Các nhà phát triển game cho rằng công nghệ chống crack chỉ làm game ngày càng chán hơn
Vì việc cài đặt và thử nghiệm hệ thống DRM vào trong game, sẽ lấy bớt đi thời gian mà đáng lẽ ra được dùng để "gọt dũa" sao cho tựa game hay hơn, hoàn thiện hơn.
"Chúng tôi không tin vào tính hiệu quả của DRM, và thật lòng mà nói thì chúng tôi cũng chẳng ưa hệ thống DRM một chút nào cả" - Đó là câu trả lời của hai thành viên trong nhóm phát triển tựa game Shadow Warrior 2, khi được hỏi rằng tại sao họ quyết định không bảo vệ tựa game của mình khỏi tình trạng "bẻ khóa, chơi chùa". DRM, viết tắt của Digital Rights Management, là tên gọi chung của một hệ thống được sử dụng để chống lại tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm vô cùng phổ biến trên Internet.
"Chúng tôi không nghĩ là DRM thực sự có hiệu quả. Mà chúng cũng chẳng tốt đẹp gì đối với người mua game" - Artur Maksara và Tadeusz Zielinski, phụ trách mảng PR cho studio Flying Wild Hog chia sẻ. Hồi đầu tuần, đại diện studio này cũng cho hay, họ sẽ không sử dụng Denuvo - vốn được coi là "hàng rào bất khả xâm phạm" chống lại nạn "cướp biển" - vì cho rằng chúng sẽ làm tựa game của hãng tồi tệ hơn.
"Các anh không muốn đạt được doanh thu cao nhất có thể sao?" - Một game thủ với nickname Shredder đặt câu hỏi trên diễn đàn của Shadow Warrior 2 trên Steam. "Hay các anh muốn người ta tải lậu game của mình ngay ngày ra mắt? Các anh thừa biết là, với Denuvo, sẽ có rất nhiều người phải móc hầu bao ra để mua game nếu không muốn ngồi đợi crack hàng tháng trời".
Trả lời cho câu hỏi trên, KriS - đại diện của Studio cho biết: "Chúng tôi không cổ súy tình trạng crack game, nhưng rõ ràng vào thời điểm hiện tại, sẽ chẳng có cách nào ngăn chặn điều này mà không gây ảnh hưởng đến những người trực tiếp bỏ tiền ra mua game. Với Denuvo, chúng tôi sẽ phải tốn thêm tiền để tạo ra một phiên bản game tệ hơn cho những người chơi. Nó kiểu như mấy cái hình khuyến cáo của FBI trên đĩa phim ấy."
Trên thực tế, chưa hề có thống kê nào cho thấy việc DRM sẽ làm giảm chất lượng game. Tuy nhiên, các nhà phát triển tại Flying Wild Hog, tin rằng, việc cài đặt bất cứ hệ thống DRM nào cũng đồng nghĩa với việc đánh đổi bớt thời gian để tạo ra một tựa game chất lượng hơn.
"Bất cứ một hệ thống DRM nào cũng cần phải được cài đặt và thử nghiệm. Và chúng tôi, thà dùng chỗ thời gian và công sức đó để 'gọt dũa' tựa game của mình sao cho hay nhất, chất lượng nhất, hơn là phí hoài chúng cho một hệ thống bảo vệ mà chẳng sớm thì muộn cũng sẽ bị phá vỡ" - KriS giải thích.
Và có lẽ, những nhận định hết sức tích cực của người chơi sau khi Shadow Warrior 2 ra mắt ngày hôm qua (96% người mua đánh giá cao tựa game trên Steam) là minh chứng rõ ràng cho thấy Flying Wild Hog đang đi đúng hướng. Đó là, đầu tư vào chất lượng của tựa game để từ đó, thuyết phục người chơi bỏ tiền ra mua game của mình. "Chúng tôi tin rằng, nếu mình làm được một tựa game thực sự hay, mọi người sẽ mua chúng".
Những đánh giá tích cực có lẽ là minh chứng rõ ràng rằng Studio đang đi "đúng đường"
Khi được hỏi rằng, liệu Studio có biết bao nhiêu bản game của mình đã và đang bị tải lậu, và số đó chiếm bao nhiêu phần trăm so với doanh thu trông đợi, Zielinski cho biết: "Ôi dào ôi, tôi nào đâu có quan tâm đến mấy thứ đó đâu. Chúng tôi vẫn giữ niềm tin rằng, những người hâm mộ phần trước của tựa game này, sẽ tiếp tục ủng hộ chúng tôi".
Maksara bổ sung thêm: "Thế giới chưa, và sẽ không bao giờ hoàn hảo. Bởi vậy, chắc sẽ chẳng bao giờ có chuyện sẽ không ai tải lậu game hết. Trong thời điểm hiện tại, phương pháp tốt nhất để chống việc game bị tải lậu, là việc tạo ra một tựa game hay, đầu tư về mặt công sức, chất lượng, nhưng đồng thời cũng dễ tiếp cận và có giá phải chăng".
Tham khảo Kotaku
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng