Mới đây, Bộ Công an đã khẳng định kiến nghị của UBND TP HCM về việc yêu cầu các nhà mạng thực hiện khóa các thiết bị di động bị trộm cắp theo số IMEI là không khả thi bởi trên thực tế, nhiều loại điện thoại của Trung Quốc thường có số IMEI giống nhau.
Theo một nguồn tin của ICTNews, mới đây, Bộ Công an đã khẳng định đề xuất của UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc phong tỏa kết nối của các thiết bị viễn thông bị chiếm đoạt (như smartphone, máy tính bảng) trên cơ sở dữ liệu (số nhận dạng thiết bị - IMEI) do Bộ Công an cung cấp là không thực tế, thiếu tính khả thi.
Lý giải về vấn đề này, Bộ Công an cho rằng hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thiết bị dùng SIM điện thoại di động để kết nối mạng phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Do yêu cầu kỹ thuật, tất cả các thiết bị này phải có số nhận dạng thiết bị (IMEI). Về nguyên tắc, số IMEI của các thiết bị là duy nhất và không được trùng nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, các loại điện thoại của Trung Quốc, các tổng đài nội bộ di động, hệ thống trộm cước viễn thông thường có số IMEI giống nhau.
Trong đó, một số IMEI có thể sử dụng chung cho hàng chục số điện thoại. Các loại điện thoại thông minh (smartphone) có thể dễ dàng thay đổi số IMEI của máy. Vì vậy, trên một mạng di động sẽ có nhiều số IMEI trùng nhau. Điều này khiến cho việc phong tỏa kết nối các thiết bị viễn thông dễ bằng cách này dễ bị nhầm lẫn. Không những vậy, nhiều người dùng không biết số IMEI trên thiết bị của mình để cung cấp cho cơ quan công an trong trường hợp bị trộm, cắp.
Giải pháp chặn kết nối của thiết bị thông qua số IMEI chỉ hiệu quả đối với một số thiết bị chính gốc Âu-Mỹ dùng độc lập, chưa bị thay số IMEI. Mặt khác, giải pháp chặn số IMEI cũng gây phiền phức cho các nhà mạng viễn thông.
Theo Bộ Công an, giải pháp phong tỏa các thiết bị di động bị trộm, cắp là thiếu tinh khả thi. Ảnh: Minh họa, Nguồn: Interrnet
Trước đó, tại buổi họp báo định kỳ quý 1/2016, Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh đã cho biết sơ bộ về kế hoạch áp dụng biện pháp khoá dịch vụ mạng đối với điện thoại mất cắp thông qua mã số định danh cấp riêng cho từng sản phẩm di động (số IMEI). Theo đó, Sở TT&TT phối hợp cùng với Công an Thành phố trình lên UBND TP HCM dự thảo về vấn đề này.
Sau đó, TP HCM kiến nghị với Bộ TT&TT hoặc Bộ Công an chỉ đạo các nhà mạng triển khai khoá mạng đối với các điện thoại di động nằm trong danh sách thông báo mất cắp. Thiếu tướng Phan Anh Minh , Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh hy vọng số vụ cướp giật điện thoại trên địa bàn Thành phố có thể giảm tới 50%. nếu giải pháp này được thực hiện triệt để.
Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện chúng tôi đã làm việc với CATP về vấn đề này. Nếu được triển khai thì khi người dân thông báo mất máy công an sẽ dùng biện pháp nghiệp vụ để xác định có đúng máy này là của họ hay không và sẽ gửi cho các nhà mạng số IMEI để các nhà mạng khóa máy”.
Cũng theo ông, Sở đã có làm việc với các nhà mạng và họ đều ủng họ giải pháp này trong khi CATP đang triển khai những công việc liên quan đến thủ tục pháp lý. Ông Cường nhận định rằng việc quản lý này là “khả thi”.
“Về mặt pháp lý thì hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông chưa yêu cầu các nhà mạng thực hiện, nhưng chúng tôi thống nhất với CATP sẽ dự thảo một văn bản đưa ra kiến nghị tới Bộ TT&TT và Bộ Công an để đề xuất việc chỉ đạo các nhà mạng phải triển khai” – ông Cường cho biết thêm.
Theo ICTNews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng