Các công ty Android đang tạo ra lợi thế cho Apple bằng cách cố tình lờ đi sự tồn tại của Android
Sự kiện IFA vừa qua có thể coi là minh chứng cho một sự thật không mấy dễ chịu của ngành sản xuất smartphone Android.
Tại IFA 2016, Sony đón chào người dùng với khẩu hiệu "Welcome to Xperia". Trong sự kiện ra mắt hoành tráng, mỗi chiếc Xperia XZ và Xperia X Compact được mô tả như một tấm vé bước vào thế giới Xperia huyền ảo, nơi Sony sẽ giúp cho "cuộc sống hàng ngày của bạn trở nên tiện lợi hơn, dễ dàng hơn và cũng ngẫu nhiên hơn nữa". Chìa khóa để Sony làm được điều này là camera 23MP, thiết kế monolith tuyệt đẹp, khả năng "thích ứng" với thói quen của người dùng (chủ yếu là qua quản lý pin và tối ưu hiệu năng ứng dụng) cùng một bộ sưu tập phụ kiện ấn tượng (Xperia Smart Products).
Nhưng bất chấp tất cả những ngôn từ mỹ miều trong buổi lễ ra mắt hay thông báo chính thức trên blog Sony Mobile, hãng điện tử Nhật Bản đang cố tình lờ đi cái tên đại diện cho phần quan trọng nhất của trải nghiệm Xperia: "Android". Quả là một quyết định khó hiểu, bởi cuối cùng thì phần mềm mới là thứ thực sự tương tác với người dùng trong quá trình sử dụng chứ không phải là phần cứng.
Thực tế là trong suốt những năm gần đây, bất cứ một gã khổng lồ nào khác của thế giới Android cũng đang đối xử với hệ điều hành của Google theo cách tương tự. Từ năm này qua năm khác, các hãng Android đã bằng cách này hay cách khác loại bỏ hai cái tên "Android" và "Google" khỏi các sự kiện lớn do họ tổ chức. Trái lại, họ sẽ tìm mọi cách để làm bật những bộ giao diện tự chế cho Android như TouchWiz, Sense, Zen, MIUI v...v... bên trên những tính năng phần cứng siêu việt.
Không khó để nhận ra lý do đằng sau hiện tượng này. Khác với iOS hoặc Tizen, Android là một thứ "hàng công cộng" thuộc về tất cả các nhà sản xuất. Nhắc đến Android trong buổi lễ ra mắt mẫu đầu bảng mới cũng chẳng khác gì quảng cáo "hộ" các đối thủ cạnh tranh về trải nghiệm phần mềm. Thực chất, đây cũng chính là lý do vì sao các OEM Android luôn muốn tạo ra một bộ giao diện riêng thay vì đi theo trải nghiệm Android gốc được nhiều người thèm muốn.
Đáng tiếc rằng một khi đã loại bỏ yếu tố "Android gốc", các nhà sản xuất không còn nhiều điều để nói về trải nghiệm phần mềm của họ.
Thế mạnh của Apple
Chẳng có ai không biết rằng smartphone Xperia, Galaxy hay LG G chạy Android, nhưng chính Sony, Samsung và các nhà sản xuất khác lại không muốn tuyên bố với thế giới rằng thế mạnh của Android là thế mạnh của họ. Hãy thử nghĩ mà xem, sẽ có bao nhiêu fandroid thực sự coi dịch vụ nhắn tin Xperia Messaging là một thế mạnh của Xperia XZ so với Galaxy S7 hoặc iPhone 6s? TouchWiz từ trước đến nay có thực sự chiếm được cảm tình của phần đông người dùng smartphone Galaxy hay chỉ là một lý do để họ than phiền vì những ứng dụng/tính năng chẳng dùng nhưng vẫn tốn chỗ như S Voice (trợ lý ảo), ChatOn (dịch vụ nhắn tin) hoặc MusicHub? Có mấy ai coi Blinkfeed thực sự là một kênh thông tin nghiêm túc để thay thế cho Facebook, Flipboard hay trình duyệt?
Nói như vậy không có nghĩa rằng các tính năng phần mềm được các nhà sản xuất tự đem lên smartphone Android của họ toàn là những thứ rác rưởi. Khi vẫn còn dưới trướng Google, Motorola đã độc lập phát triển tính năng luôn luôn lắng nghe cho trợ lý ảo Google Now trên Moto X cũng như tiên phong cho các ý tưởng luôn bật thông báo, "gõ" để mở khóa màn hình... Đi đầu về chất lượng phần mềm "tự chế" cho Android vẫn là Samsung: không chỉ tạo ra nhiều tính năng hữu ích để phát huy tối đa công dụng của bút stylus trên điện thoại cảm ứng, Samsung còn là công ty đầu tiên mang đến khả năng đa nhiệm chia màn hình trên một hệ điều hành di động.
Nhưng S Voice không đánh bại được Siri, Xperia Messaging không đánh bại được iMessage, Blinkfeed không thể đọ lại Apple News còn MusicHub đã chết từ trước khi Apple Music ra đời. Khi số lượng những ý tưởng hay ho của riêng các nhà sản xuất Android vẫn là quá ít, họ lại sẵn sàng "bỏ quên" các tính năng hay ho đã có sẵn trong hệ điều hành của Google và thay thế bằng những thứ kém cỏi hơn rất nhiều. Điều này tạo ra một lợi thế cực kỳ lớn cho Apple: hãy thử nghĩ mà xem, nếu như ngay từ đầu các nhà sản xuất Android sẵn sàng đề cập tới Hangouts hay Duo thay vì Xperia Messaging hay ChatOn thì chưa chắc Facetime và iMessage đã nổi bật đến vậy.
Nói tóm lại, trải nghiệm Android hoàn toàn không thua kém và thậm chí còn vượt mặt iOS trên nhiều khía cạnh, nhưng vấn đề là các nhà sản xuất không sẵn sàng truyền tải thông điệp đó tới người tiêu dùng vốn phần đông là "mù công nghệ".
Ngàn năm phân mảnh
Vì quá sợ phụ thuộc vào Google, các OEM đã không thể làm bật được toàn bộ thế mạnh của thiết bị của họ so với iPhone và iPad – vốn không thể chỉ bao gồm camera 23MP hay màn hình OLED mà còn phải bao gồm cả hệ điều hành Android. Thậm chí, đã có lúc Samsung tìm cách tạo ra một hệ điều hành của riêng mình còn Sony, HTC, Huawei ít nhiều đều đã có bước tiến để đưa Windows Phone lên làm lựa chọn thay thế. Không một ai muốn bị phụ thuộc vào một "đối tác" hùng mạnh như Google cả.
Tâm lý này sẽ còn gây hại cho Android về lâu về dài. Chừng nào Sony, Samsung hay HTC còn muốn tạo ra một trải nghiệm Android riêng, họ vẫn sẽ còn cố gắng đưa ra những trải nghiệm phần mềm kém chất lượng mà người dùng không cần tới. Trải nghiệm Android sẽ luôn bị phân thành nhiều "mảnh" nhỏ với chất lượng không tương đồng. Ví dụ, tính năng đa nhiệm có mặt trên những thiết bị Android (dòng tablet Galaxy NotePRO) từ tận năm 2014 nhưng đến năm 2016 mới trở thành tiêu chuẩn trên Android Nougat. Tệ hại hơn, một vài nhà sản xuất Android vẫn sẽ sẵn sàng tự tạo ra tính năng chia màn hình của riêng mình (ZTE hay Xiaomi chẳng hạn).
Như vậy, ZTE và Xiaomi không những không tận hưởng được thành quả của Google mà còn có thể tạo ra một trải nghiệm kém cỏi hơn Android gốc. Tại sao các hãng phần cứng lại nghĩ rằng họ có thể vượt mặt một gã khổng lồ đã luôn đi đầu thế giới về chất lượng dịch vụ phần mềm/ứng dụng kể từ thời kỳ đầu của Internet như Google?
Cuối cùng, chính thứ tâm lý "đấu tranh với đối tác" này sẽ khiến cho Android mãi mãi phân mảnh. Chừng nào các nhà sản xuất vẫn còn tiếp tục "lờ" đi vai trò của hệ điều hành, họ cũng chẳng có lý do gì để nỗ lực cập nhật Android cho người dùng. Ngay cả chuyện ra mắt smartphone với Android không-mới-nhất chỉ để hoàn thiện các tính năng "riêng" trên bản cũ cũng không phải là chưa từng xảy ra. Không một người dùng nào muốn phải gánh chịu các lỗ hổng hay các tính năng không phải là tốt nhất trên các bản Android cũ, nhưng các nhà sản xuất thì vẫn cứ đặt tầm nhìn của riêng mình lên trên nhu cầu của khách hàng.
Kết quả là dù Android thông minh hơn iOS, dù Galaxy S7, Xperia XZ hay HTC 10 có thể vượt mặt iPhone 6s về chất lượng phần cứng nhưng Apple vẫn thống trị phân khúc cao cấp và thu về lợi nhuận áp đảo so với các đối thủ cạnh tranh. Đó không phải là một kịch bản đẹp hết mức có thể cho cả Google lẫn các đối tác của Google.
Bảo sao năm nay Google lại muốn khai tử Nexus và tự tạo ra một dòng smartphone hoàn toàn mới có tên Pixel để cạnh tranh trực diện với Apple. Đến lúc chiếc "Pixel Phone" thực sự ra đời, liệu các hãng sản xuất Android có còn muốn tiếp tục "nhờn" với Android như hiện nay?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng