Các thương hiệu mới nổi lên cũng là lúc những thương hiệu cũ phải vật lộn tồn tại trên thị trường thiết bị cạnh tranh khủng khiếp này.
Stategy Analytics đã chính thức công bố các báo cáo mới nhất về tình hình ngành công nghiệp smartphone. Nghiên cứu này cho thấy lĩnh vực smartphone đã trải qua rất nhiều thay đổi trong xu hướng toàn cầu lẫn tại các khu vực. Các thương hiệu mới nổi lên cũng là lúc những thương hiệu cũ phải vật lộn tồn tại trên thị trường thiết bị cạnh tranh khủng khiếp này.
Dữ liệu dưới đây được phân chia thành các vùng miền như Bắc Mỹ, Tây Âu, Châu Á Thái Bình Dương, Trung và Nam Mỹ, Trung và Đông Âu, Trung Đông và cuối cùng là Châu Phi. Mặc dù chỉ thống kê đến đầu năm 2016 nhưng các xu hướng nó đưa ra vẫn khá thú vị và liên quan đến hiện tại.
Toàn cảnh ngành công nghiệp smartphone
Ở mức độ cao nhất, lượng máy bán ra vẫn rất mạnh nhưng những dấu hiệu chững lại đã bắt đầu xuất hiện. Điều này được cho chủ yếu là vì các thị trường Châu Á Thái Bình Dương đã không còn tăng trưởng được như trước. Tổng lượng smartphone bán ra vào quý 1/2016 là 333 triệu máy, giảm 3% so với quý 1/2015 (345 triệu máy). Đây là lần đầu tiên lĩnh vực này chứng kiến mức tăng trưởng âm về doanh số so với cùng kỳ năm trước.
Xét từng khu vực, Châu Phi và Trung Đông lại đang là những thị trường tăng trưởng mạnh mẽ nhất (10% so với cùng kỳ năm ngoái). Tăng trưởng các khu vực còn lại trên thế giới đều hoặc giảm (Châu Á và Tây Âu), hoặc dậm chân tại chỗ (Bắc Mỹ). Ngành smartphone cũng gặp rất nhiều khó khăn ở Đông/Trung Âu và và Trung Mỹ với mức tăng trưởng giảm 13-15% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần cũng vì những biến động của thị trường tiền tệ.
Mặc dù vậy, năm nay, Samsung vẫn là tay chơi chủ đạo với 79 triệu máy bán ra trên toàn cầu, tương đương với mức thị phần 24%. Trong khi đó, Apple vẫn tiếp tục hứng chịu một quý doanh số giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai thương hiệu này tiếp tục thống trị Bắc Mỹ và Tây Âu nhưng lại cùng phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Châu Á.
Hiện nay, Samsung vẫn là thương hiệu smartphone lớn nhất thế giới. Các sản phẩm của hãng đã tràn tới thị trường Châu Phi, Trung Đông, Trung Mỹ, Trung Âu ngoài những khu vực quen thuộc trước đây. Các nhà sản xuất khác cũng đã xoay sở được cách tận dụng tiềm năng lớn của Châu Á để mang về mức doanh số cao trong suốt thập kỷ qua.
5 trong số 10 hãng smartphone lớn nhất hiện đang bán máy chủ yếu cho thị trường Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Các thương hiệu đại lục như OPPO, Huawei, Xiaomi, Vivo đều đã trở nên nổi bật trên thị trường toàn cầu hơn cả những thương hiệu vốn rất quen thuộc tại phương Tây như HTC, Sony hay BlackBerry.
Những chiếc máy giá rẻ hiệu năng cao đã lôi kéo thêm hàng triệu người dùng mới, đồng thời thúc đẩy sự tăng trưởng chóng mặt của thị trường Châu Á những năm qua. Sự thay đổi này không chỉ khiến khiến các thương hiệu nhỏ phải “ra rìa” mà ngay cả những ông lớn như Samsung cũng dần cảm nhận được sức nóng từ cạnh tranh. Nếu như năm 2013, thị phần Samsung là 33% toàn cầu thì tính đến quý cuối năm 2015, con số này đã giảm xuống còn 20%. Hiện nay, hãng vẫn đang cố gắng duy trì thị phần ổn định ở mức 24%.
Nếu như thị phần thu hẹp của Samsung hầu hết bắt nguồn từ nhu cầu suy giảm tại phương Tây, đặc biệt là mức tăng trưởng âm ở Bắc Mỹ và chỉ khoảng 4% ở Châu Âu thì Apple lại vẫn chứng kiến mức tăng trưởng 3,1% tại Bắc Mỹ và 17% ở Châu Âu. Tuy nhiên, trong khi thị phần Apple vẫn rất phụ thuộc vào các đợt ra mắt sản phẩm chứ chưa tạo được những đợt tăng cao mạnh mẽ như Samsung.
Tầm quan trọng của Trung Quốc
Huawei đã và đang là hình mẫu thành công trong nhiều năm qua khi xoay sở đưa thương hiệu của mình lên được vị trí hàng đầu như hiện nay. Thị phần của Huawei cũng đang ở mức 9% toàn cầu Một phần thành công này có được là nhờ nỗ lực đa dạng hóa khu vực hoạt động của công ty khi mở rộng thị trường ra ngoài Châu Á.
Cho dù Châu Á vẫn là thị trường lớn nhất của Huawei thì hãng smartphone cũng đã chiếm được một lượng người dùng nhất định tại Tây Âu, Trung Mỹ và Châu Phi – Trung Đông. Doanh số bán sản phẩm của công ty tăng trung bình 64% sau mỗi năm với tăng trưởng quý 1 năm nay tại Châu Âu lên đến 344%. Mỹ sẽ là thị trường tiếp theo mà Huawei muốn thôn tính khi lần lượt cho ra mắt hai dòng Honor 8 và 5X tại đây.
LG cũng thực thi chiến lược tương tự. Thương hiệu này hiện đã có mặt tại Trung và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, không giống như Huawei, LG hiện vẫn chưa chiếm được thị phần đáng kể tại các thị trường màu mỡ Châu Á.
Điều thú vị là rất nhiều cái tên lọt vào top 10 lần này đã nỗ lực đẩy mạnh thương hiệu của mình chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Lenovo, Xiaomi, TCL-Alcatel, Vivo hay OPPO đều là những cái tên non trẻ. Chúng ta buộc phải thừa nhận rằng HTC và Sony (đường đen và xám) đã không thích ứng kịp với thị trường để rồi chứng kiến mức thị phần rơi rụng xuống cuối bảng.
Trong khi đó, OPPO lại lên như diều gặp gió sau khi tập trung vào các dòng tầm trung đến cao cấp cho Trung Quốc, đồng thời đẩy mạnh doanh số tại Châu Phi. Xiaomi cũng duy trì được mức thị phần ổn định nhờ Trung Quốc và Ấn Độ, tuy không còn giữ được ngôi vị như trước. Sự sa cơ của Xiaomi cũng cho thấy việc chỉ tập trung hoạt động tại một thị trường đang bão hòa sẽ khiến các hãng điện thoại phải trả giá đắt như thế nào.
Sự nổi lên của các thương hiệu bản địa này khiến doanh số Samsung tại đây tụt giảm mạnh. Trong khi các dòng Samsung S và J vẫn đang bán chạy tại Hàn thì doanh số của chúng lại không mấy triển vọng tại Trung Quốc và Ấn Độ. Người dùng vẫn được hưởng lợi từ các dòng điện thoại giá rẻ ở phân khúc tầm trung đến cao cấp. Trong khi đó, Apple lại đẩy mạnh vị thế của mình tại khu vực khi tích cực đánh chiếm phân khúc cao.
Những xu hướng kể trên cũng cho thấy các chiến lược bảo thủ nay không còn phát huy tác dụng. Khi mà các thương hiệu chấp nhận đầu tư đẩy mạnh quảng bá tại những thị trường mới như Âu Mỹ, những tay chơi cứ mãi yên vị tại thị 1-2 thị trường lại là đối tượng có nguy cơ đánh mất thị phần cao nhất.
Các thương hiệu lớn
Rõ ràng là thị trường phương đông và phương tây đang tôn thờ những cái tên khá khác nhau. Top 5 thương hiệu tại từng khu vực cùng lượng máy bán ra cho thấy người dùng Châu Á đa dạng trong lựa chọn của mình hơn so với người dùng Âu Mỹ.
Samsung và Apple đều giữ vị trí số 1 hoặc 2 tại tất cả các thị trường, nhưng lại có khá nhiều thương hiệu nhỏ hơn đang tiếp nối hai ông lớn này. Ngay tại Tây Âu và Mỹ, chúng ta đã thấy những cái tên như LG, TCL – Alcatel, Huawei, ZTE,… đang nỗ lực luồn lách vào các ngách mà hai đại gia Apple và Samsung còn bỏ ngỏ. Tại Mỹ, LG vẫn sở hữu một mảng thị phần tương đối ổn, theo sát sườn là BLU và ZTE. Trong khi đó tại Tây Âu, Huawei lại chễm chệ ngồi ở vị trí thứ ba với Microsoft Windows và TCL – Alcatel theo sau. Điều thú vị là cả Huawei và ZTE đều sở hữu mức thị phần đáng kể tại Châu Á.
Nhìn chung, chúng ta có 10 thương hiệu lớn nhất đang thống trị thị trường smartphone toàn cầu, thế nhưng chỉ có 6 thương hiệu chính sở hữu phần lớn lượng máy bán ra trên thế giới.
Những thay đổi tại thị trường Âu Mỹ
Trong khi các thị trường Châu Á, Đông Âu và Trung Mỹ đang bắt đầu giảm cầu, nhiều thương hiệu lại đang muốn đánh ngược trở lại thị trường Mỹ và Tây Âu nhằm lật đổ thế thống trị của Apple và Samsung, hoặc ít nhất cũng là xen được vào những mảng thị trường mà họ chưa khai phá hết tại những khu vực này.
Quá trình này thực chất đã được thực hiện từ lâu với các nhà sản xuất giá rẻ đưa ra những dòng sản phẩm cấu hình cao trong tầm giá cao hơn những năm qua. Tại Bắc Mỹ, hãng ZTE Trung Quốc và nhà sản xuất bản địa BLU đã rất tích cực thực hiện chiến lược này. Tại Tây Âu, Huawei đã lên dây cót cho cuộc tiến công của mình.
Tại cả hai khu vực kể trên, thị phần các thương hiệu lớn nhất đã được định hình vững chắc những năm vừa qua, tuy tổng lượng thị phần Samsung và Apple nắm giữ thực chất đã ít nhiều thu hẹp lại. Nếu như năm 2013, hai gã khổng lồ này chiếm 67% thị phần thì nay chỉ còn khoảng 61%. Thị trường Tây Âu cũng trải qua xu hướng tương tự.
Thị phần hai ông lớn Apple và Samsung tại Mỹ đang tụt giảm, nhường chỗ cho các thường hiệu nhỏ như LG, ZTE, BLU, TCL-Alcatel
Mặc dù vậy, xu hướng này không phải chỉ diễn ra trong một sớm một chiều, và một khi các thị trường bắt đầu được định hình bởi những tên tuổi lớn, việc xâm lấn vào những thị trường trưởng thành như Âu Mỹ lại càng trở nên khó khăn hơn cho các thương hiệu non trẻ. Và trong bối cảnh thị trường đã bão hòa hiện nay, sự thành công của công ty này cũng sẽ là sự khó khăn của những công ty khác.
Kết
Năm 2016 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử thị trường smartphone bắt đầu chững lại, đặc biệt là tại các thị trường từng tăng trưởng nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ. Khi các thị trường bắt đầu trường thành và được định hình vững chắc hơn, các thương hiệu thiếu thốn người dùng sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều lần để thu hút các khách hàng mới.
Tuy nhiên, nói vậy cũng không có nghĩa là các thị trường Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ,… đã hết hẳn tiềm năng phát triển. Các khu vực này vẫn liên tục sản sinh ra những lớp người dùng mới; nhu cầu của họ cũng sẽ thay đổi dần theo thời gian (đi lên phân khúc cao hơn) khi các công nghệ mới có chi phí ngày càng thấp hơn. Những hãng sản xuất luôn theo kịp được các xu hướng tiêu dùng này sẽ tiếp tục giữ được vị thế lớn của mình.
Đối với các hãng lớn, sự cẩn trọng vẫn không bao giờ thừa. Mặc dù đà tụt giảm thị phần của Samsung có vẻ như đã ngừng nhưng sự cạnh tranh mới từ các tay chơi non trẻ với mức giá thấp hơn có vẻ như sẽ là đòn thử lửa cho gã khổng lồ Hàn Quốc. Apple cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự. Còn đối với người dùng, sự cạnh tranh gia tăng khốc liệt này có thể cho họ thêm nhiều lựa chọn sản phẩm thú vị trong những năm tới.
Tham khảo Android Authority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng