Bộ Giao thông vận tải cho thí điểm GrabCar tại 5 thành phố lớn

    PV,  

    Đề án GrabCar sẽ được triển khai tại 5 tỉnh thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2018. GrabCar sẽ giúp đơn vị vận tải tối ưu hóa hành trình phương tiện, giảm giá thành vận tải, nâng cao sức cạnh tranh, giảm chi phí vận tải cho hành khách.

    Ngày 26/1/2016 tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị "Triển khai kế hoạch thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" (Đề án GrabCar). Đề án GrabCar sẽ được triển khai tại 5 tỉnh thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa trong vòng 2 năm từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2018.

    Công ty TNHH GrabTaxi, với ứng dụng GrabCar, sẽ là đơn vị cung cấp ứng dụng hợp đồng điện tử đầu tiên được công nhận đủ điều kiện để thực hiện thí điểm. Trong quá trình triển khai Đề án, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để đánh giá kết quả và xem xét việc nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

     Đề án GrabCar sẽ được triển khai tại 5 tỉnh thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa trong vòng 2 năm từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2018.  Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

    Đề án GrabCar sẽ được triển khai tại 5 tỉnh thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa trong vòng 2 năm từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2018.  Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

    Tại Hội nghị, Tiến sỹ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia bình luận: "Việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm GrabCar là căn cứ thực tiễn quan trọng để hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến các dịch vụ CNTT hỗ trợ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt là quản lý hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng và vận tải khách du lịch. Với ứng dụng này, những thông tin về hợp đồng vận tải sẽ được cung cấp đầy đủ cho cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm khả năng giám sát, làm rõ giữa các khái niệm vận tải hợp đồng, vận tải khách du lịch và vận tải theo tuyến cố định, khắc phục triệt để tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình như xe tuyến cố định, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, ứng dụng sẽ giúp đơn vị vận tải tối ưu hóa hành trình phương tiện, giảm giá thành vận tải, nâng cao sức cạnh tranh đồng thời giảm chi phí vận tải cho hành khách".

    Đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Vương Ngọc Tuấn đánh giá: "Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử của Bộ GTVT là một trong những chính sách đề cao lợi ích của người tiêu dùng, lấy người tiêu dùng làm trung tâm".

    Ông Vương Ngọc Tuấn giải thích thêm: "Đề án sẽ giúp thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường vận tải hành khách và mang lại nhiều sự lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng. Cạnh tranh luôn là động lực tốt nhất để thúc đẩy việc giảm giá, và cuối cùng người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi”. Cùng với đó đại diện GrabTaxi cũng phát biểu trong Hội nghị rằng Đề án GrabCar “thể hiện quyết tâm của Bộ GTVT trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp".

    Trong thời gian gần đây ở Việt Nam đã xuất hiện một số ứng dụng phần mềm hỗ trợ việc kết nối giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách như GrabTaxi, LiveTaxi, TaxiChiềuVề, AdTOS, Vrada hay VinasunApp, điều này phản ánh xu thế phát triển của việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giao thông vận tải. Tuy nhiên hoạt động này cũng bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với quy định hiện hành về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Ngày 15/7/2015, Bộ GTVT đã nhận được văn bản đề nghị của Công ty TNHH GrabTaxi gửi kèm Đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”.

    Sau đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiệp vụ thuộc Bộ phối hợp với Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia hướng dẫn Công ty GrabTaxi bổ sung, hoàn thiện Đề án thí điểm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

    Trên cơ sở các Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp đều có ý kiến đồng thuận, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ GTVT triển khai Đề án thí điểm tại văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19/10/2015. Đề án được triển khai nhằm mục tiêu đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng CNTT vào nề nếp và phù hợp với khuôn khổ pháp luật, tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành giao thông vận tải trong tương lai, đặc biệt là sàn giao dịch vận tải, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, cũng như xu hướng sử dụng thiết bị di động thông minh.

    Đến nay Bộ GTVT đã có Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 ban hành Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

    Theo ICTNews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày