốn tại mô hình này dù trước đó gần 2 tháng, anh vẫn xuất hiện tại lễ sinh nhật của BBI Việt Nam.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi trực tiếp liên hệ với Shark Phạm Thanh Hưng để trao đổi về vấn đề này.
*Truyền thông đang đưa nghi vấn BBI Mall là mô hình đa cấp biến tướng, là người từng xuất hiện tại nhiều sự kiện của BBI Việt Nam quan điểm của anh là như thế nào?
Từ khi tiếp cận với mô hình kinh doanh này, tôi luôn được các bạn thành viên sáng lập giải thích cho tôi rằng, đây là mô hình kinh doanh thương mại điện tử theo hình thức tích điểm, điểm này, sau đó có thể được sử dụng để trao đổi hàng hóa dịch vụ trên chính nền tảng này.
Qua tìm hiểu, tôi cũng biết rằng mô hình thương mại điện tử theo hình thức kết nối cộng đồng cũng được triển khai và thành công ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.
*Vậy anh có thể giải thích cụ thể về mô hình hoạt động của BBI Việt Nam được không?
Rất đơn giản, đây là mô hình thương mại điện tử mà khách hàng nhận được khuyến mại bằng điểm thưởng cho các giao dịch của mình. Điểm thưởng tích được sau đó sẽ được sử dụng để trao đổi hàng hóa dịch vụ trên hệ thống. Mô hình thưởng bằng tích điểm đã được sử dụng khá phố biến ở Việt Nam, ví dụ như chương trình Bông sen vàng của Vietnam Airlines và các đối tác liên kết.
*Được biết anh đã ký kết hợp tác với BBI Việt Nam vào tháng 1 vừa qua, vậy nội dung cụ thể của sự hợp tác này là gì? Anh có rốt vốn vào công ty này không?
Nội dung ký kết thuần túy với tư cách là một nhà đầu tư thiên thần (đầu tư giai đoạn sớm), và không bao gồm bất kỳ điều kiện ràng buộc nào khác.
Mức đầu tư của tôi nhỏ và là cổ đông thiểu số - tức là cổ đông chiếm tỷ lệ nhỏ và không chi phối, hay kiểm soát hoạt động công ty.
*Anh có trực tiếp mở gian hàng trên BBI Mall không?
Tôi là nhà đầu tư chứ không kinh doanh gian hàng online.
*Anh từng chia sẻ BBI Việt Nam đã có giấy phép hoạt động sàn TMĐT với đầy đủ cơ sở pháp lý. Các sàn TMĐT sẽ mua bán sản phẩm hàng hóa, nhưng theo thông tin từ VTV24, sản phẩm trao đổi trên BBI Mall chỉ là "ảo", người dùng tự tạo đơn hàng mua bán ảo để đổ tiền vào hệ thống. Anh nói sao về vấn đề này?
Theo kế hoạch của ban điều hành, và tôi được người đại diện pháp luật báo cáo là đã được cấp phép. Còn vấn đề đơn hàng ảo, thì tôi được biết đây là một sai sót và tạo lỗ hổng, và đã được BBI khắc phục ngay từ trước khi VTV24 đưa tin. Tuy nhiên, do BBI Mall là một nền tảng thương mại điện tử đóng vai trò kết nối, nên giao dịch giữa nhà cung cấp và khách hàng là tự nguyện.
Nói cách khác, BBI Mall không phải là nhà phân phối hay đại lý bán hàng.
Hình ảnh Shark Hưng trong một sự kiện của BBI Việt Nam.
*Mức lãi suất được cho là lên tới hơn 180%/năm được BBI Việt Nam chi trả cho người trong hệ thống dựa trên nguồn thu nào? Anh nghĩ sao về mức lãi suất cao bất thường thế này?
Theo tôi hiểu, thì không có lãi suất nào cả, mà số tiền chiết khấu trên đơn hàng sẽ được BBI chuyển thành điểm thưởng cho khách mua, tỷ lệ chuyển đổi có thể thay đổi theo từng mặt hàng và từng thời điểm.
Theo mô hình mà tôi góp ý cho các bạn ấy từ đầu, số điểm thưởng này cũng sẽ chỉ được dùng để tiêu dùng hàng hóa dịch vụ trong chính hệ thống. Và theo tôi biết, hiện nay hệ thống đã không cho phép chuyển tích điểm thành tiền mặt.
*Sự việc lần này ảnh hưởng thế nào tới hình ảnh cá nhân của anh?
Hiện nay, rất nhiều các cá nhân, đơn vị kinh doanh sử dụng hình ảnh cá nhân của các nhân vật có tầm ảnh hưởng nói chung, và các Shark nói riêng một cách khá phổ biến trên mạng xã hội. Đối với việc đầu tư vào BBI và các startup nói chung là một hình thức đầu tư mạo hiểm, do đó, luôn hàm chứa nhiều rủi ro. Vì vậy, chúng tôi hay đùa rằng "hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ" để bước vào giấc mơ của startup như lời của Steve Jobs từng nói.
Việc đầu tư của tôi ở BBI là cá nhân, không liên quan gì tới các công ty hay tổ chức khác.
*Cho tới thời điểm hiện tại, mối quan hệ giữa anh và BBI Việt Nam là như thế nào?
Tôi đã thoái vốn tại BBI và không còn liên quan gì.
*Anh có điều gì muốn truyền thông thêm với độc giả không?
Tôi muốn nói rằng, công luận nên có cái nhìn khách quan, đa chiều và bình tĩnh về những vấn đề còn chưa được làm rõ, nhất là khi những mô hình kinh doanh mới còn đang trong quá trình xây dựng và thử nghiệm. Ngay như chính phủ cũng đã có đề án về kinh tế chia sẻ, trong đó cho phép thử nghiệm cơ chế Sandbox.
Các bạn trẻ khởi nghiệp cần lắm những sự hướng dẫn của cơ quan chức năng để đi đúng hướng. Vì cùng một mô hình kinh doanh, có thể được chấp nhận ở nước này, nhưng có thể không phù hợp ở nước khác.
Shark Phạm Thanh Hưng phát biểu tại sinh nhật BBI tròn 2 tuổi. Nguồn: YouTube
*Cảm ơn anh.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng