"Bóng ma" ám ảnh người Nhật: Đất nước sắp thừa vaccine cho toàn bộ dân số, nhưng họ phải vượt qua ký ức kinh hoàng đang còn đó
Nhật Bản sắp thừa vaccine Covid-19 cho toàn bộ 126 triệu dân. Giờ họ phải làm sao để công chúng đủ tin tưởng và chấp nhận tiêm phòng.
Hitomi Niiya - vận động viên (VĐV) điền kinh tại Nhật Bản không hề muốn phải tiêm vaccine phòng Covid-19 trước Thế vận hội Olympic Tokyo một chút nào. Cô lo sợ về những tác dụng phụ của thuốc, mà bản thân vốn cũng chẳng mấy tin tưởng vào vaccine.
Và cô chẳng phải người duy nhất như vậy.
Chính phủ Nhật Bản đã đặt trước 290 triệu liều vaccine từ Pfizer, AstraZeneca và Moderna - con số thừa đủ để cung cấp cho cả đất nước 126 triệu dân, với mục tiêu tiêm phòng cho tất cả ở thời điểm giữa năm 2021, kịp lúc tổ kỳ Thế vận hội bị trì hoãn vì đại dịch năm nay.
Tuy nhiên, nỗ lực ấy đang vấp phải một trở ngại đáng sợ. Đó là lòng tin của công chúng đối với vaccine, bóng ma ám ảnh người Nhật trong suốt thời gian dài.
Hitomi Niiya - nữ VĐV điền kinh Nhật Bản
Đất nước kém tin tưởng vaccine nhất
Theo một khảo sát do tạp chí y khoa Lancet thực hiện vào tháng 9/2020, người Nhật thuộc top đầu các quốc gia kém tin tưởng vào sự an toàn của vaccine nhất bên cạnh Pháp và Mông Cổ. Chỉ dưới 10% người Nhật tin rằng vaccine thực sự an toàn.
Thực ra, Nhật Bản không phải là mảnh đất theo chủ nghĩa bài trừ vaccine (anti-vax), cũng không có quá nhiều thuyết âm mưu trong chuyện này. Vấn đề nằm ở chỗ công chúng Nhật luôn tỏ ra cảnh giác, đặc biệt là với dược phẩm từ nước ngoài. Ngoài ra còn là ký ức ám ảnh từ những đợt tiêm chủng thiếu an toàn, kể từ sau Thế chiến II.
Thách thức lớn nhất tại Nhật Bản - giống như nhiều quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ - là vượt qua được định kiến và sự thiếu tin tưởng dành cho chiến dịch tiêm chủng vaccine đang diễn ra trên toàn cầu. Nếu không thể tiêm chủng toàn diện thì không chỉ sự kiện Olympic Tokyo sắp tới bị ảnh hưởng, mà còn làm chậm đi quá trình phục hồi kinh tế và du lịch toàn cầu khi đại dịch được đẩy lui.
Tôi sẽ tiêm sau
Một nghiên cứu từ tập đoàn Ipsos hồi tháng 10/2020 cho thấy 69% người Nhật tỏ ra "đồng tình" hoặc "đồng tình một phần" về việc họ có chấp nhận tiêm vaccine phòng virus corona hay không. Con số này thấp hơn so với hồi tháng 8 (75%), nhưng vẫn cao hơn tại Mỹ (64%).
Nhưng nếu nhìn sâu hơn vào bảng khảo sát, có thể thấy người Nhật đang tỏ ra cảnh giác hơn là hăng hái trong câu chuyện vaccine. Điều này được thể hiện ngay trong số liệu của các đợt tiêm phòng trước kia, như vaccine HPV - virus lây truyền qua đường tình dục.
Một khảo sát khác trên 1000 người Nhật do Japan Trend Research thực hiện vào tháng 12 thậm chí còn cho thấy chỉ dưới 11% người tham gia muốn tiêm vaccine ngay lập tức, trong khi lượng người không muốn tiêm là 27%.
Người Nhật tỏ ra ngần ngại khi tiêm phòng bệnh, dù là Covid-19 hay HPV
63% cho biết họ không tiêm ngay, nhưng sẽ làm vậy sau. Rina Kawakami - cô sinh viên 19 tuổi cũng có chung suy nghĩ này.
"Nó khá là đáng sợ," - Kawakami chia sẻ, với lý do thiếu thông tin về vaccine do nước ngoài tạo ra. "Tôi sẽ chờ mọi người tiêm trước."
Sau Thế chiến II, tiêm chủng là việc bắt buộc tại Nhật Bản khi quân đội Mỹ tìm cách ngăn chặn các dịch bệnh bùng lên do người dân quá nghèo đói và suy dinh dưỡng. Thời điểm ấy, ai không chấp hành sẽ bị trấn áp bởi lực lượng vũ trang.
Chương trình tiêm chủng lúc đó đã giúp cứu nhiều mạng người nhưng vẫn để lại một số vấn đề nghiêm trọng, như vụ tiêm vaccine bạch cầu khiến 68 trẻ em tử vong.
Dẫu vậy, niềm tin của chính phủ Nhật cũng bị tác động mạnh vào năm 1993, khi vaccine phòng sởi, quai bị và rubella dẫn đến các ca viêm màng não và khiến Bộ Y tế phải bồi thường rất nhiều tiền. Năm 1994, Nhật Bản phải thay đổi quy định, biến tiêm chủng trở thành thứ được "khuyến cáo", thay vì bắt buộc như trước.
"Bộ Y tế đã trở nên ngần ngại trước vaccine kể từ lúc đó," - Kentaro Iwata, giáo sư bệnh truyền nhiễm từ ĐH Kobe chia sẻ. "Các chương trình tiêm chủng vẫn còn, nhưng nó không có nghĩa chất lượng vaccine là tốt."
Năm 2013, chương trình tiêm chủng HPV cho thiếu nữ cũng bị bãi bỏ sau khi xuất hiện một số tác dụng phụ như đau cơ, rối loạn giấc ngủ và nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng. Trong khi tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ em vẫn ở mức cao, việc tiêm chủng HPV lại từ 70% xuống còn dưới 1%, dẫn đến hơn 5000 ca tử vong mỗi năm vì ung thư cổ tử cung dù có thể phòng ngừa được.
Lòng tin của công chúng cũng không tự nhiên mất đi. Thông thường, Nhật Bản sẽ yêu cầu các loại vaccine và thuốc từ nước ngoài phải thông qua nhiều thử nghiệm, bởi lo ngại hiệu quả sẽ bị ảnh hưởng do khác biệt sắc tộc. Nhưng năm 2003, nhà chức trách lại phê duyệt leflunomide - loại thuốc trị thấp khớp, dẫn đến 22 trường hợp bị viêm phổi kẽ và 9 ca tử vong. Vấn đề là ở chỗ, tại phương Tây, chưa có bất kỳ báo cáo nào về chuyện này.
"Sau đó, người ta phát hiện ra rằng lượng thuốc trong mỗi liều là quá cao so với người Nhật," - Masayuki Miyasaka, giáo sư miễn dịch học từ ĐH Osaka (Nhật Bản) cho biết.
Đủ vaccine, nhưng "bóng ma" gây ám ảnh còn đó
Pfizer và AstraZeneca - 2 hãng dược phẩm lớn của Mỹ và Anh đều đã thực hiện thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 quy mô nhỏ tại Nhật. Tuy nhiên, việc thử nghiệm trên quy mô lớn hơn là rất khó, do tỉ lệ lây nhiễm tại Nhật là khá thấp. Dẫu vậy, chính phủ vẫn đẩy nhanh quy trình kiểm duyệt, nhằm đạt được mục tiêu tiêm phòng diện rộng vào giữa năm sau. Dự kiến, chương trình tiêm chủng sẽ bắt đầu từ tháng 3/2021.
"Đây là tình thế khó xử, giữa việc phải đẩy nhanh tiêm phòng càng sớm càng tốt và chuyện cần nhiều thời gian hơn để thuyết phục người dân tin tưởng vào vaccine," - Giáo sư Iwata nhận định.
Để đạt được mục tiêu, Quốc hội Nhật Bản đã sửa đổi luật nhằm cung cấp vaccine miễn phí cho người dân. Các chi phí y tế và trợ cấp trong trường hợp có phản ứng phụ cũng sẽ được đài thọ, và mọi tổn thất sẽ do bên cung cấp chi trả. Vấn đề chỉ còn nằm ở chỗ lòng tin của công chúng mà thôi.
Trong lúc đó, Hội đồng Olympic Quốc tế cũng khuyến cáo mạnh mẽ các VĐV tiêm phòng trước khi tham gia Thế vận hội. Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích việc đó, đặc biệt là với các VĐV từ nước ngoài.
"Bóng ma" vaccine có thể được đẩy lui phần nào, nếu như quá trình tiêm chủng tại phương Tây đạt hiệu quả tốt. Thêm vào đó, việc nóng lòng muốn trở lại cuộc sống bình thường có thể là động lực để mọi người tiêm chủng. Hơn nữa, các công ty cũng sẽ muốn nhân viên làm vậy. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nhận định để đạt đủ số người tiêm chủng nhằm loại bỏ dịch bệnh kịp lúc Thế vận hội được tổ chức là rất khó.
Theo Nakano, sự kiện này vẫn sẽ được tổ chức dù thế nào đi nữa, dựa trên việc VĐV và huấn luyện viên được xét nghiệm rất đều đặn. Nhưng để có một Olympic bình thường thì thực sự rất "phi thực tế".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng