Cài đặt nhiều hệ điều hành trên smartphone - nên hay không?
Khái niệm chạy nhiều nền tảng hệ điều hành trên cùng một thiết bị là không quá mới mẻ, nhưng liệu điều đó có cần thiết?
Công nghệ càng phát triển, con người ta càng "đòi hỏi" nhiều thứ hơn cho cuộc sống của họ, điều này có vẻ như luôn đúng trong cuộc sống hiện đại. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới của vô vàn các thiết bị điện tử, một thế giới mà những chiếc smartphone thông minh đang trở thành vật dụng không thể thiếu mỗi ngày.
Thế nhưng trong khi các nhà cung cấp đang tích cực phát triển các hệ điều hành mới hơn, tốt đẹp hơn cho các sản phẩm này thì người dùng lại muốn nhiều hơn thế: tại sao một chiếc smartphone lại chỉ có thể chạy được một hệ điều hành?
Với máy tính, Dual boot không phải là điều gì đó quá khó khăn
Nhìn sang thị trường "anh em" của những chiếc điện thoại là thị trường máy tính, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy vấn đề này một cách rõ ràng hơn. Khi mà mỗi chiếc máy tính được bán ra trên thị trường thường sử dụng một hệ điều hành duy nhất, chúng ta lại cố gắng thay đổi điều đó với việc cài lên chúng những hệ điều hành khác.
Tất nhiên, điều này không xấu, mà thậm chí đây còn là một sở thích vô cùng thú vị của những người đam mê công nghệ. Bởi lẽ dù là OS X, Windows hay một hệ điều hành khác thì cũng sẽ luôn có những thứ mà chúng ta "khao khát" sử dụng ngay trên chiếc máy tính của mình. Hệ quả là những chiếc máy tính Mac "thường" được chúng ta cài đặt Bootcamp để chạy song song với hệ điều hành Windows, trong khi người dùng Windows thì lại cố gắng ... cài đặt Hackintosh hay một hệ điều hành Linux trên máy của mình.
Quay trở lại với vấn đề chính - những chiếc smartphone chạy đa hệ điều hành. Trong quá khứ thì chúng ta đã từng được biết đến một chiếc HTC HD2 "thần thánh" khi có thể cài đặt cả Android lẫn Windows Phone trên chính nó. Điều này đặt cho thị trường smartphone một câu hỏi: Liệu chăng các nhà sản xuất có nên tạo ra các thiết bị như thế để người dùng tự do trong việc lựa chọn Android, Windows Phone hay thậm chí là Firefox OS mới (hãy quên iOS đi vì Apple chẳng chấp nhận điều đó đâu).
Người dùng mong muốn gì?
Xét về mặt người dùng, rõ ràng việc tự do tuỳ biến một hệ điều hành trên điện thoại đem lại cho chúng ta rất nhiều cái lợi. Dù là Windows Phone, Android hay một hệ điều hành khác, chúng luôn có những thế mạnh mà người dùng muốn trải nghiệm nhưng vì nhiều lí do mà họ không muốn sở hữu nhiều thiết bị cùng lúc (tài chính có vẻ là lí do hợp lí nhất).
Nếu như Windows Phone có sẵn thế mạnh với bộ sản phẩm Office, các dịch vụ Outlook hay OneDrive thì Android lại thu hút người dùng bởi một kho ứng dụng đồ sộ từ Google Play Store, cũng như các dịch vụ "cây nhà lá vườn" khác là Hangouts hay Google Drive.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, việc cài đặt các hệ điều hành khác nhau trên cùng một thiết bị không phải là việc mà ai cũng có thể làm được. Nếu bạn là người không quá am hiểu về việc cài đặt cả phần cứng và phần mềm, bạn sẽ cần cân nhắc thật kỹ hành động này nếu không muốn chiếc "siêu phẩm" của mình trở thành phế phẩm. Hơn nữa việc khởi động lại và chạy một hệ điều hành khác trên điện thoại chẳng hề dễ dàng như việc chúng ta làm ở trên máy tính, do đó đây là một việc thú vị nhưng chẳng thuận tiện chút nào cả.
Với nhà sản xuất thì sao?
Về phía các nhà sản xuất OEM(Original Equipment Manufacturer), họ cũng chẳng mặn mà gì trong việc tạo ra các thiết bị "mở" cho người dùng như chiếc HD2 huyền thoại. Về mặt bản quyền, họ phải làm việc với các nhà cung cấp hệ điều hành như Google hay Microsoft để có thể có quyền được cài đặt chúng lên thiết bị của mình(thậm chí là phải trả tiền), vậy nên chẳng dại gì mà họ lại phải đau đầu thêm về việc tuỳ biến một hệ điều hành khác cho người dùng ... nghịch.
Một thiết bị - một hệ điều hành sẽ giúp các nhà sản xuất tập trung cung ứng các dịch vụ tốt hơn như bán hàng, bảo hành, nâng cấp,... Một ý tưởng khác là các nhà sản xuất có thể cung cấp "xác", tức là họ chỉ cần sản xuất phần cứng, còn chạy hệ điều hành nào là do người dùng lựa chọn lúc mua sản phẩm. Nhưng như đã nói ở trên, việc cài đặt một hệ điều hành di động rắc rối hơn rất nhiều so với máy tính, vậy nên phương án này cũng chỉ có thể nằm trong mong muốn của những người ưa khám phá và vọc vạch.
Tổng kết lại, vấn đề cài đặt đa hệ điều hành trên smartphone có lẽ không phải là bài toán đặt ra cho nhà sản xuất, mà nó là dành cho chính người dùng chúng ta. Liệu bạn là người đam mê công nghệ đến mức cần phải có một thiết bị cho phép bạn chạy cả Android lẫn Windows Phone, bỏ mặc nguy cơ nó bị biến thành ... cục chặn giấy, hay bạn chỉ cần một hệ điều hành duy nhất, miễn sao nó thật mượt mà và chạy tốt là đủ? Câu trả lời xin dành cho bạn đọc.
Theo: Pocketnow
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng