Bóc trần sự thật làm việc 'như mơ' ở Amazon: Nhân viên bị kiểm soát 24/24 vì Jeff Bezos tin rằng ‘ai rồi cũng lười thôi’
"Chúng tôi là con người chứ không phải công cụ được sử dụng để đạt được chỉ tiêu hàng ngày và hàng tuần", một nhân viên viết.
Một cựu phó chủ tịch của Amazon nói với New York Times rằng Amazon đã đưa ra nhiều chính sách nhằm ngăn chặn sự lười biếng tại nơi làm việc của người lao động.
David Niekerk, người thiết kế hệ thống quản lý tại kho hàng của công ty, cho biết vì tin rằng mọi người vốn dĩ lười biếng nên CEO Jeff Bezos đã tạo nên những chính sách đó. Theo ông, mong muốn làm việc hiệu quả của nhân viên sẽ giảm dần theo thời gian.
Niekerk nói: "Ông ấy cho rằng bản chất của chúng ta là tìm cách tiêu hao ít năng lượng nhất có thể để đạt được những gì mình muốn". Ông chỉ ra mô hình làm việc ngắn hạn không đem lại cho người lao động nhiều cơ hội thăng tiến và cách gã khổng lồ thương mại điện tử sử dụng công nghệ để ngăn sự lười biếng của họ.
Một báo cáo tiết lộ rằng Amazon không đảm bảo việc tăng lương cho nhân viên sau 3 năm đầu tiên. Đây là cách công ty áp dụng để loại bỏ những nhân viên bất mãn một cách chính đáng.
Theo Niekerk, một số cách gây tranh cãi nhất của Amazon là sa thải nhân viên trong ngày mà họ có năng suất làm việc thấp hoặc bắt họ làm việc gần như không có thời gian nghỉ để tăng năng suất.
Điều này khiến một bộ phận không nhỏ nhân viên cảm thấy như thể công ty đang đối xử với họ như máy móc hơn là con người. Một người viết trên bảng phản hồi nội bộ của một nhà kho vào năm ngoái: "Chúng tôi là con người chứ không phải công cụ được sử dụng để đạt được chỉ tiêu hàng ngày và hàng tuần".
Tháng 3 vừa qua, tập đoàn tin tức Thomson Reuters của Canada đã công bố báo cáo gây sốc về một tài xế giao hàng của Amazon ở Denver. Người này cho biết mình đã phải trải qua sự giám sát quá mức của hệ thống AI do Amazon lắp đặt trong xe.
Anh chia sẻ: "Đó là một sự vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng và vi phạm cả lòng tin lẫn nhau. Việc bị theo dõi và báo cáo khi ngáp ngủ có thể giúp tăng sự an toàn nhưng chẳng ai thấy thoải mái với nó cả. Việc công ty yêu cầu tài xế đồng ý giám sát liên tục trong quá trình giao hàng dường như là một kiểu ép buộc chứ không dựa trên sự tự nguyện của họ". Sau đó, anh đã bỏ việc vì quá bức xúc.
Ngoài ra, yêu cầu về năng suất lao động của Amazon đã khiến họ trở thành công ty dẫn đầu về chấn thương tại nơi làm việc. Đầu tháng này, tờ Washington Post công bố phân tích dữ liệu từ Cục Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Mỹ, cho thấy công nhân kho hàng của Amazon có nguy cơ bị thương nặng cao hơn so với công nhân tại các công ty đối thủ như Walmart.
Theo một thống kê năm 2020, cứ 100 nhân viên Amazon thì có khoảng 6 người bị chấn thương khi làm việc. Con số này tại Walmart chỉ là 2,5.
Trước đó, báo cáo của một tờ báo khác cho thấy Amazon từ lâu đã là môi trường làm việc có tỷ lệ thương tật cao hơn so với đối thủ trong ngành. Thậm chí, họ còn khẳng định rằng Amazon đã lừa dối công chúng và cơ quan quản lý bằng cách báo cáo không đầy đủ về thương tích cũng như trì hoãn việc điều trị cho người lao động.
Về phần mình, Amazon nói rằng họ sẽ đầu tư hơn 300 triệu USD trong năm nay vào các biện pháp an toàn tại nơi làm việc để giảm thiểu chấn thương cho nhân viên.
Trong lá thư gửi cổ đông cuối cùng của Jeff Bezos với tư cách là CEO, ông cũng trình bày chi tiết kế hoạch sử dụng các thuật toán để luân chuyển người lao động giữa các công việc để họ có thể sử dụng nhóm cơ khác thay vì phải vận động một nhóm cơ duy nhất trong thời gian dài. Vị tỷ phú nói thêm rằng công ty "cần một tầm nhìn tốt hơn về cách tạo ra giá trị cho nhân viên".
Nguồn: BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng