Các tính năng làm nên một smartphone hấp dẫn với người dùng
Các nhà sản xuất sẽ phải tiếp tục cải tiến điện thoại của mình nhiều hơn thay vì phát triển các tính năng xa vời chỉ có lợi cho quảng cáo.
Tính đến thời điểm cuối năm 2013, đã có khoảng một tỷ smartphone được xuất xưởng và con số này có thể sẽ còn tăng cao hơn trong năm 2014 dù trên thế giới một số thị trường di động bắt đầu rơi vào trạng thái bão hoà.
Kể từ khi thiết bị Android đầu tiên đổ bộ vào tháng 10 năm 2008, những cải tiến công nghệ di động đã xuất hiện một cách nhanh chóng. Chưa có giai đoạn nào mà các thiết bị di động lại được quan tâm và tập trung gần như mọi tinh hoa của công nghệ như lúc này. Cũng vì thế, cuộc chạy đua công nghệ giữa các hãng sản xuất ngày càng trở nên căng thẳng và khốc liệt hơn. Tuy nhiên, dường như các nhà sản xuất lại quên đi những gì người dùng thực sự cần ở một smartphone.
Màn hình viền siêu mỏng
Điện thoại thông minh đã có những cải tiến đáng kế về thiết kế trong suốt thời gian qua, tuy nhiên trong tương lai điều gì sẽ khiến cho kiểu dáng của smartphone trở nên hoàn hảo hơn? Nhiều người cho rằng đó là viền màn hình siêu mỏng trong khi một số khác lại thấy việc viền màn hình quá mỏng cũng có những nhược điểm như là dễ bị hỏng màn hình khi bị va chạm.
Cụ thể, viền màn hình giúp bảo vệ màn hình cảm ứng trước những va chạm vật lý vì không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nâng niu chiếc điện thoại của mình. Ngoài ra, nếu như các bộ vỏ bảo vệ ôm sát vào các cạnh của điện thoại thì cũng đồng nghĩa với việc thao tác màn hình ở phần cạnh máy sẽ trở nên khó khăn hơn. Khó có thể phủ nhận rằng viền màn hình của smartphone đang ngày càng mỏng đi và trở thành một trong những điểm nhấn thiết kế, tuy nhiên, mỏng đến đâu, như thế nào lại là câu hỏi mà nhiều hãng điện thoại cần tự mình giải đáp để đem tới những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Màn hình dẻo
Cách đây không lâu, màn hình dẻo đã có một khởi đầu không mấy thuận lợi dù được quảng cáo rầm rộ. Trong tương lai, màn hình dẻo sẽ được cải thiện về độ bền và tạo điều kiện cho ra đời các kiểu thiết kế mới, nhưng nhìn chung công nghệ màn hình này vẫn còn khá nhiều hạn chế. Hãy thử tưởng tượng, sẽ thú vị thế nào khi smartphone sử dụng màn hình dẻo có thể biến thành một chiếc máy tính bảng trong tương lai một cách dễ dàng?
Màn hình hiển thị 4K
Đây không phải là lần đầu tiên điện thoại thông minh với màn hình 4K được nhắc đến, nhưng liệu công nghệ màn hình này có thực sự cần thiết? Câu trả lời rõ ràng là không, tuy nhiên, thực tế là nhiều người dùng vẫn rất muốn sở hữu một smartphone với màn hình 4K.
Trên lý thuyết, màn hình 4K đã đạt đến giới hạn của nhãn cầu trên mắt người. Do đó dù có được trang bị công nghệ màn hình này thì điện thoại của bạn cũng chỉ hiển thị nét hơn một chút trong khi chúng ta lại phải trả giá bằng vi xử lý mạnh hơn và viên pin dung lượng cao để cung cấp năng lượng cho màn hình này.
Hiện tại, đã có một số thiết bị được tích hợp màn hình 2K và có vẻ như con đường đi lên màn hình 4K sẽ không còn xa. Thực tế là ngày càng có nhiều màn hình 4K được sản xuất và TV 4K cũng đang trở nên phổ biến hơn. Nhưng các nhà sản xuất nên cân nhắc ứng dụng loại màn hình siêu nét này lên smartphone của mình vì những rắc rối mà nó có thể đem lại.
Công nghệ sinh trắc học
Cách đây vài năm, dù cảm biến nhận dạng dấu vân tay đã được đưa vào thiết bị Motorola Atrix. Tuy nhiên, phải tới khi Apple tích hợp cảm biến vân tay Touch ID trên iPhone 5s, công nghệ này mới thực sự bùng nổ. Và giờ đây, ngay cả Samsung cũng đã mang công nghệ này lên Galaxy S5. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu có cần thiết phải bảo mật sinh trắc học vào điện thoại thông minh?
Dù trước đây, việc bảo mật điện thoại bằng mã PIN đem tới độ tin cậy cao, nhưng hầu hết mọi người không sử dụng mã PIN bởi nó đã gây ra không ít bất tiện. Theo đó, cảm biến nhận dạng dấu vân tay được ra đời là để giải quyết vấn đề này, ngoài ra, nó còn giúp người dùng mở khoá điện thoại nhanh chóng và đem tới phương thức sử dụng dễ dàng hơn.
Thời lượng pin tốt hơn
Từ khi điện thoại ra đời, thời lượng pin vẫn luôn là vấn đề được quan tâm hơn cả trong những cuộc thăm dò từ phía người dùng. Theo thời gian, công nghệ pin dành cho di động đã phát triển hơn và cho thấy nhiều cải thiện đáng kể nhờ vào phần mềm. Tuy nhiên, do việc các màn hình hiển thị ngày càng lớn và nhiều tính năng mới xuất hiện nên gần như thời lượng pin trên smartphone tỏ ra không tốt hơn là bao.
Do đó, các nhà phát triển đang tiếp tục cải tiến công nghệ sạc không dây và bổ sung các tấm pin mặt trời dưới lớp màn hình để tận dụng tối đa lợi thế của màn hình lớn khi sử dụng điện thoại. Bên cạnh đó, việc ngày càng xuất biện các bằng sáng chế liên quan tới phương pháp sạc pin nhanh dành cho điện thoại thông minh cũng là một tín hiệu vui dành cho người dùng.
Camera tốt hơn
Mặc dù số “chấm” trên máy ảnh điện thoại vẫn không ngừng tăng cao nhưng có vẻ như nó đang xa rời nhu cầu thực tế của người dùng. Hiện nay, điều mà nhiều người dùng muốn ở smartphone là khả năng chụp hình ngay lập tức. Có nghĩa là ứng dụng máy ảnh sẽ cần phải khởi động ngay lập tức và lấy nét siêu nhanh để không bỏ lỡ khoảnh khác nào. Ngoài ra, việc cải thiện khả năng chụp ảnh thiếu sáng cũng không hẳn là mục tiêu xa vời. Do đó, các nhà sản xuất cần tập trung cải thiện những tính năng cơ bản của máy ảnh trước khi đến với những kỹ thuật chỉ dành cho những nhiếp ảnh gia.
Tăng dung lượng bộ nhớ
Trong suốt một khoảng thời gian dài phát triển, gần như không có nhiều cải tiến về bộ nhớ của smartphone. Đa phần, các thiết bị hiện nay có bộ nhớ tối đa là 64 GB, trong khi chỉ có một vài thiết bị có bộ nhớ là 128 GB. Các nhà sản xuất cho rằng người dùng có thể sự dụng thẻ nhớ microSD để khắc phục việc thiếu bộ nhớ còn đối với iPhone hay các thiết bị không hỗ trợ thẻ nhớ thì các dịch vụ lưu trữ đám mây sẽ giúp giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên nhiều người dùng cảm thấy rằng họ đang bị ép phải trả tiền để dùng các dịch vụ lưu trữ đám mây, nhất là người dùng iPhone bởi sự chênh lệch giá của một chiếc iPhone bản 16 GB so với 64 GB là những 200 USD.
Tính năng chống nước
Hiện nay, chống thấm nước đang dần trở thành xu thế chung của các dòng smartphone cao cấp. Mặc dù đây không phải là yếu tố quan trọng hàng đầu được người dùng để ý đến khi chọn một chiếc điện thoại nhưng tính năng này được xem như sự đảm bảo về chất lượng của sản phẩm. Theo nhiều chuyên gia, thiết kế chống nước làm tăng giá thành sản phẩm. Có lẽ vì vậy mà không nhiều model được thiết kế sẵn khả năng này ngoại trừ thị trường Nhật vốn rất phổ biến các sản phẩm điện tử, cầm tay có khả năng chống nước.
Nhiều khả năng trong thời gian tới, các hãng sản xuất di động sẽ hợp tác cùng nhau để trang bị công nghệ chống nước trước khi sản phẩm xuất xưởng. Tuy nhiên, nếu những ý tưởng này thành hiện thực, đây không còn là tính năng bổ sung cho smartphone mà sẽ thành chuẩn đại trà.
Tạm kết
Trên thực tế, mong muốn của người dùng luôn khác nhau và ngày càng tăng lên. Trong khi nhiều người muốn sở hữu các thiết bị có vỏ chống nước tốt hơn và thiết kế mỏng nhẹ hơn, thì một số khác muốn sản phẩm được cải thiện chất lượng loa nhằm phục vụ hiệu quả cho màn hình lớn khi xem video. Ngoài ra, cũng có một bộ phận người dùng lại trông chờ vào việc cải tiến chất lượng cuộc gọi, tốc độ Wi-Fi, khả năng duy trì tín hiệu mạng, định vị GPS... Dĩ nhiên các nhà sản xuất sẽ phải tiếp tục cải tiến điện thoại của mình nhiều hơn nữa để đáp ứng những ước muốn này và họ nên giảm bớt việc phát triển các tính năng xa vời chỉ có lợi cho quảng cáo.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng