Các chatbot AI đời cũ bị chẩn đoán 'mất trí' nhẹ, có dấu hiệu suy giảm nhận thức như con người
Phát hiện này không chỉ đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của AI trong y tế, mà còn mở ra một viễn cảnh thú vị: Liệu trong tương lai, chúng ta có cần các "bác sĩ thần kinh" chuyên chữa trị cho… trí tuệ nhân tạo hay không?
Trí tuệ nhân tạo đã trở thành một phần không thể thiếu trong lĩnh vực y tế, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh nhanh chóng và chính xác hơn bao giờ hết. Từ phân tích dữ liệu y tế, đọc X-quang đến phát hiện dấu hiệu bất thường trước cả khi con người có thể nhận ra, AI đang thay đổi cách chúng ta tiếp cận chăm sóc sức khỏe. Nhưng một nghiên cứu mới công bố trên BMJ ngày 20/12/2024 lại đặt ra một câu hỏi bất ngờ: Liệu AI có thể… "già đi" và mất dần khả năng tư duy giống như con người?

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm những chatbot AI phổ biến như ChatGPT của OpenAI, Sonnet của Anthropic và Gemini của Alphabet bằng bài kiểm tra Montreal Cognitive Assessment (MoCA). Đây là công cụ thường được dùng để đánh giá suy giảm nhận thức trong các bệnh như Alzheimer và chứng mất trí nhớ. Các bài kiểm tra yêu cầu đối tượng thực hiện những nhiệm vụ như vẽ giờ chính xác trên mặt đồng hồ, trừ liên tục số 7 từ 100, ghi nhớ từ ngữ trong danh sách cho sẵn, và nhiều bài tập kiểm tra sự linh hoạt trong tư duy.
Kết quả khiến nhiều người bất ngờ. ChatGPT-4, phiên bản mới nhất của OpenAI, đạt 26/30 điểm – mức tương đương với người không có dấu hiệu suy giảm nhận thức. Nhưng khi thử nghiệm trên các mô hình cũ hơn, điểm số giảm mạnh. Gemini 1.0 chỉ đạt 16/30, thấp hơn đáng kể, cho thấy một dạng "suy giảm nhận thức" theo thời gian ở các chatbot AI. Đặc biệt, dù các mô hình AI thể hiện tốt ở các bài tập liên quan đến ngôn ngữ và chú ý, chúng gặp khó khăn lớn trong các nhiệm vụ yêu cầu tư duy trừu tượng và kỹ năng không gian.
Điều này đặt ra một vấn đề lớn đối với việc ứng dụng AI vào y tế. Nếu AI có thể "mất trí nhớ" hoặc gặp khó khăn trong xử lý thông tin theo thời gian, thì việc sử dụng chúng trong các quyết định quan trọng như chẩn đoán bệnh hay hỗ trợ phẫu thuật có thể trở nên rủi ro hơn chúng ta nghĩ.
Các tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh rằng đây chỉ là những quan sát ban đầu và không thể so sánh trực tiếp AI với trí óc con người. Tuy nhiên, họ cảnh báo rằng các mô hình AI hiện tại vẫn có "điểm yếu đáng kể" trong những nhiệm vụ đòi hỏi khả năng suy luận trực quan và chức năng điều hành – những yếu tố quan trọng trong y khoa lâm sàng.
Phát hiện này không chỉ đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của AI trong y tế, mà còn mở ra một viễn cảnh thú vị: Liệu trong tương lai, chúng ta có cần các "bác sĩ thần kinh" chuyên chữa trị cho… trí tuệ nhân tạo hay không?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vụ trộm tiền mã hóa lớn nhất trong lịch sử nhân loại vừa xảy ra, nạn nhân chính là sàn tiền số vừa gọi đồng Pi là lừa đảo
Trước đó không lâu, CEO Bybit từng từ chối niêm yết đồng Pi lên sàn tiền số của mình và gọi đây là dự án lừa đảo.
Sau 14 năm chờ đợi, trợ lý ảo Siri chính thức hỗ trợ tiếng Việt