Buồn của ngành kim cương: Giá rơi thảm hại, mất dần sức hút, khách hàng chuyển sang dùng đồ ‘nhân tạo’

    Băng Băng, Nhịp Sống Thị Trường 

    Cách đây 5 năm, kim cương nhân tạo được bán với giá chiết khấu rẻ hơn 20% so với hàng tự nhiên thì hiện nay tỷ lệ này đã lên đến 80%.

    Buồn của ngành kim cương: Giá rơi thảm hại, mất dần sức hút, khách hàng chuyển sang dùng đồ ‘nhân tạo’ - Ảnh 1.

    Hãng tin Bloomberg cho hay một trong những loại kim cương phổ biến nhất thế giới dùng cho nhẫn cầu hôn (khoảng 1-2 carat) đang giảm giá mạnh do sức cầu yếu cùng xu thế dịch chuyển sang kim cương nhân tạo có chất lượng tương đương nhưng rẻ hơn.

    Theo Bloomberg, nhu cầu mua kim cương trên toàn cầu đang yếu đi trông thấy hậu đại dịch Covid-19 khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, qua đó ảnh hưởng mạnh đến một số mặt hàng xa xỉ.

    Đặc biệt, việc ngành kim cương nhân tạo tấn công mạnh trong mảng nhẫn đính hôn, vốn là phân khúc khá nhạy cảm về giá cũng như có nhiều người mua nhất trong ngành, đã khiến mảng kim cương tự nhiên chịu thiệt hại nặng.

    Buồn của ngành kim cương: Giá rơi thảm hại, mất dần sức hút, khách hàng chuyển sang dùng đồ ‘nhân tạo’ - Ảnh 2.

    Tất nhiên điều này không có nghĩa là mặt hàng nhẫn kim cương đính hôn ngoài cửa hàng sẽ giảm sâu ngay lập tức do thị trường này được khống chế giá bởi các ông lớn như De Beers.

    Thông thường, De Beers giữ sự độc quyền của mình trong mảng kim cương bằng cách thu gom tất cả nguồn cung nguyên liệu thô, sau đó chỉ tung ra 10 đợt bán hàng mỗi năm.

    Sau đó những người mua (Sightholders), bao gồm những hãng gia công, kinh doanh trang sức...sẽ phải chấp nhận mức giá cũng như số lượng đưa ra của De Beers nếu muốn mua một trong 10 đợt bán đó.

    Việc De Beers kiểm soát nguồn cung khiến người mua không có nhiều lựa chọn và bảo hộ thị trường khỏi sự phá giá từ nguồn cung quá lớn.

    Tuy vậy, Bloomberg cho rằng tốc độ cũng như quy mô giảm giá mạnh của De Beers trong mảng kim cương thô có thể tạo nên một cơn địa chấn mới toàn ngành.

    Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu xu thế mua kim cương nhân tạo có trở thành vĩnh viễn hay không và nếu điều này là chính xác thì ngành kim cương truyền thống sẽ phải đối mặt với một thách thức cực lớn.

    Phía De Beers thì cho rằng xu thế giảm giá hiện nay chỉ là hiện tượng tự nhiên do cầu yếu tạm thời của thị trường. Dù có một số tác động nhỏ nhưng hãng không cho rằng xu thế này sẽ kéo dài hay tạo nên một cuộc cách mạng toàn ngành.

    “Chúng ta không thể phủ nhận rằng thị trường có một chút biến động, nhưng vấn đề thực sự ở đây nằm ở kinh tế vĩ mô nhiều hơn”, người đứng đầu mảng kinh doanh kim cương của De Beers, ông Paul Rowley nói với Bloomberg.

    Không còn sức hút

    Báo cáo của Liberum Capital Markets cho thấy với đà giảm giá mạnh hiện nay của De Beers thì nhiều khả năng kim cương nhân tạo có thể đang chiếm đến 25-35% thị phần.

    Bằng chứng rõ nhất về sự mất dần sức hút của kim cương tự nhiên là Ấn Độ, nơi khoảng 90% kim cương toàn cầu được gia công và đánh bóng.

    Buồn của ngành kim cương: Giá rơi thảm hại, mất dần sức hút, khách hàng chuyển sang dùng đồ ‘nhân tạo’ - Ảnh 3.

    Lượng kim cương nhân tạo đã gia công được xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng từ 1% cách đây 5 năm lên 9% tính đến tháng 6/2023.

    Tác động này lên De Beers là vô cùng rõ ràng khi lợi nhuận nửa đầu năm giảm hơn 60% xuống chỉ còn 347 triệu USD. Mức giá bình quân chào bán sản phẩm của hãng cũng giảm từ 213 USD/carat xuống chỉ còn 163 USD/carat.

    Điều trớ trêu là trong khi mảng kim cương tự nhiên gặp khó thì kim cương nhân tạo cũng đối mặt áp lực giảm giá.

    Sức cầu yếu cùng chiến lược đốt tiền mở rộng thị phần khiến kim cương nhân tạo còn giảm giá mạnh hơn cả kim cương tự nhiên với mức chiết khấu lớn chưa từng thấy.

    Cách đây 5 năm, kim cương nhân tạo được bán với giá chiết khấu rẻ hơn 20% so với hàng tự nhiên thì hiện nay tỷ lệ này đã lên đến 80%. Các nhà bán lẻ đang ngày càng hạ gia chúng thấp hơn khi chi phí sản xuất kim cương nhân tạo đi xuống.

    Tính riêng trong nửa đầu năm nay, giá bán buôn kim cương nhân tạo đã giảm hơn một nửa.

    Thậm chí đến chính ông lớn De Beers, kẻ thống trị ngành kim cương tự nhiên nhưng đã bắt đầu bán kim cương nhân tạo từ năm 2018, cũng đã phải giảm giá sản phẩm từ phòng thí nghiệm này của mình.

    Chi phí ngày càng rẻ của kim cương nhân tạo đã khiến nguồn cung tăng mạnh và khiến mặt bằng giá đi xuống.

    Trỗi dậy

    Những viên kim cương nhân tạo, vốn là các viên đá có cấu tạo vật lý giống hệt kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm chỉ với vài tuần và chi phí cực rẻ, từ lâu đã được coi là mối đe dọa với ngành kim cương tự nhiên.

    Nhiều người ủng hộ kim cương nhân tạo cho rằng sản phẩm này có thể thay thế kim cương tự nhiên với giá rẻ hơn, giảm ô nhiễm môi trường với nạn khai thác bừa bãi cũng như những phần đen tối, khai thác lậu tại Châu Phi của các tập đoàn lớn.

    Tuy nhiên trong 10 năm qua, kim cương nhân tạo mới chỉ thâm nhập được phân khúc giá rẻ mà chưa tạo được sự đột biến khi người tiêu dùng vẫn chuộng hàng tự nhiên hơn.

    Buồn của ngành kim cương: Giá rơi thảm hại, mất dần sức hút, khách hàng chuyển sang dùng đồ ‘nhân tạo’ - Ảnh 4.

    Thế nhưng theo Bloomberg, việc khách hàng hiện nay bắt đầu mua kim cương nhân tạo cho nhẫn đính hôn, phân khúc chủ chốt của toàn ngành, là một dấu hiệu cho thấy xu thế thay đổi.

    Các chuyên gia trong ngành cho biết trước sự đe dọa của kim cương nhân tạo, các tập đoàn như De Beers đã giảm giá mạnh cho một số dòng sản phẩm, ví dụ như mảng nhẫn kim cương đính hôn được gia công từ 2-4 carat xuống còn 1-2 carat.

    Những người quan thuộc trong ngành nói với Bloomberg rằng De Beers đã giảm giá mặt hàng này hơn 40% trong năm qua, bao gồm một lần giảm hơn 15% vào tháng 7/2023.

    Với chính sách găm hàng bảo hộ thị trường và coi các đợt giảm giá mạnh như là biện pháp cuối cùng, việc De Beers hạ giá mạnh với quy mô lớn như hiện nay được cho là có thể tạo nên rủi ro sụp đổ bong bóng đầu cơ.

    Những người mua lo ngại việc kim cương tự nhiên giảm giá sâu, hoặc do không bán được hàng vì xu thế hàng nhân tạo có thể tìm cách lách luật để bán tháo nhằm thu hồi vốn, tạo nên hiệu ứng dây chuyền.

    Vào tháng 6/2022, De Beers tính phí khoảng 1.400 USD/carat cho dòng kim cương 2-4 carat chế tạo cho nhẫn đính hôn. Đến tháng 7/2023, con số này giảm xuống chỉ còn 850 USD/carat.

    Hãng tin Bloomberg nhận định giá có thể còn giảm mạnh nữa vì con số trên vẫn đắt hơn 10% thị trường thứ cấp, nơi các thương nhân và nhà chế tác giao dịch lẫn nhau không thông qua De Beers.

    *Nguồn: Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày