Bộ ba MSI GTX 970 4 GB Tiger & Gaming Dragon: Rồng cuộn hổ phục

    Nội Tâm,  

    Nếu so sánh về giá cả đồng thời kết hợp thêm yếu tố thương hiệu, thiết kế và linh kiện, cả MSI Tiger lẫn Gaming đều nằm trong nhóm đáng mua của GTX 970.

    Nhắc đến thương hiệu MSI, người ta nghĩ ngay đến thiết kế VGA đẹp mắt của hãng cùng chế độ bảo hành cực tốt. Trong cơn sốt GTX 970 gần đây, MSI đương nhiên không đứng ngoài cuộc chơi. Thậm chí hãng còn tung ra cùng lúc 2 mẫu GTX 970 là Tiger và Gaming. Trong bài viết này, tôi xin gửi đến độc giả đánh giá chi tiết 2 card đồ họa rất đáng chú ý này. Ngoài ra còn có sự xuất hiện của phiên bản Golden Edition khá độc đáo, tiếc rằng chỉ có hàng sample chứ không có bán tại Việt Nam.

    MSI GTX 970 Tiger hiện có giá 8.860.000 VNĐ.

    MSI GTX 970 Gaming hiện có giá 9.460.000 VNĐ.

    Khi mua 2 sản phẩm này, game thủ còn được tặng bàn di chuột MSI rồng, chất liệu cao su tự nhiên dày 5 mm, bề mặt speed.

    MSI GTX 970 Gaming

    Sản phẩm đầu tiên trong bài viết được đưa hình ảnh là GTX 970 Gaming. Vì sao? Vì Gaming là dòng VGA và mainboard của MSI mà tôi rất thích. Các card đồ họa và bo mạch chủ Gaming đều có thiết kế đẹp, hiệu năng tốt cùng giá thành hợp lý.

    Phụ kiện của GTX 970 Gaming gồm sách hướng dẫn, đĩa cài driver và đầu chuyển DVI-Dsub.

    Vẫn là tông đỏ - đen đặc trưng của dòng Gaming nhưng tản nhiệt mang phong cách thiết kế hoàn toàn mới so với tản Twin Frozr trên các thế hệ trước.

    Nước mạch màu đen, gọn gàng sạch sẽ không hề có vết keo hay vết tẩy rửa nào. Tuy nhiên MSI không trang bị cho sản phẩm back-plate đỡ board mạch như nhiều chiếc GTX 970 của các hãng khác.

    Thiết kế của dòng Gaming lấy cảm hứng từ rồng.

    Khi đặt trong các thùng mày có hông mica, thiết kế mặt cạnh trên rất quan trọng vì đây là phần chĩa ra ngoài để game thủ “khoe hàng”. Về điểm này thì MSI làm rất tốt. Họ còn đặt cả logo MSI rồng vào nữa.

    Không hiểu sao đường nét trang trí trên tản nhiệt tuy đơn giản nhưng lại khiến tôi liên tưởng tới vuốt rồng.

    Tôi đếm thấy có 5 heatpipe để dẫn nhiệt cho GPU. Tất cả đều được mạ niken chống oxy hóa, hứa hẹn nhiệt độ mát mẻ.

    Để ý kỹ một chút, ta có thể thấy sự thay đổi lớn ở quạt tản nhiệt. GTX 970 Gaming sử dụng quạt tản nhiệt 14 cánh, sử dụng 2 loại cánh quạt đan xen nhau. 7 cánh quạt thường đẩy không khí xuống heatsink để làm mát cho GPU, trong khi đó 7 cánh quạt Blade đẩy không khí sang 2 bên cho các lá tản nhiệt.

    Card yêu cầu 1 đầu cấp nguồn 6 pin và 1 đầu cấp nguồn 8 pin.

    Tản nhiệt và thiết kế được chăm chút như vậy, còn linh kiện bên trong thì sao? MSI thiết kế một miếng plate kim loại rất lớn chiếm một nửa board mạch để dẫn nhiệt cho linh kiện bên dưới. Toàn bộ mosfet và chip nhớ đều có heatsink dẫn nhiệt.

    GTX 970 Gaming dùng mạch custom hoàn toàn với 6 phase GPU và 2 phase memory. Mỗi phase có thể cung cấp dòng bão hòa 60A, tương đương công suất 60W (Vcore 1v).

    Bộ nhớ GDDR5 của Samsung, mã K4G41325FC chạy ở xung nhịp 1753 MHz.

    Linh kiện board mạch phải nói là rất tốt, tuy nhiên điểm nổi bật nhất ở GTX 970 Gaming vẫn là tản nhiệt gia công tỉ mỉ, bóng loáng. Sản phẩm được MSI trang bị công nghệ Zero fan, quạt tản nhiệt chỉ quay khi cần thiết. Vì thế họ phải thiết kế ra một tản nhiệt đủ tải GPU cao cấp.

    Ngoài 5 heatpipe, mật độ lá tản nhiệt rất dày. Từng đường nét, chi tiết đều gia công kỹ lưỡng tỉ mỉ.

    MSI GTX 970 Golden Edition

    GTX 970 Golden Edition là một phiên bản đặc biệt của GTX 970 Gaming, được MSI làm ra với số lượng giới hạn.

    Thiết kế của GTX 970 Golden hầu như giống bản Gaming hoàn toàn, chỉ khác màu đỏ được thay bằng màu vàng cam. Đây là tông màu rực nhưng lại cho cảm giác rất dễ chịu. Gần đây nhiều hãng linh kiện tỏ ra chuộng màu cam cho các sản phẩm cao cấp của mình.

    Điểm khác biệt nữa là GTX 970 Golden có thêm miếng back-plate đỡ board mạch, có in logo rồng.

    So sánh thiết kế của GTX 970 Golden với GTX 465 Golden:

    Ngoài 2 điểm khác biệt trên, GTX 970 Golden giống GTX 970 Gaming đến từng đường nét.

    Card được trang bị 4 cổng xuất hình gồm 2 cổng DVI, 1 cổng HDMI và 1 cổng DisplayPort, có khả năng xuất 4 màn hình cùng lúc.

     

    Board mạch y như GTX 970 Gaming với 6 phase GPU và 2 phase memory. Chỉ có thay đổi ở chip nhớ SKhynix mã H5GQ4H24MFR.

    Tản nhiệt được thiết kế giống GTX 970 Gaming nhưng toàn bộ bằng đồng, ngay cả các lá tản nhiệt.

    MSI GTX 970 Tiger

    Cuối cùng trong bộ ba MSI là GTX 970 Tiger - phiên bản có giá tốt hơn, được định vị thấp hơn GTX 970 Gaming.

    GTX 970 Tiger mang thiết kế “mainstream” hơn so với phiên bản Gaming.

    Tuy thế ở mặt sau của board, linh kiện vẫn tương đối dày, dường như không khác bản Gaming.

    Thế nhưng tản nhiệt thì lại có sự thay đổi rõ rệt khi GTX 970 Tiger chỉ có 2 heatpipe và không được mạ niken.

    Thêm vào đó, phiên bản Tiger này chỉ yêu cầu 2 nguồn phụ 6 pin.

    Các cổng xuất hình vẫn giống như GTX 970 Gaming: 2 cổng DVI, 1 cổng HDMI và 1 cổng DisplayPort.

    Nếu như tản nhiệt có sự cắt giảm rõ rệt thì board mạch của GTX 970 Tiger lại khiến tôi ngạc nhiên: linh kiện chất lượng giống hệt như GTX 970 Gaming và Golden Edition. Vẫn 6 phase điện GPU và 2 phase memory, chip nhớ SKhynix.

    Về phần tản nhiệt: dường như số lượng lá tản nhiệt ít hơn GTX 970 Gaming, đồng thời kích thước các lá cũng nhỏ hơn.

    Ép xung các card đồ họa

    Khác với thường lệ, trong bài viết này tôi sẽ thực hiện phần ép xung trước và test hiệu năng ép xung với tất cả các game. Sử dụng chung board mạch, không có gì bất ngờ khi cả 3 card đồ họa đều đạt được xung nhịp ngang nhau là 1300/1950 MHz. Tuy nhiên nhiệt độ hoạt động cả trước và sau ép xung lại có khác biệt rất lớn, tôi sẽ đề cập tới ở cuối bài viết.

    Cấu hình thử nghiệm

    Bo mạch chủ: ASRock Z77 Extreme4

    Bộ xử lý: Intel Core i5-3570K @4.5 GHz

    Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Kingston HyperX T1 1866

    Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB

    Nguồn: 660W

    Card đồ họa:

    - MSI GTX 970 Tiger - 1102/1753 MHz (xung gốc của Nvidia 1050/1750 MHz)
    - MSI GTX 970 Gaming - 1140/1753 MHz (xung gốc của Nvidia 1050/1750 MHz)
    - MSI GTX 970 Golden Edition - 1140/1753 MHz (xung gốc của Nvidia 1050/1750 MHz)
    - Nvidia GTX 980 reference - xung gốc Nvidia 1127/1753 MHz

    Phần mềm và game thử nghiệm

    - Nvidia Driver 344.75 WHQL
    - 3DMark Vantage: Thiết lập Performance Preset (1280 x 1024)
    - 3DMark 11: Thiết lập Extreme Preset (1920 x 1080)
    - 3DMark 2013: Fire Strike
    - Batman: Origins (DX 11)
    - BioShock Infinite (DX 11)
    - Crysis 3 (DX 11)
    - Dirt 3 (DX 11)
    - Hitman Absolution (DX 11)
    - Metro: Last Light (DX 11)
    - Total War Rome 2 (DX 11)
    - Sleeping Dogs (DX 11)
    - Sniper Elite V2 (DX 11)
    - Thief (DX 11)
    - Tomb Raider (DX 11)

    Kết quả thử nghiệm

     

     

     

    Nhiệt độ - độ ồn

    Kết quả nhiệt độ hoạt động của MSI GTX 970 Gaming (nhiệt độ phòng 13 độ C, benchtable):
    - Idle: 35 độ C.
    - Gaming (Default 1140/1753 MHz):  62 độ C; fan 60% ~ 1380 vòng/phút.
    - Gaming (@1300/1950 MHz): 63 độ C, fan 64% ~ 1500 vòng/phút.

    Điểm độc đáo của tản nhiệt Zero fan là khi nhiệt độ GPU dưới 60 độ C, quạt tản nhiệt ngừng quay để giữ im lặng tuyệt đối. Dưới 80% ~ 1800 vòng/phút, tôi không để ý thấy tiếng động từ card khi dùng máy dù tôi sử dụng benchtable. Ngay cả khi quay hết 100% tốc lực ~ 2230 vòng/phút, tiếng động phát ra vẫn chưa ồn, ở mức chấp nhận được.

    Kết quả nhiệt độ hoạt động của MSI GTX 970 Golden Edition (nhiệt độ phòng 13 độ C, benchtable):
    - Idle: 35 độ C.
    - Gaming (Default 1140/1753 MHz):  60 độ C; fan 54% ~ 1225 vòng/phút.
    - Gaming (@1300/1950 MHz): 62 độ C, fan 60% ~ 1380 vòng/phút.

    Với việc trang bị toàn bộ lá tản nhiệt bằng đồng, nhiệt độ của GTX 970 Golden tốt hơn một chút. Cũng khó có thể đòi hỏi gì hơn bởi cả 2 card đều chỉ nóng hơn 60 độ một chút - ngưỡng quạt không quay.

    Kết quả nhiệt độ hoạt động của MSI GTX 970 Tiger (nhiệt độ phòng 17 độ C, benchtable):
    - Idle: 29 độ C.
    - Gaming (Default 1102/1753 MHz):  73 độ C; fan 61% ~ 1700 vòng/phút.
    - Gaming (@1300/1950 MHz): 76 độ C, fan 68% ~ 1900 vòng/phút.

    Tuy dùng cùng board mạch và khả năng ép xung không kém cạnh 2 card còn lại nhưng điểm yếu của GTX 970 Tiger nằm ở tản nhiệt và nhiệt độ hoạt động. Tuy nhiên về độ ồn hoạt động thì card vẫn êm ái. Phải từ 80% ~ 2230 vòng/phút tôi mới bắt đầu để ý thấy tiếng quạt, và từ 90% ~ 2650 vòng/phút mới bị tiếng quạt làm phiền.

    Tổng kết

    Ban đầu tôi định đặt tên bài viết là “Long hổ tranh hùng” nhưng ngẫm lại thì thấy không đúng lắm, vì 2 bản Tiger và Gaming nhắm vào 2 đối tượng người dùng khác nhau chứ không hề đối chọi nhau. GTX 970 Tiger dành cho người dùng cần p/p tốt, ít chú trọng tới hình thức. Trong khi đó phiên bản Gaming lại phục vụ các game thủ “cứng” bằng vẻ ngoài hầm hố quá mức, tản nhiệt cực hiệu quả và tính năng Zero fan thiết thực.

    Nếu so sánh về giá cả đồng thời kết hợp thêm yếu tố thương hiệu, linh kiện và thiết kế, cả MSI Tiger lẫn Gaming đều nằm trong nhóm đáng mua của GTX 970. Nếu khai thác thêm khả năng ép xung, người dùng còn có thể nâng hiệu năng card lên rất sát với flagship GTX 980 của Nvidia.

    Ngoài ra, quà tặng pad chuột MSI rồng của MSI cũng khá ngon, phù hợp với các game MOBA và FPS.

    - MSI GTX 970 Tiger hiện có giá 8.860.000 VNĐ.

    - MSI GTX 970 Gaming hiện có giá 9.460.000 VNĐ.

    MSI GTX 970 Gaming:
    Ưu:

    - Quá đẹp và ngầu.
    - Tản nhiệt khủng, hiệu quả và êm ái.
    - Tính năng Zero fan đem lại tĩnh lặng tuyệt đối.
    - Linh kiện chất lượng.
    - Giá hợp lý.
    - Được tặng pad chuột ngon.

    Nhược:
    - Một số người không thích thiết kế mặt nạ tản nhiệt mới.
    - Không có back-plate.

    MSI GTX 970 Tiger:
    Ưu:
    - Giá tốt, p/p cao.
    - Linh kiện chất lượng.
    - Tản nhiệt êm ái.
    - Được tặng pad chuột ngon.
    Nhược:
    - Hình thức không bắt mắt.
    - Nhiệt độ chưa tốt.

    Xin cám ơn Công ty TNHH Tin học Mai Hoàng đã hỗ trợ sản phẩm cho bài viết.

    >> Chơi game khi mất mạng ngay trên trình duyệt Chrome

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày