Cách NASA chọn phi hành gia bay vào không gian: Loại 99,9% ứng viên để tìm người xuất chúng, tỷ lệ chọi 1:1500, hưởng lương hơn 2,3 tỷ đồng/năm
Tiêu chí NASA đặt ra những năm trước đây, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn gây ra được tiếng vang, nhất là khi Mỹ sắp thực hiện chuyến bay lên mặt trăng vào năm 2024.
- NASA cung cấp hình ảnh chưa từng thấy về 'Tinh vân chiếc nhẫn'
- Chỉnh nhầm hướng ăng-ten, NASA vừa vô tình tự cắt đứt liên lạc với tàu thăm dò phóng từ 46 năm trước
- NASA đưa 2.487 con sứa vào không gian: Tốc độ sinh sản tăng gần gấp đôi nhưng xuất hiện điều bất thường này
- NASA đã từng phát hiện sự sống trên sao Hỏa nhưng vô tình tiêu hủy?
- NASA phát hiện cấu trúc giống như cây thánh giá ở giữa thiên hà
Đầu năm 1982, George Abbey, khi đó là Giám đốc điều hành chuyến bay của NASA tại Trung tâm vũ trụ Lyndon B. Johnson Houston, đã phải đưa ra một quyết định quan trọng: Lựa chọn nhóm khoảng 30 phi hành gia trong danh sách đã được NASA chỉ định trước đó để thực hiện các chuyến bay vào không gian. Cùng với phi công máy bay phản lực quân sự thông thường, thành viên khác bao gồm các bác sĩ, kỹ sư và nhà khoa học - những người có thể thực hiện các nhiệm vụ mang tính chuyên môn hơn.
Danh sách năm đó ghi nhận rất nhiều thứ “đầu tiên”: những phi hành gia da màu đầu tiên, phi hành gia người Mỹ gốc Á đầu tiên và phi hành gia không phải nam giới đầu tiên. Nước Mỹ sắp chọn ra những người phụ nữ hiếm hoi có cơ hội đặt chân vào vũ trụ.
Họ là Anna Fisher - bác sĩ cấp cứu; Shannon Lucid - nhà hóa học; Judy Resnik - kỹ sư điện; Sally Ride - cựu vận động viên quần vợt kiêm nhà vật lý thiên văn; Rhea Seddon - bác sĩ phẫu thuật và Kathy Sullivan - chuyên gia hải dương học kiêm địa chất học.
“Cuối cùng thì NASA cũng phải chọn một trong số chúng tôi. Hai người phụ nữ cùng làm một nhiệm vụ vào thời điểm đó có lẽ là điều không thể”, Kathy Sullivan nói.
Ai trong số 6 người phụ nữ trên sẽ được chọn để đặt chân lên không gian?
Truyền thông năm đó được dịp dậy sóng với đủ các bài báo phỏng vấn 6 người phụ nữ tài năng. Bác sĩ Fisher, với mái tóc bồng bềnh thu hút, sớm trở thành nhân vật được cánh báo chí yêu thích. Trước đó, bà cũng từng xuất hiện trên trang bìa tạp chí Redbook để chia sẻ về thói quen tập thể dục và ăn kiêng điều độ.
Nhà hoá học Seddon cũng tham gia phỏng vấn, chụp ảnh và được đặt ra vô số câu hỏi về mẹo ăn kiêng. “Cô ấy trông giống như một hoạt náo viên của trường đại học - một trong những cô gái xinh đẹp nhất trong hàng nữ sinh”, một bài viết trên tạp chí Weight Watchers nhấn mạnh. Được biết, Seddon đã kết hôn với một phi hành gia và ai nấy đều thắc mắc liệu NASA để cả hai vợ chồng cùng bay vào vũ trụ.
NASA không công khai chấm điểm bất kỳ ai, song cả 6 người phụ nữ đều ngầm hiểu rằng giá trị của họ trong mối quan hệ với công chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Sullivan nhớ lại: “Nếu tất cả những yếu tố khác đều như nhau, họ sẽ chọn một người thường xuyên được lên báo”.
Ride và Resnik đều có vẻ ngoài ưa nhìn, song không muốn gây ra quá nhiều sự chú ý. Đến năm 1982, bà Ride cho biết bản thân cảm thấy mệt mỏi với những câu hỏi phỏng vấn ngớ ngẩn, trong khi bà Resnik không thích mọi người tập trung quá nhiều vào cuộc hôn nhân đổ vỡ của mình.
Dĩ nhiên, NASA có những tiêu chí riêng để lựa chọn đội phi hành gia tiềm năng đặt chân lên vũ trụ. Cách giám đốc Abbey đưa ra lựa chọn của mình cho đến thời điểm hiện tại vẫn gây ra được tiếng vang, nhất là khi Mỹ sắp đưa người phụ nữ và thành viên da màu đầu tiên lên mặt trăng vào năm 2024.
Sally Ride lớn lên và trở thành vận động viên quần vợt, sau đó nhanh chóng theo học Đại học Stanford và lấy bằng Tiến sĩ mảng vật lý thiên văn. Bài báo mang tiêu đề “NASA tuyển nữ phi hành gia đầu tiên” năm đó đã khiến bà hứng thú.
“Vì bất cứ lý do gì, tôi không khuất phục trước định kiến rằng khoa học không dành cho con gái. Tôi nhận được sự khích lệ từ cha mẹ. Chưa từng có một giáo viên nào nói với tôi rằng khoa học chỉ dành cho con trai”, bà Sally Ride nói.
Judy Resnik có trải nghiệm tương tự tại Đại học Maryland - nơi bà đang hoàn thành nốt bằng tiến sĩ về kỹ thuật điện. Đây là một thiên tài toán học đến từ Ohio và cũng đồng thời là một nghệ sĩ piano cổ điển, xuất chúng trên mọi lĩnh vực.
Tình cờ biết đến thông báo của NASA, Resnik bắt đầu lấy lại vóc dáng và tham gia các khóa học bay. Bà cũng tìm kiếm lời khuyên từ một số các chuyên gia, trong đó có phi hành gia Michael Collins của tàu Apollo 11.
Theo Bloomberg, cả bà Ride và bà Resnik đều đặc biệt thành thạo Hệ thống điều khiển từ xa và cánh tay robot. Họ được huấn luyện kỹ càng, biết xử lý trọng tải cơ thể và chụp ảnh, quay video bằng camera gắn trong đầu cánh tay.
Sử dụng thuần thục cánh tay robot là một trong số các tiêu chí quan trọng. NASA muốn xem xem liệu các phi hành gia có thể thực hiện tốt các thao tác cơ bản này hay không trước khi lựa chọn ra người xứng đáng.
Theo các báo cáo ghi chép lại, Resnik sử dụng hệ thống robot giỏi đến nỗi NASA đã điều chuyển bà đến Trung tâm Điều khiển Sứ mệnh vào tháng 3/1982 để hỗ trợ những phi hành đoàn cần trợ giúp khắc phục sự cố. Trong chuyến bay tàu con thoi thứ hai và thứ ba, bà đóng vai trò người liên lạc chính giữa các tổ bay và hàng chục công nhân dưới mặt đất.
Bà Ride cũng có kiến thức sâu rộng về cách thức liên lạc hiệu quả giữa tàu con thoi và Trái đất. Bà được giám đốc Abbey và cựu phi hành gia Bob Crippen đánh giá cao nhờ thái độ bình tĩnh trước mọi tình huống nguy cấp giả định.
“Bất kỳ người phụ nữ nào được chọn cũng sẽ gây ra hiệu ứng cực kỳ lớn. Chúng tôi muốn một người có thể xử lý được tất cả những điều này”, Bob Crippen nói.
Giám đốc Abbey khi ấy đã tạo một bảng tính: đánh dấu X để chỉ điểm mạnh của từng phi hành gia. Kết quả, bà Ride là người chiến thắng bởi hiểu rõ hơn về hệ thống. Bác sĩ Fisher chỉ đứng vị trí thứ ba dù được đông đảo công chúng hâm mộ.
“Sally Ride là người có trình độ tốt nhất. Không một ai có thể làm điều đó tốt như cô ấy”, ông Abbey vui mừng thông báo.
Bà Ride hay tin vào sáng sớm ngày 19 tháng 4 năm 1982. Cả cơ thể râm ran suốt chặng đường bà đến với NASA. Khi được hỏi liệu đã suy nghĩ kỹ về sứ mệnh quan trọng sắp tới, Sally Ride khẳng định: “Tôi không nghi ngờ gì về điều đó”.
Đến đầu năm 1983, quá trình tập luyện của bà Ride ngày càng căng thẳng. Nhóm bắt đầu dành nhiều thời gian hơn trong các thiết bị mô phỏng tàu con thoi. Tất cả được diễn tập tỉ mỉ để chuẩn bị cho chuyến bay kéo dài 1 tuần - chuyến bay với hầu hết là nam giới.
Sally Ride không phải người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nhân loại bay vào không gian, song bà vẫn là phụ nữ Mỹ đầu tiên chạm đến cột mốc lịch sử này. Báo chí Mỹ khi đó vồ vập trước thông tin này và tiếp cận bà bằng những câu hỏi thiếu tế nhị, chẳng hạn như cách bà đối mặt với kỳ kinh nguyệt trên không gian.
“Tại sao không ai đi hỏi Rick (Trung tá Hải quân Frederick H. Hauck, phi công của sứ mệnh) những câu hỏi kiểu như thế?”, bà Ride chất vấn. “Bạn có thể tưởng tượng các cuộc phỏng vấn ngại ngùng về những gì cần có trong bộ tư trang nữ không?”, bà Ride nói và nhớ lại khoảnh khắc mình nhẹ nhàng kéo hết băng vệ sinh này đến băng vệ sinh khác ra khỏi túi. Tất cả chúng được xâu chuỗi lại với nhau như xúc xích.
“100 chiếc băng vệ sinh có phải là số lượng cần thiết cho một chuyến đi kéo dài một tuần không?”.
“KHÔNG. Đó không phải là con số phù hợp”, bà Ride trả lời.
“Ồ, chúng tôi chỉ muốn sự an toàn thôi”.
Sát ngày bay, áp lực của bà Ride càng thêm nặng khi phải trả lời phỏng vấn rất nhiều tờ báo. Hầu hết đều nghi hoặc trước viễn cảnh một phụ nữ nào đảm đương công việc của một phi hành gia và bà Ride luôn cố gắng tránh né những câu hỏi này một cách duyên dáng.
“Trong quá trình tập luyện, nếu có bất cứ điều gì trục trặc xảy ra, cô sẽ phản ứng ra sao? Cô có khóc không?”, một phóng viên của tờ Times hỏi.
“Thật tệ khi chúng ta không thể nghĩ xa hơn và đây là một vấn đề lớn. Đã đến lúc mọi người nhận ra rằng phụ nữ ở đất nước này có thể làm bất kỳ thứ gì mà họ muốn”, bà Sally Ride khẳng định.
Với một niềm vinh dự tột cùng, bà Ride sau đó đã dành 6 ngày trên quỹ đạo Trái Đất cùng các đồng đội. Ở tuổi đời còn rất trẻ, bà đã hiện thực hoá được ước mơ của hàng ngàn phụ nữ Mỹ. “Tôi cảm thấy thật vinh dự khi được chọn là người phụ nữ đầu tiên có cơ hội bay vào vũ trụ”, bà vui mừng nói.
Sau này, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong một thông cáo chia buồn trước sự ra đi của bà Sally Ride, đã ví đây như một “anh hùng dân tộc, một hình mẫu mạnh mẽ” truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ các cô gái trẻ muốn vươn tới các ngôi sao. “Cuộc sống của Sally cho thấy rằng không có giới hạn trong những gì chúng ta có thể đạt được. Di sản bà để lại sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa”, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nói.
“Sally Ride đã phá vỡ mọi rào cản giữa uyển chuyển và khuôn mẫu, hay nói cách khác, thay đổi bộ mặt chương trình không gian nước Mỹ. Bà ra đi nhưng ngôi sao mang tên bà sẽ còn chiếu sáng mãi trên bầu trời”, Giám đốc cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), ông Charles Bolden cho biết.
Được biết trong thời gian tới, NASA dự kiến sẽ chọn ra người phụ nữ đầu tiên có cơ hội đặt chân lên mặt trăng. Nhờ có giai thoại về Sally Ride, khoảng thời gian sắp tới được cho là sẽ dễ dàng hơn đối với người kế nhiệm, ít nhất là trên một khía cạnh nào đó. Dẫu vậy, ở cuối con đường, vẫn còn rất nhiều việc cô gái đó cần phải làm để chứng minh mình xứng đáng.
Vào năm 2015, khi Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đăng thông báo tuyển phi hành gia, kỳ lục hơn 18.000 đơn đăng ký được ghi nhận. 99,9% số người ứng tuyển bị loại ngay từ vòng hồ sơ và chỉ hơn chục người nhận được giấy gọi tới Trung tâm vũ trụ Johnson tại bang Houston, Mỹ để tham gia đào tạo. Tỷ lệ chọi tương đương 1:1500.
Tỷ lệ đỗ cực thấp của NASA bắt nguồn từ nhiều lý do và cơ quan này có quyền lựa chọn những ứng viên xuất sắc trong số những người giỏi nhất: trình độ kỹ thuật như phi công, phẩm chất dũng cảm như lính đặc nhiệm, kiên nhẫn như giáo viên và sức bền như một vận động viên leo núi.
Qua vòng tuyển chọn, các ứng viên sẽ phải trải qua chương trình huấn luyện khắc nghiệt để làm quen với tình huống khẩn cấp trong điều kiện thực tế và mô phỏng. Họ cũng sẽ phải đánh giá thể chất thông qua các chuyến bay và dành hàng giờ làm việc dưới nước trong bộ đồ phi hành gia để đạt tới độ phản ứng tức thời mà không cần suy nghĩ.
“Mắc lỗi trong thiết bị mô phỏng là một chuyện. Làm hỏng việc trên một chuyến bay với tốc độ 800 km/h lại là một chuyện khác. Khả năng sống sót của bạn sẽ giảm đi rất nhiều”, cựu phi hành gia Terry Virts, nói.
Được biết, theo như quy định của năm 2018, các phi hành gia mới sẽ nhận mức lương cấp GS-12 bậc 1, tức rơi vào khoảng 63.600 USD/năm (khoảng 1,5 tỷ đồng). Sau vài năm kinh nghiệm họ có thể lên đến GS-13 bậc 3 với mức lương là 98.317 USD/năm (khoảng 2,3 tỷ đồng), theo BI.
Theo: Bloomberg Businessweek
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng