Blue Origin của ông trùm Jeff Bezos sẽ "khai phá" Mặt trăng trong vòng 5 năm tới

    Hoàng Lan, VnReview 

    A.C. Charania, giám đốc phát triển kinh doanh của Blue Origin, cho biết công ty hàng không vũ trụ tư nhân đang có kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ "hạ cánh trên mặt trăng trước năm 2023", mà mục đích cuối cùng là "cho phép con người trở lại mặt trăng". Đúng thế, nhiệm vụ rất rõ ràng: đưa con người trở lại Mặt trăng.

    photo-1

    Theo trang Futurism, đó là một khung thời gian sớm và cụ thể nhất cho đến thời điểm này. Năm ngoái, tờ Washington Post đã đưa tin dự án Blue Moon của công ty - bao gồm các kế hoạch khai phá Mặt trăng, cũng như dịch vụ giao hàng lên Mặt trăng - được dự kiến ​​vào giữa những năm 2020.

    Tin tức về Blue Origin được đưa ra trong hội nghị NewSpace do Space Frontier Foundation tổ chức tại Renton, Washington vào cuối tháng 6.

    Lần đầu tiên Blue Origin tiết lộ tham vọng "thuộc địa hóa mặt Trăng" là vào tháng 3/2017. "Đã đến lúc người Mỹ quay trở lại Mặt trăng - lần này là để sinh sống trên đó", Bezos nói với tờ The Washington Post. "Một khu định cư trên mặt trăng vĩnh viễn là mục tiêu khó khăn nhưng xứng đáng. Tôi cảm thấy rất nhiều người vui mừng về điều này".

    Vào thời điểm đó, Blue Origin đã tìm đến NASA và chính phủ Mỹ để được hỗ trợ. Kể từ đó, Blue Origin trở thành một trong 10 công ty được lựa chọn để chia sẻ quỹ tài trợ 10 triệu USD của NASA cho việc nghiên cứu mặt trăng. Điều đó dường như đã giúp công ty xác định được khung thời gian khi nào Blue Moon có thể hoàn thành.

    "Blue Moon đã nằm trên lộ trình của chúng tôi, và vì quy mô của chúng tôi, vì những gì chúng ta nhìn thấy từ chính phủ, chúng tôi đẩy nó nhanh hơn một chút về mặt thời gian", Charania cho biết trong hội nghị NewSpace. "Chúng tôi rất vui mừng khi triển khai giải pháp thương mại dài hạn này với quan hệ đối tác cùng NASA".

    Blue Origin không phải là công ty hàng không vũ trụ duy nhất đang muốn quay trở lại Mặt trăng. SpaceX của Elon Musk đã không ít lần đề cập đến kế hoạch khai phá Mặt trăng (thậm chí là cả sao Hỏa), còn NASA, Cơ quan Vũ trụ có người lái của Trung Quốc, và cơ quan không gian Roscosmos của Nga đều chọn Mặt trăng làm đích đến tiếp theo của mình.

    Với rất nhiều tổ chức và rất nhiều nỗ lực như thế này, có vẻ vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi con người có thể thực hiện "một bước chân nhỏ của con người, một bước nhảy lớn của nhân loại" thêm một lần nữa.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày