Các nhà sản xuất xe hơi tìm cách tránh xa khỏi vết xe đổ của thung lũng Silicon: bằng sáng chế
Các nhà sản xuất xe hơi hiện nay đang biến sản phẩm của mình thành những chiếc máy tính di động với công nghệ tiên tiến đến từ các ông lớn đến từ Thung lũng Silicon. Tuy nhiên, họ không hề muốn đi theo vết xe đổ của các ông lớn này: dính vào các vụ kiện tụng triền miên liên quan vấn đề bằng sáng chế.
Theo đó, trong bối cảnh chuẩn bị cải tiến mạnh các dòng xe chủ lực, các nhà sản xuất xe hơi lớn, từ BMW AG, Hyundai Motor Co. đến Ford Motor Co. đều đang học thuộc bài học từ cuộc chiến smartphone, vốn làm các công ty công nghệ tiêu tốn hàng trăm triệu USD tiền phí pháp lý.
"Không có một nhà sản xuất xe hơi bình thường nào lại muốn lặp lại cuộc chiến như vậy, bởi trong cuộc chiến đó, luật sư là những kẻ duy nhất chiến thắng" - William Coughlin, CEO của Ford Global Technologies cho biết.
Các nhà sản xuất xe hơi đã tăng cường nộp đơn đăng ký bằng sáng chế trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt để tung ra các hệ thống tránh va chạm, Wi-Fi trên xe hơi và các loại xe hơi tự lái. Đáng chú ý, để tránh việc kéo nhau ra toà vì kiện tụng việc người này phải trả phí cho người kia, họ đã liên kết lại với nhau để cùng chia sẻ các bằng sáng chế công nghệ, sử dụng các phần mềm không độc quyền, và mua lại các bằng sáng chế có thể được sử dụng để kiện tụng lẫn nhau.
Biểu đồ cho thấy các nhà sản xuất xe hơi đăng ký rất nhiều bằng sáng chế trong bối cảnh sắp tung ra các dòng xe mới ngày càng hiện đại hơn
Cả Toyota Motor Corp và Ford đều năm trong top 21 công ty đăng ký bằng sáng chế nhiều nhất nước Mỹ, với số lượng bằng sáng chế của mỗi công ty lần lượt là 1.540 và 1.530, đưa họ lên sánh ngang với các công ty công nghệ như Apple Inc., Qualcomm Inc., và Google Alphabet Inc.
Các bằng sáng chế gần đây của Toyota tập trung vào các giải pháp giữ cho phương tiện đi đúng làn đường và phản ứng với tín hiệu giao thông. Ford thì đăng ký bằng sáng chế đối với các cảm biển dùng cho thu thập dữ liệu từ các phương tiện khác và một hệ thống dùng để đo lường sự hài lòng của khách hàng thông qua các biểu cảm hoặc lời nói phát ra trong quá trình lái xe.
Cuộc chiến smartphone bắt đầu vào năm 2010 đã bùng phát bởi sự đối đầu của các hãng điện thoại và máy tính, đẩy Apple vào chiến trường với các nhà sản xuất điện thoại Android. Microsoft sau đó cũng nhảy vào và yêu cầu các khoản hoa hồng từ các điện thoại chạy Android.
Kết quả là các công ty công nghệ thường giải quyết các vụ vi phạm bằng sáng chế tại toà án. Nhưng các nhà sản xuất xe hơi lớn thì ngược lại, giải quyết theo nhiều cách khác nhau, ít thủ tục rườm rà hơn hoặc để các nhà cung ứng tự ra quyết định.
Một trong những cách giải quyết phổ biến là các công ty sẽ liên kết với nhau để chia sẻ công nghệ. Các công ty tại thung lũng Silicon đã lập ra nhiều nhóm và thu hút các nhà sản xuất xe hơi tham gia, để giới hạn số lượng các vụ kiện tụng xuất phát từ các công ty nắm giữ bản quyền - tức các chủ thể luôn tìm cách đòi quyền lợi bằng sáng chế, gọi là "troll".
Số lượng bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ dành cho các công nghệ xe hơi mới
Ford, Honda Motor, Hyundai, Tesla và Volkswagen AG là thành viên của Mạng lưới LOT, một liên đoàn không lợi nhuận trong đó các thành viên hứa sẽ chia sẻ các bằng sáng chế của họ cho các thành viên khác ngay cả khi đã bán chúng cho một công ty khác.
Daimler AG, Ford và Toyota còn tham gia vào tổ chức Unified Patents - tìm cách phủ nhận các bằng sáng chế tại văn phòng Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ. Ford cũng tham gia RPX Corp - một dịch vụ quản trị rủi ro thường mua lại hoặc phủ nhận các bằng sáng chế đã được đệ trình.
Tuần trước, BMW trở thành nhà sản xuất mới nhất tham gia vào một thoả thuận bản quyền, đồng ý trả một khoản phí trên mỗi chiếc xe bán ra để được cấp quyền sử dụng nhiều bằng sáng chế liên quan đến các tiêu chuẩn công nghiệp không dây từ các công ty bao gồm Qualcomm, Ericsson AB, Sony và 8 công ty khác nữa.
Định giá bằng sáng chế
"Họ thấy ngày nào cũng có những vụ kiện tụng và họ không muốn điều đó. Họ nói 'chúng tôi đã nghiên cứu điều này và chúng tôi muốn tránh nó'" - Kassim Alfalahi, người đứng đầu Avanci LLC, một nhóm điều hành quỹ bằng sáng chế tại Dallas cho biết.
Việc định thuế suất bản quyền để sử dụng các công nghệ tiêu chuẩn công nghiệp đã dẫn đến cuộc chiến toàn cầu giữa các công ty công nghệ, mà nổi bật là vụ kiện xuyên lục địa giữa Apple và Qualcomm liên quan phí bằng sáng chế mà Qualcomm thu đối với mỗi chiếc iPhone.
Các nhà sản xuất xe hơi tất nhiên là đang theo dõi vụ kiện, "và họ hiểu rằng có rất nhiều việc phải thoả thuận về việc định giá và kỳ vọng" - Alfalahi nói. Ông từng là chuyên gia tư vấn sở hữu trí tuệ hàng đầu của Ericsson trước khi thành lập Avanci.
Một cách khác để các nhà sản xuất xe hơi cắt giảm chi phí là sử dụng các công nghệ không độc quyền.
"Miền Tây hoang dã"
Open Invention Network - tổ chức mua và cấp bằng sáng chế liên quan đến hệ điều hành nguồn mở Linux - đã ký thoả thuận với các công ty như General Motors và Daimler, cung cấp cho họ quyền truy cập miễn phí để có thể tạo ra các ứng dụng cho hệ thống điện tử trên xe hơi của riêng mình nhằm theo dõi các dòng lưu thông, giúp xe hơi tránh được va chạm hoặc thực hiện các chức năng khác tương tự một máy tính hay smartphone.
Keith Bergelt - CEO của tổ chức - cho rằng cuộc chiến giữa Apple và các điện thoại sử dụng hệ điều hành Android đã "tạo ra một văn hoá dẫn đến nhiều điều tồi tệ nhất trong các công ty".
Ngành công nghiệp xe hơi vẫn chưa hoàn toàn miễn nhiễm với các vụ kiện tụng. Lĩnh vực xe hơi tự lái vẫn giống như một "miền Tây hoang dã", khi các công ty trên khắp thế giới vẫn đang nghiên cứu và hi vọng sẽ đạt được một thành quả vĩ đại nào đó. Và đã xảy ra một vụ việc đáng chú ý: Waymo cáo buộc Uber Technologies đánh cắp bí mật kinh doanh liên quan cảm biến laser Lidar của mình.
Hàng ngàn chiếc xe hiện đang chạy hệ điều hành của Apple và Google để cung cấp các thông tin và chức năng giải trí thông qua màn hình cảm ứng như Apple CarPlay và Android Auto. Ford và BMW thì tích hợp Echo của Amazon lên xe hơi của họ.
Một phần lớn các vụ kiện liên quan các công ty công nghệ là hệ quả của vụ nổ bong bóng dot-com, khi các công ty lớn mua lại bằng sáng chế của các công ty internet đã phá sản và sử dụng chúng để đòi tiền bản quyền từ các công ty vẫn đang hoạt động. Các công ty như Delphi Automotive Plc đã bày tỏ mối quan ngại rằng điều tương tự cũng sẽ xảy ra đối với các công ty không thành công trên thi trường xe hơi tự động.
Các nhà sản xuất xe hơi và các nhà cung ứng đã và đang đầu tư vào các công ty công nghệ, do đó họ sẽ có các quyền đối với một số nghiên cứu dù chuyện gì xảy ra với các công ty đó đi chăng nữa.
Tốc độ thay đổi tương đối chậm của ngành công nghiệp xe hơi cũng sẽ giúp hạn chế các vụ việc pháp lý. Đối với ngành công nghiệp công nghệ, mỗi 18 tháng lại có những sản phẩm mới được ra mắt, còn ở đây, phải mất từ 4 năm hoăc hơn để một tính năng mới thoát khỏi giai đoạn thiết kế và xuất hiện trên các xe hơi trên thị trường.
"Sản xuất xe hơi khác smartphone ở chỗ bạn không thể cứ thế mà thuê ngoài được. Có rất ít công ty trong ngành này, và thị phần thường không thay đổi quá nhiều sau mỗi 5 năm".
Và ngành công nghiệp xe hơi sẽ có thể rút kinh nghiệm từ các vụ kiện bằng sáng chế của ngành công nghiệp công nghệ. Phán quyết của toà án sẽ giúp phá bỏ các bằng sáng chế và giảm thiểu thiệt hại có thể xảy đến từ các vụ kiện dễ dàng hơn. Đồng thời, một điều luật mới đối với việc đăng ký bằng sáng chế, vốn được ủng hộ bởi các công ty tại thung lũng Silicon, cũng sẽ là một "bản án tử" đối với nhiều bằng sáng chế khác.
Cho đến nay, có khá ít các vụ kiện liên quan các xe hơi mới, dù Ford cho rằng chúng sẽ đến, bởi "mọi người đều muốn bảo vệ khoản đầu tư của mình". Tuy nhiên, họ cũng cho rằng sẽ không có nhiều vụ kiện bằng sáng chế "trừ khi có ai đó chơi không đẹp".
Tham khảo: Bloomberg Technologies
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng