Các startup "kỳ lân" được định giá tới hàng tỷ USD có đang bị thổi phồng quá đáng?
Cơn sốt các startup non trẻ có vẻ như vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cho dù 2016 từng được dự báo là năm “băng giá” của giới khởi nghiệp công nghệ.
Snapchat và Airbnb đang hâm nóng các sàn IPO, trong khi BuzzFeed, Uber và Palantir thì liên tiếp huy động được hàng trăm triệu USD sau mỗi vài tháng một. Ngay cả những startup chưa từng có doanh thu cũng gọi được hàng chục triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Bong bóng công nghệ hiện nay đang chủ yếu tập trung vào ngành tự động hóa với mỗi kỹ sư phát triển xe tự lái hiện nay được cho là đáng giá tới 10 triệu USD. Những startup mảng này vẫn đang ngày ngày thu hút nhiều vốn thậm chí trước cả khi trình ra được mẫu sản phẩm. Việc gọi vốn quá dễ dàng đã khiến nhiều nhiều startup công nghệ còn chưa trưởng thành đã bị thổi phồng lên quá mức.
Trước tiên, hãy cùng nhìn lại mức giá trị thật của các startup kỳ lân (được định giá 1 tỷ USD trở lên) cùng giá trị dự đoán của các startup đang chuẩn bị lên sàn trong bảng thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Zirra dưới đây.
Bảng thống kê này sử dụng hàng chục loại dữ liệu, từ lưu lượng website, lịch sử huy động vốn, tăng trưởng lượng nhân viên, lượt search Google, review từ người dùng,… Theo đó, giá trị của 20 startup đầu bảng hiện đã bị thổi phồng 27%.
Xét kỹ từng trường hợp, ta sẽ thấy mặc dù được Wall Street Journal đưa ra mức định giá 30 tỷ USD, Airbnb thực chất chỉ đáng khoảng 13,8 tỷ USD. Hay như Pinterest, theo định giá của Techcrunch thì chỉ rơi vào khoảng 4,3 tỷ USD, thấp hơn tới 61% so với mức định giá 11 tỷ USD phổ biến hiện nay. Ngay cả startup cho thuê không gian làm việc chung đình đám WeWork cũng được tính ra chỉ 9,1 tỷ USD, thấp hơn 46% so với mức định giá đương thời, còn SpaceX của tỷ phú Elon Musk thì bị hạ 32% mức giá trị theo cách tính của Zirra.
Bảng so sánh mức định giá các startup hàng đầu hiện nay của Wall Street Journal và Zirra (Đơn vị: Tỷ USD; Nguồn: Zirra)
Vậy lý do đằng sau những màn định giá quá cao trong giới công nghệ là gì? Dưới đây là một vài nguyên nhân có thể kể đến:
Khi lỗ liên tục vẫn có thể nhận thêm đầu tư: Để có tiền mở rộng thị trường và thực hiện các chiến dịch vận động hành lang, những startup như Uber hay Airbnb đều cần các dòng vốn cung ứng liên tục. Việc một hai nhà đầu tư “cứng đầu” nào đó ở series A hay B đòi hỏi cổ phiếu ưu đãi cùng những điều khoản cổ tức bất thường kèm theo có thể khiến hàng loạt nhà đầu tư các vòng sau đòi hỏi điều tương tự, đồng thời đẩy mức định giá các công ty lên cao nữa, cao mãi sau mỗi vòng.
Thị trường chứng khoán tăng điểm: Sau những biến động hồi đầu năm 2016, thị trường cổ phiếu đã lên đỉnh với mức giá cao nhất trong lịch sử. Các công ty như Apple, Alphabet, Facebook, Amazon,… đồng loạt tận hưởng thời kỳ giá cổ phiếu tăng cao, trong khi đó phiên IPO của Snapchat sắp tới cũng có vẻ rất hứa hẹn. Thị trường chứng khoán tăng điểm đã dự báo trước một môi trường đầu tư tích cực, đồng thời khiến mức định giá của cả các công ty tư nhân (chưa lên sàn) cao hơn bình thường khá nhiều.
Phương pháp định giá khác nhau của các quỹ đầu tư: Phát sinh từ yếu tố kể trên, các quỹ đầu tư thường sử dụng phương pháp định giá riêng dựa trên các phương pháp truyền thống, soi xét các dữ liệu về dòng tiền, tăng trưởng, dự báo rủi ro,… của các startup để đưa ra mức giá cuối cùng nên một khi thị trường đang lên, mức định giá cũng sẽ leo thang. Đó là còn chưa kể đến việc nhiều quỹ có xu hướng định giá các startup cao hơn thực tế để thể hiện với các cổ đông góp vốn rằng những khoản đầu tư quỹ từng thực hiện là hoàn toàn đúng đắn và dễ dàng kêu gọi thêm nhiều vốn đổ vào quỹ.
Gọi vốn ngày càng dễ hơn: Mặc cho các yếu tố kể trên liên tục tăng, lãi suất ngân hàng vẫn thấp nên các nhà đầu tư thực tế không có nhiều lựa chọn thay thế hấp dẫn; đầu tư mạo hiểm hay góp tiền vào các quỹ cổ phần riêng vẫn là một lựa chọn phổ biến với “lợi tức cao”. Dòng tiền lớn đổ về tay nhiều nhà đầu tư mới trên thị trường cũng khiến cho các công ty công nghệ tận dụng được xu thế để huy động nhiều vốn hơn.
Tâm lý bầy đàn: Các startup “copycat” chạy theo mô hình của những công ty thành công ngày càng xuất hiện nhiều hơn đã tạo ra ấn tượng về một thế giới startup lớn hơn thực tế nhiều lần. Điều này cũng khiến các startup không quá tiềm năng (chưa gây ấn tượng với các nhà đầu tư danh giá) dễ dàng lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư hạng hai, hạng ba trên thị trường.
Cạnh tranh khốc liệt để giành giật các startup nổi trội giữa các quỹ đầu tư đã khiến họ xem nhẹ công đoạn rà soát đặc biệt và vội vàng rót luôn vốn khủng. Điều này tiếp tục ảnh hưởng đến các vòng gọi vốn sau, thậm chí đến các startup chẳng mấy nổi trội khác. Nhu cầu rót vốn quá cao trong khi startup “đỉnh” lại không nhiều đã khiến cho các vòng gọi vốn ngày một phình to.
Bong bóng đầu tư vào các startup công nghệ hiện nay chắc chắn sẽ không kéo dài mãi mãi. Các lĩnh vực siêu hot hiện tại như điện toán đám mây hay ứng dụng smartphone sẽ sớm không còn gây sốt như trước đây. Ngay cả AI hay tự động hóa cũng sẽ có ngày mất dần sức hút, dù có thể ngày đó còn cách xa nhiều năm nữa. Thế nhưng đến một lúc nào đó, khi người dùng sẽ tự nhận ra rằng họ chẳng cần những sản phẩm rập khuôn thừa thãi, chúng ta sẽ được thấy thế trận đầu tư và định giá thú vị hơn với những điều khoản thân thiện hơn.
Tham khảo Techcrunch
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng