Bloomberg: Trung Quốc tự hào về số lượng bằng sáng chế nhiều nhất thế giới nhưng đa phần số đó là vô dụng
Dù Trung Quốc luôn tự hào về số lượng bằng sáng chế nội địa nhiều nhất thế giới, nhưng một loạt các số liệu cho thấy đại đa số bằng sáng chế này có chất lượng thấp đến mức không ai muốn duy trì nó.
Trong gần một thập kỷ nay, Trung Quốc đã kiêu hãnh về số lượng bằng sáng chế nội địa lớn nhất thế giới của mình. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng có chất lượng xứng đáng.
Bất chấp số lượng khổng lồ hồ sơ nộp lên, phần lớn các bằng sáng chế này đã bị hủy vào năm thứ năm của chúng, khi những người giữ bằng sáng chế gặp khó khăn vì phải trả khoản phí tăng cao. Hơn nữa, đối với các bằng sáng chế về kiểu dáng công nghiệp (design patent), hơn 9 trên 10 bằng sáng chế đó bị hết hiệu lực – một con số gần như đối nghịch với Mỹ.
Những bằng sáng chế vô giá trị
Tỷ lệ hao hụt cao này là một biểu hiện cho thấy dường như Trung Quốc đang thúc ép các trường đại học, các công ty và các nhà sáng chế sân sau đăng ký nhiều bằng sáng chế, bất chấp chất lượng của chúng – như một cách để chuyển đổi quốc gia này thành một cường quốc tự cung tự cấp.
Các khoản trợ cấp và các biện pháp khuyến khích khác được đưa ra để thúc đẩy việc nộp đơn cấp bằng sáng chế, thay vì dùng để đảm bảo chúng sẽ trở nên hữu ích. Vì vậy, trong khi số lượng bằng sáng chế không phản ánh chất lượng của chúng, quốc gia này vẫn phải phụ thuộc vào các sáng kiến đổi mới của nước ngoài, ví dụ trong lĩnh vực smartphone.
"Nó có nghĩa là các bằng sáng chế này thật sự không có giá trị như mọi người nghĩ." Lu Junfeng, luật sư về bằng sáng chế tại văn phòng luật JZMC Patent and Trademark ở Thượng Hải cho biết. "Nếu tỷ lệ duy trì đối với bằng thiết kế công nghiệp quá thấp như vậy, vậy phải đặt câu hỏi rằng liệu có phải đang có một vấn đề có tính hệ thống còn lớn hơn nữa hay không?"
Đến 90% bằng sáng chế bị hủy bỏ sau 5 năm.
Tám năm trước, Trung Quốc đã vượt qua nhật Bản để trở thành quốc gia có số bằng sáng chế trong nước lớn nhất thế giới, và vẫn giữ ngôi vị đó cho đến nay – riêng năm ngoái đã có 1,8 triệu bằng sáng chế được cấp phép. Chương trình Made in China 2025 của chủ tịch Tập Cận Bình nhắm đến việc biến Trung Quốc trở thành người dẫn đầu toàn cầu về công nghệ, và việc tích trữ một lượng bằng sáng chế khổng lồ đã trở thành nhân tố trung tâm cho mục tiêu đó.
Ba loại bằng sáng chế ở Trung Quốc
Để có được bức tranh rõ ràng hơn về lịch sử bằng sáng chế của quốc gia này, điều quan trọng cần hiểu là không phải mọi bằng sáng chế đều như nhau. Ở Trung Quốc, có ba mức độ khác nhau: bằng sáng chế (invention patent), bằng chứng nhận mẫu hữu ích (utility model patent) và bằng thiết kế (design patent).
Bằng sáng chế, cũng giống như tên gọi của mình, dành cho các ý tưởng mới đại diện cho sự "tiến bộ đáng chú ý" về công nghệ. Loại đơn này đại diện cho những gì mọi người thường hiểu về bằng sáng chế, một đột phá về thiết kế, quá trình sản xuất hoặc ý tưởng. Loại đơn này chỉ chiếm 23% số bằng sáng chế được cấp phép ở Trung Quốc vào năm ngoái.
Cũng như ở Mỹ, chúng phải đối mặt với với thách thức trong quá trình cấp phép, thường kéo dài đến 18 tháng và phải tiết lộ chúng để thử nghiệm và kiểm tra. Các ý tưởng thành công sẽ được bảo hộ đến 20 năm.
Bằng sáng chế chỉ chiếm 23% số đơn cấp bằng ở Trung Quốc năm 2017.
Hai loại đơn còn lại đều có thời gian bảo hộ 10 năm, chính là loại bằng sáng chế thường được các tít báo nhắc đến với số lượng khổng lồ, nhưng chúng có rất ít giá trị. Ví dụ, bằng thiết kế công nghiệp có thể là kiểu dáng của một chai soda, trong khi mẫu hữu ích có thể là những thứ giống như cách trượt để mở khóa màn hình smartphone. Những loại hồ sơ này không được kiểm tra chặt chẽ và có thể được cấp phép chỉ trong vòng chưa đến một năm.
Theo dữ liệu mà Bloomberg lấy được từ hãng luật JZMC Patent and Trademark, vào năm ngoái, hơn 91% bằng thiết kế công nghiệp được cấp vào năm 2013 đã bị hủy bỏ, bởi vì người sở hữu ngừng trả tiền để duy trì nó.
Tình hình cũng không sáng sủa hơn với các mẫu hữu ích, khi có đến 61% trong số chúng bị vô hiệu trong cùng thời kỳ 5 năm, trong khi các bằng sáng chế cũng có tỷ lệ hao hụt khoảng 37%. So sánh với Mỹ, theo dữ liệu từ Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ, 85,6% các bằng sáng chế của Mỹ được cấp phép vào năm 2013 đã được trả phí duy trì.
Ông Lu từ JZMC cho biết. "Thực tế về tỷ lệ hao hụt cao của bằng thiết kế công nghiệp thật kỳ lạ. Có lẽ mọi người ít muốn duy trì chúng."
61% bằng chứng nhận mẫu hữu ích bị hủy bỏ sau 5 năm.
Lộ diện các gian lận trong ngành công nghiệp sở hữu trí tuệ
Trong khi chính phủ Trung Quốc cung cấp một số khuyến khích đối với các đơn xin cấp mới, nhưng chúng lại không dành cho bằng sáng chế đã được cấp phép, và người nắm giữ chúng phải trả khoản phí ngày càng tăng để duy trì chúng.
Để sở hữu một bằng sáng chế, khoản phí sẽ là 900 NDT (khoảng 131 USD) một năm, mức phí này đã tăng lên đến 8.000 NDT (khoảng 1.163 USD) trong những năm sau đó. Đối với các loại bằng khác, mức phí sẽ tăng từ 600 NDT (khoảng 87 USD) lên 2.000 NDT (khoảng 290 USD) mỗi năm trong hai năm qua.
Quá trình cấp phép lỏng lẻo cho những loại bằng ít có tính sáng tạo đã dẫn tới một "trận lụt" về đơn nộp lên, khi mọi người có thể sao chép theo đúng nghĩa đen bằng sáng chế ở Mỹ và sau đó xin cấp phép ở Trung Quốc. Theo Wang Xiang, người đứng đầu hãng luật Orrick về bản quyền tại Trung Quốc cho biết, mục đích của việc này là để nhằm đánh cược vào tiền thỏa thuận mua lại bản quyền khi các công ty Mỹ đăng ký sau ở Trung Quốc.
Số lượng bằng sáng chế được cấp tăng vọt từ 2010 đến 2016.
Một số công ty cũng bị phát giác có hành vi gian lận, khi dùng cách nộp đơn cấp bằng sáng chế để nhận được ưu đãi về thuế và cư trú cho nhân viên. Từ năm 2008, theo chính sách quốc gia của Trung Quốc về khuyến khích sáng tạo, các công ty được chứng nhận là "những hãng công nghệ cao" sẽ được cắt giảm thuế đáng kể và có khoản trợ cấp hàng năm đến 500.000 NDT (khoảng 72.700 USD) ở các tỉnh như Hải Nam.
"Dường như rất thiếu động lực để giám sát chặt chẽ các công ty này." Ông Wang cho biết. "Thật không may là với hệ thống pháp luật hiện tại, không có cản trở hiệu quả nào để chống lại việc nộp đơn gian lận hay các chứng cứ xuyên tạc."
Các nhà quản lý ở Trung Quốc chỉ mới bắt đầu nhận thấy một số yếu tố đáng ngờ của hành vi này. Bộ Khoa học và Công nghệ đã hủy bỏ giấy chứng nhận công nghệ cao của ít nhất 14 công ty trong năm nay, mà không chỉ ra các lý do cụ thể.
Trong một động thái bất thường khác, vào tháng Tám vừa qua, Tân Hoa xã Trung Quốc đã làm rung chuyển ngành công nghiệp bản quyền Trung Quốc vì tiết lộ hiện trạng ăn trộm, giả mạo và chất lượng dưới chuẩn của các hồ sơ này. Họ cho rằng, lĩnh vực này đang bị bao vây bởi "các bằng sở hữu trí tuệ yếu kém, các nhu cầu giả mạo và một số công ty nhiệt tình với sự sáng tạo giả mạo."
"Sự sáng tạo giả mạo sẽ chiếm dụng các khoản trợ cấp, gây hại cho những nhà sáng chế thực sự, những người đang làm việc chăm chỉ, và cũng làm xáo trộn sự khách quan đối với các nhà làm chính sách." Trang tin cho biết.
Sự hỗ trợ của Trung Quốc nhấn mạnh vào bằng sáng chế trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. Theo dữ liệu từ hãng tư vấn sở hữu trí tuệ ở London, Aistemos, số bằng sáng chế mà các công ty Trung Quốc nộp lên liên quan đến những công nghệ này nhiều gấp 8 lần các đối thủ đến từ Mỹ.
Dữ liệu của Aistemos cho thấy, Tencent Holdings Ltd, có số bằng sáng chế nhiều gấp 3 lần Facebook và gấp đôi Amazon.com. Đây cũng là công ty nắm giữ số bằng nhiều nhất trong bộ ba hàng đầu Trung Quốc. Alibaba Group Holding Ltd cũng có số bằng vượt trội so với các công ty Mỹ.
Tuy nhiên, tỷ lệ hao hụt cao cho thấy Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước để trở thành một cường quốc công nghệ cao như họ mong muốn. Ông Wang từ Orrick cho biết. "Trong khi chất lượng bằng sáng chế Trung Quốc vẫn đang được cải thiện sau mỗi năm, chúng vẫn còn kém xa so với các đối thủ từ Mỹ."
Tham khảo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng