Các nhà khoa học bắt đầu lưu trữ mẫu băng vì lo sợ một ngày nào đó tất cả băng trên thế giới sẽ biến mất

    Ryankog,  

    Trong những thập kỷ tới, hoặc thậm chí nhiều thế kỷ tới, những mẫu lưu trữ băng này sẽ là vô giá trong các khám phá khoa học chưa từng có hoặc để giúp những người ở tương lai hiểu hơn về thay đổi môi trường.

    Hậu quả của việc biến đổi khí hậu liên tục đồng nghĩa với việc lượng băng trên Trái Đất ngày càng thu hẹp lại, và một nhóm các nhà khoa học đã nhận thấy rằng họ có nhiệm vụ phải thu thập nhiều loại băng nhất có thể trước khi chúng hoàn toàn biến mất khỏi bề mặt Trái Đất.

    Có lẽ bạn không nghĩ rằng các khối băng tại các nơi trên thế giới sẽ có tính chất khác nhau, nhưng thực tế là chúng chứa những dữ liệu vô giá về sự thay đổi lâu dài của nhiệt độ và chất lượng không khí xung quanh, những thông tin này cực kỳ cần thiết để những nhà khoa học có thể hiểu rõ hơn về hành tinh của chúng ta.

    Các nhà nghiên cứu từ dự án Protecting Ice Memory (bảo vệ ký ức tảng băng) là những người thuộc các trung tâm nghiên cứu và trường đại học nổi tiếng ở Pháp như Đại học Grenoble Alpes, Viện Nghiên cứu và Phát triển (IRD), Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS). Họ đã bắt đầu nhiệm vụ của mình vào tháng này bằng cách thu thập mẫu băng từ đỉnh núi Mont Blanc của dãy Alps.

    Mont Blanc
    Mont Blanc

    “Trong những thập kỷ tới, hoặc thậm chí nhiều thế kỷ tới, những mẫu lưu trữ băng này sẽ là vô giá trong các khám phá khoa học chưa từng có hoặc để hiểu hơn về thay đổi môi trường”, nhà khí hậu học Jean Jouzel, cựu phó chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu cho biết.

    Khi được lấy mẫu, các lõi băng sẽ được vận chuyển thông qua “dây chuyền lạnh” bằng tàu và các phương tiện khác đến một hầm lưu trữ băng dưới mặt đất tại trạm nghiên cứu ở Nam Cực.

    Mục tiêu cuối cùng của nhóm nghiên cứu muốn có được hàng chục lõi băng, mỗi cái dài 130m và lưu trữ chúng trong các hang băng ở nhiệt độ -54 độ C. Các nhà khoa học mô tả những hang băng này là “tủ lạnh tự nhiên đáng tin cậy nhất thế giới”.

     Một lõi băng với nhiều lớp khác nhau

    Một lõi băng với nhiều lớp khác nhau

    Tuy những người tham gia chính trong dự án thuộc các tổ chức của Pháp, nhưng ý tưởng dự án lại được hình thành tại Ý, và nhận được sự hỗ trợ từ Đức, Áo, Thụy Sĩ, Brazil, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nepal và Canada.

    Nhóm nghiên cứu nói rằng chính sự gia tăng nhiệt độ đột ngột của các dòng sông băng trên thế giới đã thúc đẩy họ hành động, và dự án này phần nào lấy ý tưởng từ hầm dự trữ hạt giống cho “ngày tận thế” ở Svalbard, một nơi lưu trữ hàng triệu loại hạt giống trên toàn thế giới.

     Các dòng sông băng ngày càng bị thu hẹp

    Các dòng sông băng ngày càng bị thu hẹp

    Ý tưởng đằng sau hầm dự trữ hạt giống là nếu tất cả các loại cây bị phá hủy sau “ngày tận thế” thì các hạt giống sẽ được sử dụng để hồi phục lại chúng. Tương tự như vậy, việc giữ các khối băng ở trạm nghiên cứu Concordia tại Nam Cực sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu những bản sao của các loại băng nếu có chuyện xảy ra với bản gốc. Chúng không chỉ cho ta biết về lịch sử khí hậu của Trái Đất mà còn giúp ta biết khí hậu sẽ thay đổi thế nào trong tương lai.

    Ba khối băng đầu tiên sẽ được chiết xuất từ Col Du Dôme ở độ cao 4.300m trên núi Mont Blanc vào 15/8.

    “Thế hệ các nhà khoa học của chúng ta đã chứng kiến sự nóng lên toàn cầu, và phải có nhiệm vụ với thế hệ tương lai”, Carlo Barbante, một nhà khoa học trong dự án cho biết.

    Hy vọng rằng chúng ta sẽ quan tâm hơn đến tương lai của hành tinh, bởi vì tất cả các hầm lưu trữ trên thế giới không thể giúp gì được nếu ta không tự giúp chính mình.

    Tham khảo: Sciencealert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày