Bóng ma "mạng xã hội" ám ảnh thanh niên trẻ

    PV, Đức Toàn 

    Ám ảnh mạng xã hội đang trở thành căn bệnh vô hình lây lan tại thế giới ảo với tốc độ chưa từng thấy.

    Mạng xã hội đã thay đổi thói quen sử dụng Internet của đại bộ phận công chúng, đặc biệt là giới trẻ, một cách đáng kể trong những năm gần đây. Từ những hình thái sơ khai (diễn đàn, blog,…), mạng xã hội nhanh chóng chuyển mình để thích nghi và định hướng nhu cầu ngày càng đa dạng của người sử dụng: mạng kết bạn, mạng định vị, “tiểu” blog và hơn nữa.
     
    Việc sử dụng mạng xã hội đã dấy lên nhiều tranh cãi. Gần đây, công dân mạng đang trải qua cuộc khủng hoảng về mối liên hệ giữa con người trong đời thực và hình ảnh bản thân trên thế giới ảo. Theo một số chuyên gia, họ đang gặp nhiều vấn đề với “căn bệnh” ám ảnh mạng xã hội.
     
    Ám ảnh mạng xã hội chỉ chung những triệu chứng mà con người đề cao thái quá giá trị ảo và hình ảnh bản thân tại đây. Thực tế trên Facebook, mạng xã hội quy mô hàng đầu trong nước, ta dễ thấy những người trẻ có các thói quen điển hình của căn bệnh nói trên: thường xuyên cập nhật kho hình ảnh trong đó 90% chỉ có chính mình (dân mạng thường gọi vui là ảnh “tự sướng”), chăm chỉ viết lên tường những chia sẻ mà họ coi là độc (đa phần cóp nhặt từ nơi khác), chỉ xem người khác bình luận thế nào về mình mà không quan tâm đến trang cá nhân của họ.
     
    Những bức ảnh như thế này xuất hiện nhan nhản trên Facebook. (ảnh minh họa).
     
    Facebook, với tính chất lan truyền mạnh mẽ, là nơi thể hiện rõ ràng nhất những biểu hiện của căn bệnh ám ảnh mạng xã hội. Trang web này đã trở thành địa chỉ thường trực trên trình duyệt của nhiều người trẻ, ngốn của họ hàng giờ đồng hồ mỗi ngày chỉ để vò đầu bứt tai nghĩ ra một câu trạng thái hài hước dí dỏm hay một dòng triết lý tình yêu mùi mẫn như thể một nhà văn thực thụ.
     
    Không thể không nhắc đến một hình thái khác của căn bệnh ám ảnh mạng xã hội, hiện hữu phổ biến ở các trang blog và đặc biệt là blog “mini” Tumblr. Người dùng Tumblr phần lớn dị ứng với sự xô bồ và náo nhiệt nơi Facebook mà tìm đến một hình thức mạng chú trọng nội dung (content-centric).
     
     
    Đến với trang Tumblr của một người trẻ điển hình, ta dễ choáng ngợp bởi sự tiếp nối bất tận của hình ảnh và bài viết đong đầy cảm xúc. Điều đáng quan tâm là phần lớn những nội dung này được chép lại (reblog) từ Tumblr của người khác. Họ chọn cách thể hiện bản thân bằng cách “nương nhờ” hình ảnh và nội dung từ các trang Tumblr khác.
     
    Tuy nhiên, tâm lý “tôi khác người”, “tôi đặc biệt” đang hiện hữu tại nhiều người dùng Tumblr, đặc biệt là giới trẻ. Bằng những nội dung thể hiện cái tôi cá nhân xuất hiện dày đặc, nhiều người dùng Tumblr nghĩ rằng mình thực là một cá thể đặc biệt giữa chốn mạng xã hội. Thực sự không phải vậy. Theo nhiều chuyên gia tâm lý, con người người đều trải qua những suy nghĩ và trải nghiệm giống nhau. Điều đáng nói là hiệu ứng truyền thông luôn tạo cho giới trẻ suy nghĩ và định hướng khác biệt, nổi bật giữa mọi người.
     
     
    Sau hai ví dụ điển hình đã đề cập, chúng ta đã có bức tranh bao quát hơn về căn bệnh ám ảnh mạng xã hội. Một thống kê đáng chú ý gần đây cho hay, trung bình mỗi thanh niên Việt Nam ngồi trước màn hình màn hình mạng xã hội 53 phút mỗi ngày. Đây là con số tương đối bởi ngoài những người dùng tích cực, lượng thành viên chìm đắm hàng giờ mỗi ngày trên thế giới ảo là rất lớn.
     
    Nhận thức rõ về những hệ lụy mà căn bệnh ảo mà thực mang lại, nhiều người cho rằng người dùng mạng xã hội nên dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động trong đời thực. Chỉ có những va chạm tiếp xúc thực tế mới để lại trải nghiệm sâu sắc. Việc sử dụng mạng xã hội cần phù hợp với tính chất và mục đích của nó.
     
    Tham khảo TechCrunch
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày