Copy chiếc Model S thành một chiếc xe hơi cao cấp truyền thống quả là một thử thách không hề đơn giản.
Trong tuần qua, thương hiệu Cadillac của General Motors đã xuất xưởng mẫu xe điện ELR cuối cùng. Từ tháng 2 vừa qua, chủ tịch Cadillac Johan de Nysschen đã lên tiếng khẳng định GM sẽ không đầu tư thêm vào ELR.
Như vậy, một trong những đối thủ trực diện của Model S đã bị khai tử. Cái chết của ELR có thể coi là minh chứng cho thấy Tesla sẽ còn độc tôn trên thị trường xe hơi chạy điện cao cấp trong một thời gian dài.
Trong vòng nhiều năm kể từ khi Model S vươn đến thành công, nhiều khách hàng vẫn lên tiếng than phiền về mức độ hoàn thiện quá kém cỏi của dòng sedan chạy điện cao cấp này. Với kinh nghiệm chỉ vỏn vẹn chỉ vài năm, Tesla không biết cách thiết kế ghế da, tay nắm cửa và nói chung là gần như toàn bộ nội thất xe – dĩ nhiên là ngoại trừ hệ thống thông tin giải trí siêu hạng.
Những người bi quan nói rằng chiếc Model S không tạo ra cảm giác của một chiếc xe hơi hạng sang. Cadillac, một thương hiệu đã có hàng chục năm tuổi, chắc chắn không mắc phải những sai lầm này.
Ấy vậy mà Model S vẫn sống tốt. ELR bán được vỏn vẹn 2.700 chiếc trong toàn bộ vòng đời.
Đâu là lý do tạo ra sự trái ngược này? Đầu tiên, không thể phủ nhận được rằng Tesla đang là thương hiệu xe hơi được đông đảo người tiêu dùng gắn liền với sự sáng tạo. Những tính năng mới liên tục được cung cấp qua các bản cập nhật dành cho hệ thống máy tính gắn liền trên xe, trong đó bao gồm cả tính năng tự lái Autopilot đã khiến báo chí tốn rất nhiều giấy mực. Không một hãng xe hơi truyền thống nào phát triển được những chiếc xe hơi thông minh thực thụ theo cách này cả.
Quan trọng hơn cả, với vị trí một hãng xe tập trung toàn bộ vào công nghệ động cơ điện, Tesla cũng rất chịu khó đi đầu các công nghệ bổ trợ. Các trạm sạc Supercharger phủ sóng trên toàn nước Mỹ, công nghệ thay thế pin nhanh dù không được ưa chuộng nhưng vẫn là minh chứng cho thấy Tesla không có đối thủ trên lĩnh vực công nghệ bổ trợ cho xe điện. Cả GM, Ford, BMW và Nissan – các hãng bám đuổi Tesla quyết liệt nhất – đều chưa ra mắt được các công nghệ hỗ trợ tương tự. Không một ai biết liệu những hãng lớn như GM có thể tạo ra được một mạng lưới hệ thống sạc như Superchargers hay không.
Thực chất, ELR xuất thân là một mẫu concept được GM ra mắt từ tận 2009. Model S phải tới tận 2012 mới ra đời. Nếu GM nhanh nhạy hơn, quyết liệt hơn, kịch bản của ngày hôm nay có lẽ đã khác.
Nhưng dĩ nhiên là các đối thủ của Tesla không chỉ bao gồm các thất bại. Nếu nói về tổng doanh số xe điện, Nissan đang đứng đầu với 200.000 mẫu Leaf bán ra trong vòng 5 năm. Tính đến hết năm 2015, Tesla mới chỉ chạm mốc 100.000 chiếc.
200.000 không phải là một con số thấp. Nhưng vừa mới ra mắt, chưa ai được lái thử, chiếc Model 3 của Tesla đã nhanh chóng đạt 325.000 đơn hàng. Đến cuối tháng 4, tổng số đơn hàng dành cho mẫu xe hơi chạy điện này đã chạm mốc 400.000.
Rõ ràng, nếu muốn lựa chọn xe điện, ngay từ bây giờ người tiêu dùng đã có một lựa chọn tốt từ Nissan. Hãng xe Nhật Bản chắc chắn sẽ không gặp các vấn đề chuỗi cung ứng trầm trọng như Tesla. Nhưng cuối cùng hàng trăm nghìn người vẫn quyết định đợi một khoảng thời gian dài để được sở hữu một chiếc Tesla.
Sự đối lập này cho thấy một sự thật quan trọng: ngay cả trên phân khúc giá rẻ vốn không vắng bóng như phân khúc cao cấp, người tiêu dùng vẫn gắn liền khái niệm “ô tô điện” với Tesla. Đây là phân khúc người dùng không thể đòi hỏi nội thất đắt tiền, nhưng Tesla thậm chí còn cắt luôn cả bảng thông tin (dashboard) truyền thống từ Model 3. Quan trọng nhất, 2 năm là một quãng thời gian quá dài để chờ đợi một sản phẩm mới. Bất chấp tất cả, 400.000 người vẫn sẵn sàng bỏ ra 1.000 USD để mua lấy sự chờ đợi đó.
Sự chờ đợi đó có thực sự là xứng đáng? Cũng giống như các mẫu xe điện cao cấp không gắn mác Tesla, Nissan Leaf không sở hữu một hệ thống sạc rộng khắp và cũng không đi thuộc cùng một công ty có các sản phẩm lưu trữ điện mặt trời siêu việt như Powerwall và Powerpack. Chiếc xe này không đi kèm một bộ não điện tử cho phép tự lái trên đường trường. Về mặt thiết kế, Nissan Leaf bộc lộ rõ ràng bản chất là một chiếc xe rẻ tiền. Nói cách khác, dù có thể mang lợi thế về nội thất và chuỗi cung ứng nhưng Nissan Leaf không mang những đặc tính siêu việt đã trở thành dấu ấn của Elon Musk.
Khi Model S và Model 3 đạt được thành công, nhiều người đã nhanh chóng lên tiếng cảnh báo về những vấn đề tiềm ẩn trong tương lai của Tesla. Họ dự đoán một cách u ám rằng công nghệ xe điện sẽ sớm phổ cập, và khi kịch bản đó trở thành hiện thực, Tesla sẽ chẳng còn bất cứ điểm mạnh gì so với những chiếc xe Ford hay Toyota, thậm chí còn thua kém về chất lượng hoàn thiện.
Thế nhưng, sự thật là cuộc cách mạng xe điện không thể diễn ra một cách chớp nhoáng và dễ dàng đến thế. Tesla có thể chưa xây dựng được một chuỗi cung ứng 100.000 xe/năm, nhưng công ty của Elon Musk hoạt động với tư duy của một nhà sản xuất xe điện thuần túy, một công ty công nghệ thực thụ chứ không phải là một nhà sản xuất xe hơi truyền thống. Cái chết của những mẫu xe điện cao cấp như ELR và doanh số áp đảo của Model 3 so với các dòng xe điện phổ cập ngay từ ngày nay cho thấy tư duy đó của Tesla đã mang lại hiệu quả thực thụ từ phía người dùng.
Bắt đầu từ thời đại Tesla, chúng ta sẽ phải học cách nghĩ khác về chiếc xe hơi đã 140 năm tuổi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng