Đây là một trong số các kỹ thuật "Geoengineering" – các kỹ thuật tác động trực tiếp lên địa cầu nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Một trong số những vấn đề nóng bỏng nhất trên thế giới về môi trường hiện nay là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Một trong số những chủ đề sôi nổi nhất của biến đối khí hậu chính là hiện tượng Trái Đất ấm dần lên. Hậu quả của việc nhiệt độ quả đất tăng được đăng tràn lan trên các trang web. Những hậu quả này khiến cho nhân loại phải nhìn nhận cuộc chiến chống biến đổi khí hậu một cách hết sức nghiêm túc. Rất nhiều các ý tưởng, các chiến dịch từ cổ điển đến độc đáo đã được đề xuất cho mục tiêu này. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến một ý tưởng "lấy độc trị độc" áp dụng cho chống biến đổi khí hậu.
Dùng "độc" ở đây chính là sử dụng tàn dư của ngọn lửa - tro bụi để làm nguội Trái Đất. Ý kiến này xuất phát từ một kết quả nghiên cứu hết sức thú vị - "tro bụi được sinh ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch có thể giúp giảm nhiệt độ Trái Đất" – theo kết luận của các chuyên gia môi trường đang làm việc cho dự án "geoengineering". Đây là dự án được tiến hành để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu – cụ thể là chống lại việc Trái Đất đang ấm dần lên - dựa trên 2 phương pháp: Giảm lượng các bô nic (CO2) khỏi khí quyển, hoặc hạn chế ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất.
Ý tưởng này xuất phát từ việc nghiên cứu sự phun trào núi lửa Pinatubo vào năm 1991. Qua phân tích, các nhà khoa học kết luận rằng các phân tử tro bụi từ ngọn núi này có khả năng cản trở ánh sáng Mặt Trời, làm giảm các bức xạ Mặt Trời xuống Trái Đất. Sau khoảng 2 đến 3 năm, nhiệt độ Trái Đất đã giảm 0.1 độ C nhờ tàn tro của ngọn núi lửa này cản trở ánh sáng Mặt Trời xuống Trái Đất. Do đó các thành viên của dự án "geoengineering" muốn tận dụng ý tưởng này để áp dụng vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Theo kết quả nghiên cứu trên, các chuyên gia đến từ dự án "geoengineering" là mô phỏng lại sự phun trào núi lửa: "phun tro bụi lên trời để tro bụi che bớt ánh nắng Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất". Việc phun tro bụi (hoặc một chất tương tự như tro bụi núi lửa, chất mà có khả năng cản trở ánh nắng Mặt Trời) là việc hoàn toàn dễ dàng. Một số nghiên cứu đã được triển khai để kiểm tra tính khả thi của ý tưởng. Tiêu biểu trong số đó là giải pháp dùng khinh khí cầu để tái hiện hoạt động phun tro bụi lên trời của núi lửa. Biện pháp này mang lại những lợi ích rất cao về mặt công sức và chi phí. Chỉ tốn vài tỉ đô la một năm để giảm biến đổi khí hậu. Con số này thật ra là rất kinh tế bởi các hậu quả của việc biến đổi khí hậu là vô cùng khó tưởng tượng. Chẳng hạn như siêu bão Sandy năm 2012 ở Bắc Mỹ chỉ nhẹ nhàng gây thiệt hại khoảng … hơn 68 tỉ Đô la và 233 nạn nhân. Hơn nữa, việc mất công đi van xin các nhà máy ngừng hoạt động hoặc giảm thiểu lượng Các bô níc ra khỏi khí quyển là một việc làm gần như là không tưởng.
Một khi ý tưởng phun tro bụi vào khí quyển để cản trở ánh sáng Mặt Trời xuống Trái Đất, nó sẽ góp phần làm nên sự thành công của geoengineering trong việc giảm nhiệt độ của Trái Đất xuống hơn 2 độ C trong một thế kỉ. Con số này là rất đáng chú ý so với ước đoán nhiệt độ Trái đất sắp sửa tăng thêm 4 độ C trong 1 thế kỉ tới. Nếu như kết quả của dự án geoengineering thành hiện thực, số lượng thiên tai sẽ giảm đi đáng kể và có lẽ các sê ri phim với nội dung "Trái Đất bị xóa sổ" sẽ được liệt kê vào danh sách … phim hài.
Mặc dù việc phun tro bụi để cản bức xạ chiếu xuống bề mặt Trái Đất tạo ra những lợi ích hết sức rõ rệt, dự án vẫn đang vướng phải 3 trở ngại chính dưới đây cần được khắc phục:
- Vấn đề đầu tiên, việc phun tro bụi lên trời không giúp nhân loại "nhổ cỏ phải nhổ cả rễ" trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Tro bụi chỉ có tác dụng cản trở bức xạ Mặt Trời, chứ không thể giảm được lượng các bô nic hòa vào đại dương làm tăng tính a xít của nước biển. Hiện tượng a xít hóa đại dương sẽ giết chết dần môi trường sống của các sinh vật. Do đó, giải pháp dùng tro bụi để chống lại sự ấm lên của Trái Đất chưa toàn diện cho kế hoạch chống thay đổi khí hậu.
- Vấn đề tiếp theo rất rõ ràng: Để tạo ra nhiều tro bụi tương tự như tro bụi núi lửa, các chuyên gia cho rằng chúng ta sẽ vô tình phải sản sinh ra nhiều khí các bô nic hơn, do đó, hiệu ứng lồng kính mà khí Các bô nic gây ra sẽ trầm trọng hơn rất nhiều: làm tăng nhiệt độ Trái đất lên 2 độ C trong một thập kỉ.
- Vấn đề sau cùng là việc rắc tro bụi lên không trung sẽ làm ảnh hưởng đến khí hậu của rất nhiều nước: vùng nắng sẽ có mưa và vùng mưa sẽ bị nắng. Sự kiện này sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề về nông nghiệp, thực phẩm. Và một khi nhu cầu cơ bản của con người là thức ăn không được đảm bảo, khả năng thế giới sẽ quay trở về thời kì thế chiến thứ nhất hoặc thứ hai là điểu đương nhiên.
Do chưa kiểm soát được chặt chẽ các kết quả cũng như rủi ro, dự án geoengineering đang vấp phải những sự phản đối vô cùng quyết liệt. Một nhóm chuyên gia còn cho rằng việc tiến hành các biện pháp chống lại biến đổi khí hậu như dùng tro bụi để giảm ảnh hưởng bức xạ Mặt Trời là chưa đúng với đạo đức nhân loại. Hành động này không khác gì việc tự biến chúng ta thành chuột bạch. Tuy nhiên đây cũng có thể coi là động lực cho các nhà khoa học trong dự án geoengineering tối ưu hóa cũng như giảm thiểu rủi ro của dự án.
Tham khảo: iflscience, wiki
>>Cơ hội nào cho con người khi không thể sống trên Trái đất?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng