Chính phủ vừa ban hành Nghị định 49 đã bỏ quy định giới hạn mỗi người chỉ được đăng ký không quá 3 SIM trả trước/mạng. Tuy nhiên, từ số thuê bao thứ tư trở lên khách hàng cá nhân cần ký hợp đồng với các nhà mạng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, theo Nghị định này, sẽ không hạn chế số lượng SIM trả trước đối với mỗi cá nhân, tổ chức được sử dụng. Tuy nhiên, với 3 số thuê bao đầu tiên cá nhân chỉ cần xuất trình giấy tờ và ký xác nhận thông tin thuê bao, từ số thuê bao thứ tư trở lên cá nhân cần ký hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông.
Theo Nghị định này, thì khách hàng đăng ký thuê bao sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng số thuê bao đã được cung cấp. Khi chuyển quyền sử dụng số thuê bao cho người khác thì người chuyển quyền sử dụng và người nhận quyền sử dụng phải thực hiện việc giao kết lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sử dụng số thuê bao với doanh nghiệp viễn thông theo đúng các quy định của pháp luật. Các thuê bao di động sẽ phải tự kiểm tra thông tin thuê bao của mình trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp hoặc nhắn tin TTTB gửi 1414.
Người sử dụng thuê bao phải có trách nhiệm cập nhật lại thông tin thuê bao khi phát hiện thông tin thuê bao của mình không đúng hoặc khi nhận được thông báo của doanh nghiệp viễn thông về thông tin thuê bao không đúng quy định.
Việc giới hạn mỗi cá nhân chỉ được sử dụng 3 SIM/mạng và mỗi doanh nghiệp không được sử dụng quá 100 SIM/mạng đã được Bộ TT&TT xây dựng từ năm 2012 để quản lý thuê bao di động trả trước. Ngay tại thời điểm đó, Cục Viễn thông cho biết, sở dĩ phải có quy định này bởi đã có đại lý “lách luật” hạn chế 3 SIM/mạng/người bằng cách đứng tên doanh nghiệp rồi đăng ký hàng nghìn SIM bán ra thị trường. Các đại lý chỉ cần bỏ ra khoảng 2 triệu đồng làm thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân “ma”, sau đó đi đăng ký chuyển số SIM mà họ đang sở hữu cá nhân sang sở hữu của doanh nghiệp là xong. Quy định hạn chế cho khách hàng chỉ được sở hữu 3 SIM/mạng chỉ áp dụng với khách hàng là cá nhân chứ không áp dụng cho doanh nghiệp. Như vậy, cho dù chính sách hạn chế 3 SIM/mạng rất chặt chẽ nhưng lại bị chiêu thức lập doanh nghiệp “ma” của các đại lý hóa giải. Vì vậy, Cục Viễn thông cho rằng quy định giới hạn 100 SIM/doanh nghiệp sẽ hạn chế việc thành lập doanh nghiệp “ma” nhằm đăng ký hàng loạt SIM rồi bán ra thị trường.
Tuy nhiên, với những biện pháp mạnh mẽ siết chặt quy định quản lý thuê bao trả trước vừa qua cũng như đưa ra những quy định cột chặt trách nhiệm của nhà mạng trong việc đăng ký thông tin thuê bao cũng như đưa ra các chế tài xử phạt nặng sẽ không nhất thiết sử dụng đến biện pháp hạn chế SIM/khách hàng/mạng mà vẫn có thể giải quyết được vấn nạn SIM rác và tin nhắn rác.
Trước đó, Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh đã đưa ra đề xuất quản lý thuê bao di động trả trước như thuê bao di động trả sau nhằm hạn chế SIM rác và dễ quản lý khi có vấn đề xảy ra. Hiện nay, để đăng ký SIM trả trước, thuê bao chỉ cần cung cấp Chứng minh nhân dân và nhà mạng quản lý dựa trên các thông tin cá nhân ghi trên đó. Trong khi để đăng ký thuê bao trả sau thì người dùng dịch vụ phải ký hợp đồng với nhà mạng, đồng thời cung cấp nhiều thông tin cá nhân hơn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng