Các nhà khảo cổ vừa tìm thấy một quả lựu đạn hơn 1.000 năm tuổi

    Thanh Long,  

    Nó có niên đại trước cả khi người Trung Quốc phát minh ra thuốc súng.

    Khi nói đến lịch sử của vũ khí thời Trung Đại, những người Trung Quốc sẽ được ghi danh cho một phát minh cực kỳ quan trọng: Thuốc súng. Các nhà sử học trên khắp thế giới đến nay đều công nhận thuốc súng là phát minh có từ thời nhà Đường, nghĩa là trong khoảng thế kỷ thứ 9 Sau Công Nguyên.

    Người Trung Quốc khi đó đã biết trộn lưu huỳnh với than củi và muối kali nitrat để làm ra một loại hỗn hợp dẫn cháy mà không cần sự hiện diện của oxy. Sau đó, họ sử dụng hỗn hợp này để làm ra pháo hoa.

    983847748.gif

    Nhưng mãi đến khoảng thế kỷ thứ 10, thuốc súng mới được nhồi vào bên trong những bình sứ hoặc hộp kim loại có gắn kích nổ, để trở thành một thứ vũ khí mà người Trung Quốc gọi là "pi li huo qu", nghĩa là "một quả cầu rực lửa tạo ra tiếng sấm".

    Các nhà sử học cho rằng đây chính là những quả lựu đạn đầu tiên của nhân loại:

    Huolongjing_bomb.jpg

    Nhưng một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí PloS ONE có thể làm thay đổi điều đó. Các nhà khảo cổ dường như đã tìm thấy bằng chứng về một loại lựu đạn, xuất hiện sớm hơn ở Thành cổ Jerusalem từ thế kỷ thứ 8.

    Nếu phát hiện này là thực, nó sẽ bẻ ngoặt những phỏng đoán về lịch sử của một loại vũ khí quan trọng từ Phương Đông sang Phương Tây. Những chiến binh của Đế chế Đông La Mã theo đó mới chính là những người đầu tiên phát minh ra lựu đạn cầm tay.

    626be91486fa90001905c58b.webp

    Một mảnh gốm được cho là lựu đạn cổ của những người lính Thập tự chinh.

    Nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khảo cổ đến từ Đại học Griffith, Australia. Trong đó, họ đã tìm thấy một loạt bình gốm nhỏ có đường kính từ vài cm đến 20 cm với niên đại từ thế kỷ 9 sau Công Nguyên.

    Các bình gốm này có đế hình nón và thân hình cầu. Với hình dáng này, các nhà khảo cổ có thể nghĩ ra một loạt các giả thuyết về công dụng của chúng: từ để buộc dây dọi, cân khung dệt, một vòi phun chất lỏng cho đến máy đánh lửa, ống hút hoặc một bộ phận của thiết bị chưng cất.

    Những chiếc bình cũng có thể đơn giản chỉ là vật dụng đựng rượu, mật ong bia, thuốc, dầu thơm, thủy ngân hoặc thậm chí nước hoa. Nhưng sự phổ biến của chúng ở nhiều địa điểm khai quật khắp Trung Đông cho thấy dù những chiếc bình được dùng để làm gì, đây cũng là một "công nghệ khá trưởng thành", gợi ý sự xuất hiện của chúng có thể còn sớm hơn cả thế kỷ.

    shard742-640x500.jpg

    Như thường lệ, để thực sự biết công dụng của chiếc bình gốm kỳ lạ này, các nhà khảo cổ phải xét nghiệm những vật chất, cặn lắng còn lại trong đó. Và trong một mảnh được đánh số 737, họ đã tìm thấy những dấu vết quan trọng.

    Chiếc lọ này có thành khá dày và kích thước của nó thì phù hợp để nắm trong lòng bàn tay. Bên trong mảnh 737 vẫn sót lại một hỗn hợp lưu huỳnh và thủy ngân. Nó cũng có cả magie, nitrat, phốt pho, chì và sắt.

    Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy dấu vết của dầu thực vật, mỡ động vật cùng với nhựa thông, muối và một chút natri trong mảnh số 742. Tất cả những thành phần này gợi ý về một hỗn hợp nổ được nhồi vào trong đó, mà chiếc lọ số 737 và 742 thực sự là một lựu đạn cầm tay.

    Vấn đề là, nếu chúng đúng là những quả lựu đạn, niên đại của thứ vũ khí này thực sự đang sớm hơn tới 4 thế kỷ trước khi thuốc súng du nhập được từ Trung Quốc vào Trung Đông. Có lời giải thích nào cho sự xuất hiện quá sớm của lựu đạn này hay không?

    shard744-640x479.jpg

    Nhà khảo cổ Carney Matheson, tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Griffith cho biết: "Một số nhà nghiên cứu đề xuất rằng những chiếc lọ này đã được sử dụng làm lựu đạn, nhưng chúng được nhồi thuốc súng, là một loại chất nổ được phát minh ra ở Trung Quốc và đã du nhập vào Trung Đông vào thế kỷ 13",

    "Tuy nhiên, nghiên cứu này của chúng tôi cho rằng thứ được nhồi vào trong những quả lựu đạn này không phải thuốc súng, mà có khả năng là một loại vật liệu nổ được người bản địa phát minh ra".

    Matheson cho biết nó dựa trên một hỗn hợp được gọi là "Lửa Hy Lạp" (Greek fire), một thứ vũ khí gây cháy đã được sử dụng từ thế kỷ thứ 7 tại Đế chế Đông La Mã. Lửa Hy Lạp là hỗn hợp của nhựa thông, naphtha, vôi sống, canxi photphua, lưu huỳnh và nitre (một dạng khoáng của kali nitrat).

    Nó thường được buộc ở đầu thuyền, được kích hoạt bằng phản ứng giữa nước và vôi sống nhằm phụt lửa ra và đốt cháy thuyền đối phương.

    Các nhà khảo cổ vừa tìm thấy một quả lựu đạn hơn 1.000 năm tuổi - Ảnh 6.

    Sự khác biệt giữa Lửa Hy Lạp và thuốc súng của người Trung Quốc là chỗ thuốc súng có thể cháy mà không cần oxy còn Lửa Hy Lạp thì cần oxy để cháy. Do đó, sức mạnh mà thuốc súng tạo ra sẽ lớn hơn, cho phép nó được nhồi vào trong các ống kín và tạo ra sức phụt, đẩy đạn về phía trước – điều mà Lửa Hy Lạp không thể làm được.

    Nhưng Matheson cho rằng bản nâng cấp của hỗn hợp có trong các quả lựu đạn thời Trung Cổ ở Phương Tây đã cho phép nó trở thành một dạng thuốc súng sơ khai. Nếu được nhồi với tỷ lệ thích hợp, chúng cũng có thể tạo ra áp suất lớn, kích nổ và gây sát thương.

    Những quả lựu đạn này có lẽ đã được sử dụng phổ biến ở Đế chế Đông La Mã, và trong những cuộc Thập tự chinh ở thế kỷ 11-12. "Trong các tài liệu mô tả lại diễn biến của Thập tự chinh, đã có những chi tiết ghi lại cảnh lựu đạn được ném vào thành trì, tạo ra tiếng động lớn và những tia sáng chói lòa", Matheson cho biết.

    Các nhà khảo cổ vừa tìm thấy một quả lựu đạn hơn 1.000 năm tuổi - Ảnh 7.

    Nói tóm lại, đây có thể là bằng chứng sớm cho thấy lựu đạn là một phát minh sớm của Đế chế Đông La Mã, mặc dù thuốc súng cháy không cần oxy vẫn là một thành tựu được công nhận cho người Trung Quốc. Mấu chốt nằm ở chỗ, lựu đạn không nhất thiết phải được nhồi thuốc súng mới nổ được như chúng ta từng nghĩ.

    Tham khảo Arstechnica

    https://genk.icu/cac-nha-khao-co-vua-tim-thay-mot-qua-luu-dan-hon-1000-nam-tuoi-20220505144411028.chn
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày