Các nhà khoa học vừa nhận được chùm tín hiệu đáng ngờ từ một hệ sao giống hệt Mặt Trời
Phát hiện ra từ năm ngoái nhưng năm nay các nhà khoa học Nga mới công bố, nhưng chúng ta cũng đừng mừng vội.
Nghe hơi đúng quá lại hóa ra sai, chúng ta không hề có được bằng chứng về hoạt động của người ngoài hành tinh khi phát hiện ra chùm tín hiệu đến từ không gian.
Dù vậy, các nhà thiên văn học vẫn đang “vò đầu bứt tai” với việc phát hiện ra chùm năng lượng mạnh, có vẻ là phát ra từ ngôi sao HD 164595 nằm tại chòm sao Hercules, cách chúng ta 94 năm ánh sáng.
“Một đội ngũ nghiên cứu quốc tế đã công bố về việc phát hiện tín hiệu mạnh tới từ hướng của HD 164595”, tác giả Paul Gilster viết trong blog Centauri Dreams – Những giấc mơ Cận Tinh của anh. Trong đó anh chỉ ra rằng kính viễn vọng radio RATAN-600 của Nga đã phát hiện ra chùm tín hiệu này hồi 15 tháng 5 năm 2015.
Khu vực kính viễn vọng radio RATAN-600 của Nga.
Hiển nhiên là không ai chắc chắn đó là tín hiệu từ một nền văn minh ngoài Trái Đất, nhưng những tín hiệu ấy đã đủ mạnh và đủ độ tò mò khiến các nhà nghiên cứu tại đó lên kế hoạch theo dõi liên tục tọa độ mục tiêu đã phát ra tín hiệu.
Những tín hiệu ấy đã thúc đẩy Viện Tìm kiếm Trí tuệ ngoài hành tinh (SETI) theo dõi kĩ càng hơn HD 164595.
Ông Seth Shostak, một nhà thiên văn học lão làng tại Viện SETI nói rằng đội ngũ nghiên cứu đã tiến hành theo dõi liên tục từ khi họ phát hiện ra tín hiệu lạ.
“Chúng tôi đã theo dõi nó bằng Kính viễn vọng vô tuyến Allen (ATA) nhưng không tìm thấy gì cả”, ông Shostak, người không thuộc đội ngũ khám phá ra tín hiệu kia nói. “Nhưng giống như mọi thí nghiệm khác tại SETI, bạn không thể chứng minh rằng nó không tồn tại, nó vẫn ở đó nhưng ta cần một tín hiệu như thế nữa”.
Kính viễn vọng vô tuyến Allen (ATA).
Một tín hiệu "thú vị" đến từ ngoài vũ trụ
Cả hai nhà nghiên cứu Gilster và Shostak đều lấy thông tin từ một bài thuyết trình khoa học của Claudio Maccone, một nhà thiên văn học người Ý đã có hợp tác với các nhà nghiên cứu Nga tại RATAN-600.
Điều gì đã khiến tín hiệu tới từ HD 164595 lại gây tò mò tới vậy? Đó là vì, theo như bản thuyết trình của nhà thiên văn người Ý, thì ngôi sao này “y hệt Mặt Trời”.
Khối lượng của HD 164595 gần bằng với Quả cầu lửa của chúng ta (chỉ nhẹ hơn 1%), tuổi thọ là 4,5 tỉ năm (trẻ hơn Mặt Trời 100 triệu năm) và nhiệt độ không hề khác biệt quá nhiều (ấm hơn 12 độ C). Thậm chí, tỉ lệ kim loại của HD 164595 cũng gần bằng với Mặt Trời.
Quanh đó, các nhà khoa học cũng phát hiện ra một hành tinh giống với Sao Hải Vương (được đặt tên là HD 1645959 b) đang quay quanh “Mặt Trời phiên bản hai” kia. Tác giả Gilster cũng chỉ rõ rằng rất có thể quanh đó còn những hành tinh nhỏ hơn nhưng không thể phát hiện được bởi kính viễn vọng, thậm chí là đã lọt được qua tầm mắt của Kepler.
Và từ một hệ sao đáng ngờ như vậy, một tín hiệu mạnh đã được phát hiện và chắc chắn rằng nó thu hút được sự chú ý của các nhà khoa học cũng như các nhà thiên văn học.
Nhà thiên văn Shostak đã mô tả nó là một cụm sóng với bước sóng dài 2,7 cm và có tần số 11 GHz. Những tính chất cho thấy rằng nó là một tín hiệu có tần số cực cao (UHF), không khác mấy so với tín hiệu TV kĩ thuật số thường thấy.
Tín hiệu mạnh đột biến được cho là tới từ HD 164595.
Nếu như tín hiệu này là thật sự tồn tại, ông Shostak nói rằng nó phải là một tín hiệu cực mạnh để có thể với tới được Trái Đất, đến từ ngôi sao xa xôi HD 164595.
“Nếu như ‘họ’ đang nhắm tới Trái Đất để gửi tín hiệu này, thì nó cần một lượng năng lượng lên tới 50 nghìn tỷ watt”, ông Shostak nói. “Lượng năng lượng đó nhiều hơn lượng mà con người đã sử dụng ở bất kì thời điểm nào, nhiều hơn tất cả năng lượng đang được sử dụng bởi các nhà máy năng lượng, xe ô tô, xe máy, tàu hỏa, máy bay và cứ thế”.
Và nếu như tín hiệu được phát đi về mọi hướng? Thì lượng năng lượng cần thiết phải lớn hơn nữa.
“Để đi được về mọi hướng thì ‘họ’ cần một lượng năng lượng lên tới 100 tỷ tỷ watt. Lớn hơn cả triệu lần so với việc phóng một chùm tín hiệu nhắm tới Trái Đất”.
Hẳn là từng đó số không thì “rất ấn tượng”, ông Shostak nói, nhưng khó có thể nó đến từ một nền văn minh người ngoài hành tinh nào khác, nhưng khó có thể chứ không phải là không thể, ta vẫn còn đó những khả năng.
Có vẻ như ta không có dấu hiệu nào của người ngoài hành tinh cả
Shostak ai cũng nghi ngờ rằng đây không phải là tín hiệu của người ngoài hành tinh cả, kể cả nhà thiên văn học Ý Claudio Maccone.
Các nhà nghiên cứu Nga, những người đã phát hiện ra tín hiệu ấy, cũng cần tới hơn một năm dài để thông báo về sự phát hiện mới về HD 164595. “Thường thì nếu bạn tìm thấy một tín hiệu mà có thể là thật, bạn sẽ gọi thêm cho người khác để kiểm tra xem điều đó có đúng không trong cố gắng thuyết phục bản thân”, ông Shostak nói. “Những nhà nghiên cứu ấy đợi tới 1 năm trời để thông báo thì hẳn là chính họ cũng không tin đó là người ngoài hành tinh để có thể công bố ngay được”.
Và hiển nhiên, những nhà khoa học không làm thế bởi vì “họ xấu hổ”, ông Shostak bổ sung.
Dàn RATAN-600.
Hơn nữa, nhà thiên văn học Shostak nói rằng hệ thống RATAN-600 của Nga có một kiểu “loạn thị” riêng, vì thế nó không thể xác định được chính xác rằng tín hiệu tới từ hệ sao HD 164595.
“Ở một đĩa kính thiên văn thông thường, bạn có thể quy tụ về một điểm trên vũ trụ. Và điểm ấy thường nhỏ, xác định được như cách bạn chiếu một tia laser lên tường vậy”, ông Shostak nói. “Nhưng hệ thống ăngten của RATAN-600 là những đĩa nhỏ hướng về một hướng và những đĩa to hướng về một nơi khác. Khi bắt được một tín hiệu, bạn sẽ không thể xác định được chính xác nó tới từ đâu”.
Dàn chảo ăngten của SETI.
Đó là lý do tại sao SETI đi tìm tín hiệu đó và họ không tìm thấy nó, và cũng có thể là họ sẽ không thể tìm thấy nó. Nó có thể phân tán ra và yếu trên nhiều kênh, nhưng cũng có thể phát mạnh chỉ trong một kênh cụ thể, cũng có thể rằng ta đang không tìm đúng thời điểm.
Ông Shostak bổ sung: “Chúng ta cần biết thêm tin tức”, gợi ý rằng nhà thiên văn Maccone và đồng nghiệp cần công bố những nghiên cứu của mình. Từ giờ đến khi đó, thì sự kiện này cũng chỉ được cho là “sự kiện thú vị nếu mọi thứ là sự thật”.
Vậy tín hiệu đó có thể là gì, nếu không phải là người ngoài hành tinh?
Trong quá khứ, đã có việc này xảy ra với một chùm tín hiệu khác rồi, tín hiệu ấy chỉ có một lần và chưa từng lặp lại. Rất có thể lần này cũng vậy.
Và nếu đúng như thế, ta sẽ không bao giờ biết được nó thực sự là cái gì: một tìn hiệu đến từ xa hay là một sự kiện không gian gì đó xảy ra ở gần mà ta chưa biết.
"Dù có thể là gì, sự việc này cũng đã được các nhà nghiên cứu thông báo với giới truyền thông. Ai đó sẽ nghiên cứu và theo dõi HD 164595, và rồi chúng ta cũng sẽ không phát hiện ra gì cả. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta có một sự kiện như thế này và tất nhiên là tôi biết mọi thứ sẽ có kết quả ra sao”, tác giả Paul Gilster không mấy lạc quan kết luận.
Tham khảo TI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng