Mặc dù những đổi mới trong công nghệ thông tin (CNTT) đã làm thay đổi cách con người sống, làm việc và kết nối, nhưng mô hình tăng trưởng của ngành CNTT đã góp phần làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và cho phép sự hình thành của sức mạnh độc quyền.
Trong hơn 30 năm ở các nền kinh tế tiên tiến, đặc biệt là Mỹ, của cải và bất bình đẳng thu nhập đã tăng lên, tiền lương thực tế (được điều chỉnh theo lạm phát) tăng một cách từ từ, và những người về hưu phải đối mặt với lãi suất tiết kiệm giảm. Trong khi đó, lợi nhuận của các tập đoàn và giá cổ phiếu tăng mạnh. Theo nghiên cứu của Mordecai Kurz, giáo sư kinh tế tại trường đại học Stanford, những thay đổi này chủ yếu là do sự gia tăng của CNTT hiện đại.
CNTT đã ảnh hưởng đến nền kinh tế theo vô số cách: máy tính, Internet, và công nghệ di động đã biến đổi phương tiện truyền thông, bán lẻ trực tuyến, ngành dược phẩm và vô số các dịch vụ liên quan đến người tiêu dùng khác. CNTT đã cải thiện cuộc sống rất nhiều.
Tuy nhiên, bằng cách hỗ trợ sự gia tăng sức mạnh độc quyền và tạo điều kiện cho các rào cản gia nhập ngành, sự phát triển của CNTT cũng có các tác dụng phụ tiêu cực về kinh tế, xã hội và chính trị. Vậy các công ty CNTT đã xây dựng sức mạnh độc quyền của họ như thế nào?
Trước hết, chính cấu trúc của lĩnh vực CNTT cho phép sự hình thành của sức mạnh độc quyền. CNTT đã cải thiện xử lý thông tin, lưu trữ và truyền tải dữ liệu. Các nhà đổi mới CNTT là những chủ sở hữu duy nhất của các kênh thông tin khổng lồ mà họ chủ động cố gắng ngăn chặn đối thủ cạnh tranh sử dụng.
Ngoài ra, các công ty CNTT có thể bảo vệ sức mạnh độc quyền thông qua các bằng sáng chế hoặc bản quyền thuộc quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, những cách này đòi hỏi công khai bí mật thương mại. Do đó, vì lý do chiến lược, nhiều công ty bỏ qua biện pháp bảo vệ pháp lý và củng cố vị trí thống lĩnh thị trường bằng cách phát hành mặc định các bản cập nhật phần mềm liên tục.
Điều này tạo ra những rào cản khiến các đối thủ cạnh tranh khó có thể phá vỡ. Khi các công nghệ tiềm năng mới xuất hiện, các công ty lớn thường cần có đối thủ thách thức họ để tự phát triển cạnh tranh hoặc để ngăn chặn chúng.
Thứ hai, một khi một công ty sáng tạo thiết lập được nền tảng thống trị, quy mô trở thành một lợi thế lớn.
Vì chi phí xử lý và lưu trữ thông tin đã giảm trong những năm gần đây, một công ty có lợi thế về quy mô sẽ có chi phí hoạt động nhỏ hơn và lợi nhuận tăng nhanh khi số người dùng tăng lên, ví dụ điển hình là trường hợp của Google và Facebook. Những lợi thế về chi phí và lợi thế kinh tế nhờ quy mô gần như khiến nhiệm vụ cạnh tranh của các đối thủ trở nên bất khả thi.
Thêm vào đó, vì những công ty này lấy quyền lực của họ từ thông tin, nên vị trí của họ được tăng cường bởi khả năng sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng như một tài sản chiến lược. Thực tế, nhiều nền tảng CNTT không phải là những nhà sản xuất theo nghĩa truyền thống. Họ không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm nào, mà chỉ đóng vai trò là các tiện ích công cộng cho phép phối hợp, chia sẻ thông tin giữa những người sử dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Do đó, CNTT tạo ra rào cản gia nhập thị trường, và củng cố vững chắc vị trí của các công ty hàng đầu (do họ có số lượng người dùng lớn đồng nghĩa với việc sở hữu khối thông tin khổng lồ). Với tốc độ đổi mới CNTT ngày càng nhanh chóng, sức mạnh độc quyền cũng ngày càng tăng lên.
Tài sản độc quyền của các công ty ở Mỹ qua những con số
Giáo sư Kurz đã tính toán được "tài sản độc quyền" - thành phần độc quyền trong giá trị cổ phiếu và lợi nhuận độc quyền.
Trong những năm 1980s, tài sản độc quyền chưa tồn tại. Nhưng khi ngành CNTT phát triển, tài sản độc quyền tăng nhanh chóng. Nó đã đạt mức 82% tổng giá trị thị trường chứng khoán (tương đương 23,8 nghìn tỷ USD) vào tháng 12 năm 2015. Đây là tài sản tăng thêm nhờ sự gia tăng của sức mạnh độc quyền, và nó đang tiếp tục phát triển.
9 trên 10 công ty với tài sản độc quyền lớn nhất ở Mỹ vào tháng 12 năm 2015 liên quan đến lĩnh vực CNTT, tập trung vào truyền thông di động, phương tiện truyền thông xã hội, và dược phẩm. Tương tự, các công ty được biến đổi nhờ CNTT cũng chiếm hầu hết các vị trí trong số top 100 công ty với tổng tài sản độc quyền nhiều nhất.
K Nguyễn
Theo Thời Đại
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng