Blizzard kiện công ty Trung Quốc vì đạo nhái trắng trợn WarCraft
Vay mượn trái phép từ tạo hình nhân vật cho đến hiệu ứng âm thanh từ Warcraft, một tựa game di động của Trung Quốc đã bị Blizzard khởi kiện đòi bồi thường lên tới 150.000 đô la Mỹ.
Vào ngày 16/8 vừa qua, Blizzard Entertainment vừa đệ đơn kiện lên một tòa án tại bang California, cáo buộc tựa game có tên Glorious Saga đã "sao chép gần như toàn bộ từ trò chơi Warcraft và các sản phẩm liên quan". Đây là một tựa game di động miễn phí thuộc thể loại chiến thuật do Sina Games (Trung Quốc) phát hành trên toàn cầu, với mức doanh thu hàng tháng được đánh giá là cực lớn.
Trong đơn kiện được gửi lên tòa án, cha đẻ của World of WarCraft đã đề nghị tòa ra lệnh ngăn chặn hành vi "xâm phạm và gây thiệt hại nghiêm trọng và không thể khắc phục được đối với Blizzard và công việc kinh doanh của hãng", theo Polygon.
Bên cạnh đó, Blizzard đề nghị mức bồi thường 150.000 USD cho mỗi trường hợp vi phạm, cũng như bên bị cáo phải chịu các phí tổn cho luật sư và các chi phí phát sinh trong quá trình kiện cáo.
Theo cáo buộc của Blizzard, phần lớn những tựa game Sina Games do phát triển đều có yếu tố vay mượn dựa trên những thương hiệu hiệu nổi tiếng như Yu-Gi-Oh!, Naruto và đặc biệt là WarCraft. Hãng này cũng nhấn mạnh, tựa game Glorious Saga của Sina Games chỉ là là một trong nhiều trường hợp có dấu hiệu vi phạm sở hữu bản quyền của Blizzard. Các studio phát triển game tại Đại Lục thường cố gắng sao chép thiết kế hình ảnh nhân vật trong các tựa game của Blizzard như Warcraft hay World of WarCraft, vốn có mức độ nổi tiếng toàn cầu và được không ít game thủ Trung Quốc yêu thích.
Tạo hình nhân vật trong Glorious Saga và nhân vật Illidan Stormrage trong World of Warcraft
Trong trường hợp của Glorious Saga, tựa game này đã sử dụng trái phép tên các nhân vật trong Warcraft như Jaina Proudmoore, Gul’dan, và Malfurion. Không chỉ vậy, tạo hình các nhân vật trong Warcraft Illidan Stormrage, Grommash Hellscream, Malfurion, and Gul’dan cũng bị sử dụng trái phép.
"Mọi tạo hình quái vật, động vật, thú cưỡi trong trò chơi vi phạm đều được sao chép từ Warcraft", Blizzard chỉ đích danh trong đơn kiện. "Vũ khí, bùa hộ mệnh và các vật phẩm khác được vay mượn trắng trợn từ Warcraft. Tương tự, các hiệu ứng âm thanh và nhạc nền của Warcraft cũng bị sao chép nguyên xi". Luật sư của Blizzard cũng cáo buộc biểu tượng (icon) của Glorious Saga thậm chí có dấu hiệu đạo nhái thiết kế ảnh bìa bản mở rộng Battle of Azeroth của game World of Warcraft. Theo Blizzard, hành vi sao chép của Sina Games là "cố ý và có chủ đích".
Đây không phải là lần đầu tiên Blizzard tiến hành kiện một công ty khác do vi phạm bản quyền trí tuệ của mình. Hãng có một lịch sử "dài dằng dặc" các vụ kiện liên quan đến vấn đề bản quyền, như trường hợp tranh chấp với Valve (DOTA 2) hay vụ kiện một tựa game nhái Overwatch vào năm 2017.
Trên thực tế, với việc sở hữu nhiều thương hiệu game nổi tiếng như Overwatch, Warcraft, không ngạc nhiên khi Blizzard luôn được coi là đối tượng ưa thích (?!) để các nhà sản xuất game tại Trung Quốc…đạo nhái. Phần lớn các dòng game nổi tiếng của Blizzard như Warcraft, Overwatch luôn xuất hiện các phiên bản sao chép tại đất nước tỷ dân, với hình ảnh, thiết kế nhân vật cho đến lối chơi đều được "mượn tạm" một cách trắng trợn.
Về phần Sina Games – đây là một công ty con phụ trách riêng mảng phát triển và phát hành game, trực thuộc tập đoàn công nghệ và phần mềm Sina Corp. Tại Trung Quốc, Sina Corp là một trong những tập đoàn công nghệ có "máu mặt" khi sở hữu mạng xã hội Sina.
Tham khảo Polygon
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng