Bị ung thư và mất cả 2 chân, nhưng định mệnh nói người đàn ông 69 tuổi này phải chinh phục đỉnh Everest
Đó là câu chuyện thực về "Ông già và đỉnh núi".
Hạ Bố chưa bao giờ nghĩ đến chuyện leo lên đỉnh Everest, ngay cả khi ông còn là một thanh niên 25 tuổi. Đó là năm 1974, ông đang là một cầu thủ chơi bóng cho đội tuyển tỉnh Thanh Hải, một vùng kém phát triển trên cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc.
Chỉ vì muốn được kiểm tra sức khỏe miễn phí, Hạ Bố đăng ký một chương trình tuyển chọn nhà thám hiểm của Hiệp hội leo núi Trung Quốc. Nhưng chẳng may, ông lại trúng tuyển sau khi vượt qua một danh sách dài hàng trăm ứng viên.
"Tôi còn không biết trúng tuyển chương trình ấy thì phải làm gì nữa. Tôi chỉ nghĩ thôi thì cứ đi, rồi về lại được chơi bóng", Hạ Bố nhớ lại.
Thế nhưng mọi chuyện đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sau vài tháng tập luyện, Hạ Bố bị đẩy vào đoàn người chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới, đỉnh Everest cao 8.848 mét.
Nhiệm vụ được thực hiện vào tháng 1 năm 1975 nhưng thất bại. Tồi tệ hơn, Hạ Bố gặp tai nạn. Ông bị tê cóng nặng đến nỗi phải cắt bỏ cả hai chân sau khi xuống núi.
Nhưng dường như Thượng Đế đã sắp đặt một định mệnh cho Hạ Bố, người đàn ông ấy sinh ra thì phải chinh phục Everest. Chỉ là sứ mệnh ấy bị kéo dài thêm tới 43 năm mà thôi. Mặc dù không có đôi chân, cuối cùng thì Hạ Bố cũng chinh phục được nóc nhà của thế giới vào năm 2018, đánh bại một tỷ lệ cược thấp nhất của chuyến hành trình này.
Trong khi ở Hồng Kông để làm đại sứ cho hãng đồng hồ Thụy Sĩ Doxa, nhà tài trợ cho chuyến thám hiểm, Hạ Bố đã kể lại câu chuyện chinh phục Everest của mình, về những nỗ lực, những thất bại trước đó và nhiều sự hi sinh thầm lặng trên con đường đạt tới đỉnh cao.
Hạ Bố còn rất minh mẫn và trông trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 69 của mình, mặc dù ông có nhiều vết sẹo, vết đen, vết tím trên má và những ngón tay. "Những vết bỏng lạnh, chúng màu hồng, sau đó chuyển sang tím và cuối cùng đen lại", Hạ Bố giải thích, chìa đôi bàn tay sẫm màu ra cho mọi người xem.
Ông nhớ lại chuyến hành trình định mệnh năm 1975, khi đó, người thanh niên 25 tuổi chẳng hề biết lạnh ấy được mọi người mệnh danh là "Ngọn lửa của Chúa". Một đêm trên đường lên Everest, Hạ Bố nhường túi ngủ của mình cho đồng đội, chẳng hiểu sao mà túi ngủ của anh này biến đâu mất.
Cũng bởi vậy mà sáng sớm hôm sau tỉnh dậy, Hạ Bố thấy chân mình mất cảm giác. Ông được đưa xuống núi ngay lập tức, cũng vừa lúc nhiệm vụ của cả đoàn phải hoãn lại vì bão tuyết.
Vài tuần sau, chuyến hành trình được lên lịch trở lại. Cả đoàn đã chinh phục thành công đỉnh Everest, chỉ trừ Hạ Bố. Ông phải về Trung Quốc để cứu lấy đôi chân của mình. Hai tháng liền chiến đấu, các bác sĩ đã làm tất cả để hồi sinh lại đôi chân liệt cho Hạ Bố nhưng vô ích.
Cuối cùng, cả hai chân đều phải cắt bỏ, một lựa chọn không thể tàn khốc hơn đối với Hạ Bố, vài tháng trước ông còn là một cầu thủ bóng đá. "Tôi đã mất tất cả hy vọng. Tôi nghĩ rằng mình sẽ phải dành cả phần đời còn lại trên một chiếc xe lăn", ông nhớ lại.
Nhưng rốt cục Hạ Bố chỉ phải gắn bó với chiếc xe lăn vỏn vẹn 3 năm. Sau đó, nhờ Tổng cục Thể thao Trung Quốc, một chuyên gia nước ngoài đã đánh giá tình trạng khuyết tật cho Họ Bố và tư vấn lắp cho ông một cặp chân giả. Với nó, Hạ Bố đã có thể bước đi trở lại, và thậm chí leo núi.
Đôi chân giả đã mang lại sức sống cho ông, Hạ Bố gạt bỏ mọi ánh nhìn thương hại từ người khác và quyết định luyện tập để chinh phục Everest một lần nữa.
Với đôi chân giả của mình, Hạ Bố đã tham gia nhiều kỳ Paralympic trong những năm tiếp theo, ông thi đấu bóng rổ và bóng bàn. Hạ Bố tự ép mình là một chế độ tập luyện cường độ cao, ông thường thức dậy từ lúc 5 giờ sáng để tập luyện. Buổi tập kéo dài từ 5-6 tiếng, thường bao gồm việc đi bộ và chạy 90 phút trong khi đeo ba lô nặng 10kg.
Thỉnh thoảng Hạ Bố sẽ đạp xe 20km từ nhà của ông ở Bắc Kinh ra ngoại ô thành phố và tiếp tục luyện tập leo núi. Các bài tập thường xuyên khiến phần mỏm cụt còn lại ở 2 chân của ông bị thâm tím đến chảy máu.
Năm 1996, một tin xấu tiếp tục đến với Hạ Bố. Ông nhận chẩn đoán u lympho, một dạng ung thư hệ bạch huyết. Căn bệnh cuối cùng khiến ông phải tiếp tục cắt ngắn chân của mình lại, lên phía trên cao hơn 2 đầu gối.
Mãi cho đến năm 2014, Hạ Bố mới đủ điều kiện cả về sức khỏe, công nghệ lẫn tài chính để tổ chức được một đoàn thám hiểm Everest cho riêng mình – thách thức một thực tế rằng ông đã 65 tuổi.
Đó là gần 40 năm kể từ chuyến thám hiểm đầu tiên của Hạ Bố, ông có được cho mình một đôi chân hợp kim đủ "xịn" và cũng đủ chi phí trả cho cuộc thám hiểm, khoảng 64.000 USD (tương đương gần 1,5 tỷ VNĐ).
Thật đáng buồn, ngay khi cả đoàn đã chuẩn bị xong xuôi và đặt chân đến Trạm Everest Base, họ được thông báo rằng tất cả các cuộc thám hiểm sẽ đều bị hoãn lại vì một trận lở tuyết ở thác băng Khumbu vừa giết chết 16 người leo núi.
Kế hoạch chinh phục nóc nhà thế giới của Hạ Bố phải rời tới năm sau. Nhưng lại đúng dịp, nó tiếp tục bị hoãn lại vì một trận động đất 7,8 độ richter đột ngột tấn công Nepal vào giữa mùa leo núi.
Hạ Bố lại quay về, nhưng lần này ông được truyền thông săn đón. Câu chuyện về người đàn ông khuyết tật quyết tâm chinh phục đỉnh Everest xuất hiện trên nhiều kênh truyền hình. Hạ Bố đồng ý tham gia tất cả các chương trình để nâng cao nhận thức cho cộng đồng khuyết tật.
Khi Hạ Bố xuất hiện trong chương trình Impossible Challenge trên đài truyền hình Trung Quốc CCTV năm 2015, người dẫn chương trình Benny Sa đã so sánh ông với ông lão đánh cá Santiago trong tiểu thuyết hư cấu "Ông già và biển cả" của Ernest Hemingway, người đã chiến đấu kiên cường để bắt một con cá khổng lồ mặc dù đã kiệt sức.
"Những gì chúng ta đã thấy ngày hôm nay là một câu chuyện thực ông già và đỉnh núi", Benny Sa nói.
Vào năm 2016, đoàn leo núi của Hạ Bố đã thực hiện một nỗ lực khác để đạt đến đỉnh Everest. Họ đã leo gần tới đỉnh, chỉ còn cách khoảng 100 mét nữa, nhưng một cơn bão tuyết thổi qua khiến tầm nhìn giảm xuống dưới 1 mét. Tất cả lại phải xuống núi.
"Nếu chỉ đi một mình, tôi sẽ làm mọi thứ [để lên tới đỉnh], kể cả bỏ mạng ở đó", Hạ Bố nói khi nhắc lại quyết định khó khăn phải quay lại. "Tuy nhiên, tôi không thể mạo hiểm cuộc sống của những người khác chỉ để đạt được mục tiêu cho riêng mình".
Vào tháng 12 năm 2017, Hạ Bố lại không hề nao núng lên kế hoạch cho một cuộc chinh phục khác. Nhưng chính phủ Nepal đã tuyên bố cấm những nhà leo núi đi một mình và những người có khuyết tật nặng chinh phục Everest. Hạ Bố đã mất tinh thần, nhưng lệnh cấm không kéo dài, Tòa án Nepal đã thu hồi nó sau làn sóng phản đối kịch liệt từ các nhóm hỗ trợ người khuyết tật.
Lệnh cấm được dỡ bỏ cho phép Hạ Bố cuối cùng cũng chinh phục được Everest vào tháng 5 năm nay, ở tuổi 69. Ông được một nhà leo núi người Trung Quốc và hai người Sherpas dẫn đoàn nữa hỗ trợ, trưởng đoàn của họ là một người đã chinh phục Everest tới 8 lần có tên là Dawa Gyalje.
Một lần nữa, Hạ Bố đã phải đối mặt với nhiệt độ âm, không khí loãng với nồng độ oxy thấp, khả năng cao gặp bão tuyết và tuyết lở. Người đàn ông ấy dũng cảm đối mặt với tất cả hiểm nguy khi đang đứng trên đỉnh núi cao nhất thế giới bằng đôi chân giả.
Chi giả khiến việc leo núi gặp khó khăn, không chỉ về mặt di chuyển và vận động. Mặt tiếp xúc của nó thiếu độ bám và tính linh hoạt như bàn chân con người. Bởi vậy, Hạ Bố phải vất vả hơn người bình thường mới có thể leo trên đường tới Everest.
Ngoài ra, bởi Hạ Bố không còn có thể cảm nhận được mặt đất bên dưới, ông chỉ có thể đánh giá độ ổn định của nó bằng mắt. Hai lần trong khi băng qua những khe băng nứt, một chân của ông bị trượt xuống và kẹt lại. Sợ hãi, Hạ Bố không dám cử động.
Nếu chiếc chân giả bị lỏng và rơi ra, nó sẽ đánh dấu chấm hết cho nhiệm vụ một lần nữa. May mắn thay, Gyalje đã giúp ông trong cả hai lần bị kẹt bằng cách từ từ và cẩn thận kéo chiếc chân giả ra cho ông.
Vào ngày 14 tháng 5, Hạ Bố và cả nhóm của mình đã vươn tới được đỉnh của nóc nhà thế giới. Tuy nhiên, cái cảm giác ấy không như ông hằng tưởng tượng.
"Tôi từng nghĩ khi lên tới đỉnh, tôi sẽ hét lên cho cả thế giới nghe thấy. Tôi sẽ làm thật nhiều tư thế chụp ảnh. Nhưng khi thực sự tới được đó, tôi chỉ cảm thấy thâm tâm mình bình lặng lại", Hạ Bố nói.
Mọi người chỉ có được 20 phút ở trên đó, vì dự báo lại tiếp tục nói về một cơn bão tuyết sắp xảy ra.
Trên Weibo của mình, Hạ Bố thừa nhận rằng ông không thể hoàn thành sứ mệnh nếu không có sự giúp đỡ của Gyalje. Hạ Bố đã mời người dẫn đường của mình đến Trung Quốc vào tháng 8 vừa rồi và thiết đãi anh ấy ăn tối với món vịt Bắc Kinh.
Trong suốt thời gian 43 năm chờ đợi để hoàn thành sứ mệnh của mình, Hạ Bố cũng đã nhận được sự ủng hộ của vợ, Mã Ý và người con trai Hạ Đăng Bình. Cái tên Đăng Bình mà Hạ Bố và Mã Ý đặt cho con mình cũng thể hiện ước vọng của hai người, nó có nghĩa là "đi lên" và "bình an".
Trước ngày mà Hạ Bố rời Trung Quốc để đi Nepal vào tháng Năm, bà Mã đã tặng cho ông một chiếc vòng cổ bằng bạc, khắc các ký tự Trung Quốc với ý nghĩa là "trở lại an toàn". Đăng Bình nói rằng cha anh thường dằn vặt rất nhiều sau mỗi nỗ lực thất bại khi chinh phục Everest.
"Trước đây, cha tôi luôn cảm thấy tội lỗi mỗi khi trở về từ đỉnh Everest và thất bại, ông ấy nói rằng mình sẽ không bao giờ quay lại đó nữa, nhưng chỉ là để trấn an chúng tôi mà thôi. Tôi biết đó là mục tiêu duy nhất trong cuộc đời của ông", Đăng Bình nói.
Lần này trở về từ Everest thì khác, cuối cùng, Hạ Bố cũng đã hoàn thành mục tiêu trọn đời của ông. Nhưng ông nói rằng bây giờ mình lại có một nhiệm vụ quan trọng khác.
"Cả đời tôi đã sống cho giấc mơ của mình và không chăm sóc gia đình như tôi đáng ra phải làm", Hạ Bố nói. "Bây giờ, tôi sẽ làm mọi thứ vì gia đình tôi. Tôi sẽ lái xe đưa vợ mình đi du lịch".
Tham khảo Scmp, Time
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng