Các nhà khoa học tỏ ra hết sức ngỡ ngàng khi mực nang có thể vượt qua bài kiểm tra nhận thức được thiết kế cho trẻ em

    Đức Khương,  

    Vào năm 2021, một nghiên cứu khoa học đặc biệt đã củng cố nhận thức của chúng ta về trí thông minh của Cephalopods (động vật chân đầu, đối tượng cụ thể là mực nang) thông qua việc áp dụng bài kiểm tra kẹo dẻo, vốn nổi tiếng trong nghiên cứu tâm lý học ở người. Kết quả không chỉ gây kinh ngạc mà còn mở ra những hiểu biết mới về khả năng nhận thức và thích nghi của loài động vật biển này.

    Bài kiểm tra kẹo dẻo: Từ trẻ em đến mực nang

    Bài kiểm tra kẹo dẻo, hay thí nghiệm kẹo dẻo Stanford, là một công cụ tâm lý học ra đời từ những năm 1970. Trong thí nghiệm gốc, một đứa trẻ được đặt trước một chiếc kẹo dẻo và được thông báo rằng nếu không ăn nó trong vòng 15 phút, chúng sẽ được thưởng thêm một chiếc kẹo dẻo nữa. Thí nghiệm này đo lường khả năng trì hoãn sự hài lòng – một yếu tố quan trọng trong việc lập kế hoạch và ra quyết định.

    Ở động vật, mặc dù không thể truyền đạt khái niệm như với con người, bài kiểm tra đã được điều chỉnh để phù hợp với khả năng nhận thức của chúng. Một số loài linh trưởng, chim quạ và cả chó đã chứng minh được khả năng trì hoãn sự hài lòng, tuy không phải lúc nào cũng ổn định. Đáng chú ý, vào năm 2020, mực nang (Sepia officinalis) cũng đã vượt qua bài kiểm tra này với phiên bản phù hợp, làm nổi bật sự thông minh đặc biệt của chúng.

    Các nhà khoa học tỏ ra hết sức ngỡ ngàng khi mực nang có thể vượt qua bài kiểm tra nhận thức được thiết kế cho trẻ em- Ảnh 1.

    Mực nang (Sepia officinalis) là một loài động vật thân mềm biển thuộc lớp Cephalopoda, cùng họ với bạch tuộc và mực ống. Chúng được biết đến với vẻ ngoài độc đáo và khả năng ngụy trang tài tình. Chúng thường sống ở các vùng biển nông, có đáy cát hoặc bùn. Chúng phân bố rộng rãi ở các vùng biển châu Âu, bao gồm Địa Trung Hải, Biển Bắc và Biển Baltic.

    Thí nghiệm với mực nang

    Trong nghiên cứu năm 2021, một nhóm khoa học do tiến sĩ Alexandra Schnell từ Đại học Cambridge dẫn đầu đã thiết kế bài kiểm tra kẹo dẻo dành riêng cho mực nang. Trong thí nghiệm lần này, sáu con mực nang được đặt vào một bể đặc biệt với hai buồng kín. Một buồng chứa một miếng tôm hoàng đế – thức ăn ít được ưa thích của chúng, và buồng còn lại chứa một miếng tôm cỏ – loại thức ăn hấp dẫn hơn với chúng. Cánh cửa dẫn đến buồn chứa miếng tôm hoàng đế luôn được mở, trong khi cánh cửa dẫn đến buồng chứa miếng tôm cỏ chỉ mở sau một khoảng thời gian từ 10 đến 130 giây.

    Kết quả cho thấy, mực nang có thể nhanh chóng hiểu được cách hoạt động của thí nghiệm. Chúng sẵn sàng chờ đợi để tiếp cận phần thưởng hấp dẫn hơn, ngay cả khi phải chịu sự trì hoãn dài. Ngược lại, trong điều kiện kiểm soát, khi không thể tiếp cận thức ăn yêu thích, chúng sẽ không bận tâm chờ đợi.

    Tiến sĩ Schnell nhận định: "Mực nang trong nghiên cứu đều có thể chờ đợi phần thưởng tốt hơn trong khoảng thời gian lên đến 130 giây – tương đương với khả năng của nhiều loài động vật có xương sống có não lớn như tinh tinh và quạ".

    Các nhà khoa học tỏ ra hết sức ngỡ ngàng khi mực nang có thể vượt qua bài kiểm tra nhận thức được thiết kế cho trẻ em- Ảnh 2.

    Mực nang là loài săn mồi tích cực, chủ yếu ăn các loài động vật giáp xác nhỏ, cá và các loài mực khác. Chúng có thị lực rất tốt và khả năng cảm nhận thay đổi áp suất nước.

    Liên hệ giữa trí thông minh và hành vi kiếm ăn

    Điều khiến thí nghiệm này trở nên đặc biệt không chỉ là khả năng tự kiểm soát của mực nang mà còn là cách chúng liên kết điều đó với hành vi kiếm ăn trong tự nhiên. Mực nang không phải là loài sử dụng công cụ, lưu trữ thức ăn, hay có đời sống xã hội phức tạp – những yếu tố thường liên quan đến sự phát triển nhận thức ở các loài khác. Thay vào đó, khả năng trì hoãn sự hài lòng của chúng có thể được giải thích bằng chiến lược sinh tồn đặc thù.

    Mực nang thường ngụy trang và dành phần lớn thời gian "ngồi và chờ đợi". Khi quyết định kiếm ăn, chúng phải phá vỡ sự ngụy trang, đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ bị săn mồi. Điều này khiến chúng phải chọn lọc kỹ càng, chờ đợi cơ hội tốt nhất để kiếm được nguồn thức ăn chất lượng cao.

    Schnell giải thích: "Khả năng trì hoãn sự hài lòng có thể đã phát triển như một hệ quả của chiến lược này, giúp mực nang tối ưu hóa việc kiếm ăn".

    Mối liên hệ giữa trí nhớ và khả năng thích nghi

    Một phần quan trọng khác trong nghiên cứu là kiểm tra khả năng học tập của mực nang. Chúng được đào tạo để nhận biết các tín hiệu thị giác khác nhau, liên kết chúng với phần thưởng thức ăn. Khi tín hiệu bị thay đổi, mực nang nhanh chóng thích nghi, chứng minh khả năng học hỏi linh hoạt. Thú vị hơn, những con mực nang học giỏi nhất cũng là những con thể hiện sự kiên nhẫn tốt nhất trong bài kiểm tra kẹo dẻo. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa khả năng tự kiểm soát và trí nhớ dài hạn.

    Thậm chí, vào năm 2024, các nhà khoa học còn quan sát được hiện tượng "ký ức sai" ở mực nang – một dấu hiệu cho thấy trí nhớ của chúng phức tạp hơn nhiều so với dự đoán trước đây.

    Các nhà khoa học tỏ ra hết sức ngỡ ngàng khi mực nang có thể vượt qua bài kiểm tra nhận thức được thiết kế cho trẻ em- Ảnh 3.

    Phát hiện về mực nang không chỉ làm sáng tỏ khả năng nhận thức của loài động vật chân đầu này mà còn gợi ý về sự tiến hóa hành vi và nhận thức ở các loài khác nhau. Những nghiên cứu như vậy giúp chúng ta hiểu rằng trí tuệ không chỉ là đặc quyền của con người hay các loài linh trưởng, mà còn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau trong tự nhiên.

    Mực nang, với bộ não nhỏ bé và lối sống đơn giản, đã cho thấy rằng ngay cả trong môi trường sống khắc nghiệt, động vật vẫn có thể phát triển những chiến lược sinh tồn vô cùng thông minh. Việc khám phá những khả năng này không chỉ giúp chúng ta tôn trọng hơn đối với các loài động vật mà còn thúc đẩy những tiến bộ trong khoa học hành vi và sinh học tiến hóa.

    Nghiên cứu đầy hứa hẹn này đã được công bố trên Kỷ yếu của Hiệp hội Hoàng gia B , một bước tiến quan trọng trong việc hiểu rõ hơn về thế giới động vật và những điều kỳ diệu mà thiên nhiên mang lại.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày