Cả 2 đại gia thanh toán điện tử Trung Quốc đồng loạt vào Việt Nam: Ngay sau Alipay là Wechat Pay
Từ 13/11, ví điện tử WeChat Pay chính thức hoạt động tại Việt Nam thông qua thỏa thuận hợp tác với VIMO, chỉ 3 ngày sau khi đối thủ của họ là Alipay công bố quan hệ hợp tác với Napas.
Theo thông báo từ Công ty cổ phần Công nghệ Vi Mô, ngày 13/11 ví điện tử VIMO sẽ trở thành đơn vị trung gian thanh toán đầu tiên cho phép du khách Trung Quốc sử dụng Ví điện tử WeChat Pay thanh toán bằng VNĐ tại các cửa hàng chấp nhận VIMO khi đến du lịch tại Việt Nam.
Cụ thể, các cửa hàng tại Việt Nam sẽ cài đặt ứng dụng "VIMO Merchant" trên điện thoại hoặc máy tính bảng, sau đó đăng ký tài khoản nhận tiền bán hàng tại địa chỉ trang web của VIMO.
Khi khách Trung Quốc thanh toán, người bán nhập thông tin đơn hàng và số tiền thanh toán bằng VND để tạo mã giao dịch QR. Tiếp đó du khách sử dụng ví điện tử WeChat Pay trên điện thoại của mình quét mã của người bán để hoàn tất giao dịch. Trong tối đa 2 ngày làm việc, tiền được chuyển về tài khoản ngân hàng của người bán.
Ông Đỗ Công Diễn, Tổng giám đốc VIMO.vn cho biết Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều du khách Trung Quốc nhất trong khu vực, ước đạt 3,5 triệu lượt và mang lại doanh thu gần 3 tỷ USD trong năm 2017. Tuy nhiên gần đây có nhiều thông tin tiêu cực về việc du khách Trung Quốc thanh toán bằng nhân dân tệ, trái với quy định của pháp luật Việt Nam.
“Vì vậy sau một thời gian tìm hiểu và đàm phán, đầu tháng 6/2017 VIMO đã ký thỏa thuận và kết nối thanh toán điện tử với Tenpay Payment Technology chủ quản WeChat Pay nhằm mang lại sự tiện lợi cho du khách và thúc đẩy nguồn thu du lịch cho đất nước”.
Tuy nhiên để bảo vệ thị trường thanh toán điện tử nội địa, hợp tác này không bao gồm việc WeChat Pay sử dụng các kết nối ngân hàng của VIMO để xử lý thanh toán giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, VIMO đã có gần 500 cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng WeChat Pay, trong đó hơn 50 cửa hàng thuộc 7 tổng công ty tại 5 sân bay quốc tế có đường bay thẳng từ Trung Quốc.
Thỏa thuận hợp tác giữa VIMO và Wechat Pay được đánh giá mang lại lợi ích cho nhiều bên, giúp khách Trung Quốc có thể chi tiêu mạnh tay hơn khi du lịch đến Việt Nam mà không cần chuẩn bị trước nhiều tiền mặt. Về phía các cửa hàng Việt Nam, doanh thu sẽ tăng vì WeChat Pay có tính năng gợi ý các cửa hàng có cài ứng dụng "VIMO Merchant" và chấp nhận thanh toán không tiền mặt cho người dùng Trung Quốc.
Trước đó, ngày 10/11, tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), đơn vị duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam. Theo thỏa thuận này, ngoài việc thanh toán bằng thẻ UnionPay, khách du lịch Trung Quốc còn có thể chi tiêu, mua sắm qua ứng dụng thanh toán Alipay tại các đơn vị bán hàng của Việt Nam. Thông tin cụ thể về thời gian, cách thức triển khai đã không được tiết lộ.
Được biết tại thị trường Trung Quốc, WeChat Pay và Alipay và là hai ví điện tử phổ biến nhất hiện nay. Năm 2016, tổng dung lượng giao dịch của hai đơn vị này đạt gần 2.000 tỷ USD với khoảng 1 tỷ người dùng thường xuyên, trong đó Wechat Pay có 600 triệu khách hàng còn Alipay là 450 triệu. Hầu như mọi hoạt động của xã hội như ăn uống, mua sắm, giải trí tại cửa hàng, trung tâm thương mại, du lịch… đều có thể thanh toán bằng việc quét mã QR qua ứng dụng thanh toán WeChat Pay và Alipay trên điện thoại di động.
Theo sau làn sóng người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài trong những năm gần đây, WeChat Pay và Alipay cũng đang cạnh tranh quyết liệt nhằm mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán cho du khách tại các quốc gia Châu Âu và Đông Nam Á.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng